Nước về hồ thủy điện tại Hà Giang, Bắc Cạn, Lạng Sơn đạt đỉnh

Thủy Điện Việt nAM
11:15 - 27/06/2023
Thủy điện Thác Bà. Nguồn: VGP.
Thủy điện Thác Bà. Nguồn: VGP.
0:00 / 0:00
0:00
Theo báo cáo của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương, trong ngày 27/6, lưu lượng về hồ chứa các tỉnh Hà Giang, Bắc Cạn, Lạng Sơn đã đạt đỉnh và giảm dần.

So với ngày hôm qua, lưu lượng về các hồ chứa thủy điện khu vực Bắc Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên giảm nhẹ; Khu vực Bắc Trung Bộ tăng nhẹ. Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ lưu lượng về hồ thấp, dao động nhẹ so với ngày 26/6.

Về mực nước, các hồ chứa thủy điện khu vực Bắc Bộ có mực nước tăng nhanh, cao hơn mực nước chết từ 7m đến 20m; Khu vực Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ tăng nhẹ; Khu vực Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ giảm nhẹ so với ngày hôm qua, mực nước các hồ nằm trong phạm vi mực nước tối thiểu theo quy định của Quy trình vận hành.

Cũng theo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, lưu lượng, mực nước tại các hồ thủy điện khu vực Bắc Bộ tăng, các hồ chứa lớn đang nâng cao mực nước, hạn chế huy động phát điện để dự phòng cho đợt nắng nóng tiếp theo.

Một số hồ vừa, nhỏ, tràn tự do đã phải điều tiết nước lũ. Lượng nước về một số hồ khu vực Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ thấp, chủ yếu điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, phát điện cầm chừng để đảm bảo an toàn tổ máy khi vận hành, nâng cao mực nước phát điện.

Hiện chỉ còn 4 hồ ở mực nước thấp: Thác Bà, Bản Vẽ, Đồng Nai 3,Thác Mơ.

Còn 4 thủy điện phải phát điện hạn chế, cầm chừng với lưu lượng, mực nước, công suất thấp: Thác Bà, Bản Vẽ, Thác Mơ, Đồng Nai 3.

Theo dự báo của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, lưu lượng nước về hồ 24h tới các hồ khu vực Bắc Bộ giảm nhẹ ở mức cao; Khu vực Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ tăng nhẹ; Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ giảm nhẹ, ở mức thấp.

Tại khu vực Bắc Bộ, nơi tập trung các nhà máy thủy điện lớn nhất cả nước, hôm nay dự báo các hồ thủy điện lưu lượng về hồ lớn, giảm nhẹ so với ngày hôm qua: Hồ Lai Châu: 195 m3/s; Hồ Sơn La: 561 m3/s; Hồ Hòa Bình: 773 m3/s; Hồ Thác Bà: 114 m3/s; Hồ Tuyên Quang: 396 m3/s; Hồ Bản Chát: 210.5 m3/s.

Mặt khác, mực nước các hồ tăng cao so với ngày hôm qua, mực nước hồ/ mực nước chết: Hồ Lai Châu: 290.21 m/265 m; Hồ Sơn La: 182.97/175 m; Hồ Hòa Bình: 102.23/80m; Hồ Thác Bà: 47.25/46 m; Hồ Tuyên Quang: 102.61/90m; Hồ Bản Chát: 445.09/431m.

Còn theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày và đêm 27/6, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 15-30mm, có nơi trên 60mm; Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 60mm (thời gian xảy ra mưa dông tập trung vào chiều và tối).

Như vậy, nguồn thủy điện liên tục được bổ sung và đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu huy động nguồn điện, chỉ sau nhiệt điện than. Theo số liệu của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), trong ngày 26/6, tổng sản lượng huy động từ thuỷ điện khoảng 191 triệu kWh, riêng miền Bắc là 91,3 triệu kWh.

Trong một diễn biến liên quan đến tình hình cung ứng điện, ngày 26/6, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 245 kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp kiểm tra về tình hình sản xuất và cung ứng điện ở một số nhà máy điện ở tỉnh Quảng Ninh và cung ứng than trong nước cho sản xuất điện.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan có trách nhiệm tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp được giao và tăng cường công tác phối hợp có hiệu quả, tất cả vì mục tiêu chung là phải bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

Để góp phần khắc phục khó khăn về cung ứng điện hiện nay, Thủ tướng yêu cầu EVN, TKV và chủ đầu tư các nhà máy điện bị sự cố cần tập trung nguồn lực, nỗ lực cao nhất để khắc phục sự cố, sớm đưa các nhà máy này vào vận hành trở lại. Đồng thời, thực hiện tốt công tác dự báo và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để duy trì sản xuất, đảm bảo cho nhà máy vận hành đúng công suất, an toàn cho sản xuất, lao động.

Bộ Công Thương, EVN và các cơ quan liên quan cần chủ động hướng dẫn, khuyến khích, sáng tạo trong việc tăng cường thực hiện công tác tiết kiệm điện đạt hiệu quả cao nhất.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành than phải nỗ lực hơn nữa để bảo đảm cung ứng đủ than trong nước cho sản xuất điện và các ngành công nghiệp khác; Phấn đấu các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh tăng 10 - 15% so với kế hoạch đề ra.

Liên quan đến một số kiến nghị của TKV và tỉnh Quảng Ninh trong đó có việc phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Công Thương hoàn tất các thủ tục, hồ sơ, báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà xem xét, quyết định theo quy định và thẩm quyền.

Thường trực Chính phủ cũng đã có kết luận chỉ đạo về tình hình cung ứng điện và vấn đề cấp than, khí cho sản xuất điện. Trong đó, giao Bộ Công Thương nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách thích hợp nhằm tạo điều kiện cho ngành than, khí có kế hoạch sản xuất dài hạn, ổn định, đem lại lợi ích, hiệu quả cao nhất, tốt nhất cho đất nước.

Tin liên quan

Đọc tiếp