'Nút thắt' visa kéo chậm tốc độ hồi phục của ngành du lịch

visa DU LỊCH
14:24 - 19/03/2024
Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) - Ảnh: Quách Sơn - Mekong ASEAN.
Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) - Ảnh: Quách Sơn - Mekong ASEAN.
0:00 / 0:00
0:00
Một trong những vấn đề được nhiều hiệp hội, doanh nghiệp đưa ra tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam năm 2024 là chính sách thị thực vào Việt Nam.

Sáng 19/3, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2024 đang diễn ra tại Hà Nội với chủ đề "Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh".

Tham luận tại hội nghị, ông Denzel Eades, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hiệp hội doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (Britcham) cho rằng, trong lĩnh vực du lịch, chính sách visa của Việt Nam chưa điều chỉnh nhanh như các đối thủ cạnh tranh.

Để thích ứng với thực tế hậu Covid-19, Việt Nam cần xem xét các biện pháp khẩn cấp để theo kịp tốc độ tăng trưởng của các đối thủ cạnh tranh, bao gồm thêm miễn thị thực cho các thị trường mục tiêu chính, như Trung Quốc, Ấn Độ, Châu Âu, Úc, New Zealand, Canada và Mỹ.

"Chúng ta cũng cần xem xét thị thực lưu trú dài hạn để nghỉ hưu và thị thực nghỉ hưu cho những người muốn nghỉ hưu ở Việt Nam," ông Denzel Eades kiến nghị.

Cũng gửi tới VBF 2024 đề xuất với vấn đề này, ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhấn mạnh, cần miễn thị thực cho tất cả các quốc gia thành viên EU, ban hành các loại thị thực đặc biệt trong các dịp hội nghị, triển lãm hoặc sự kiện thể thao và hợp lý hóa các thủ tục nhập cư nói chung sẽ thúc đẩy sự hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến hàng đầu cho du khách và nhà đầu tư, tối quan trọng trong hội nhập kinh tế toàn cầu.

"Với chính sách visa của Việt Nam như hiện nay, tốc độ hồi phục của ngành du lịch, khách sạn sẽ bị kéo chậm lại so với các nước khi chúng ta bỏ lỡ đi nguồn thu, công ăn việc làm cũng như cơ hội bứt tốc ngành du lịch Việt Nam," EuroCham quan ngại.

Đề xuất miễn thị thực mở rộng này sẽ mang lại một lượng lớn khách từ thị trường EU với hơn 500 triệu dân. Hơn thế nữa, nếu gỡ bỏ rào cản cho khách quốc tế - những người có nhu cầu chi tiêu cao khi đến thăm Việt Nam, EuroCham chắc chắn sẽ mở ra những cơ hội tuyệt vời cho ngành du lịch Việt Nam sau những giai đoạn khó khăn vừa qua.

Việc gia hạn thị thực cũng phục vụ nhiều đối tượng khách du lịch hơn, chẳng hạn như những người làm việc tự do trên môi trường kỹ thuật số và khách du lịch dài hạn khi mang lại sự linh hoạt cần thiết để làm việc từ xa, kết hợp với mức sống tiết kiệm và các trung tâm đô thị sôi động của Việt Nam.

Đại biểu tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2024 (VBF 2024). Ảnh: Quách Sơn - Mekong ASEAN.

Đại biểu tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2024 (VBF 2024). Ảnh: Quách Sơn - Mekong ASEAN.

Trong khi đó, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) cũng kiến nghị, Việt Nam cần đa dạng hóa chủng loại thị thực. Bởi hiện nay, Việt Nam đang thực hiện cấp các loại thị thực là thị thực du lịch, thị thực công tác và thị thực đầu tư, tuy nhiên thời hạn thị thực tối đa người nước ngoài có thể được cấp là 5 năm.

Thậm chí, cả thị thực đầu tư có thời hạn 5 năm cũng phải đáp ứng điều kiện số tiền đầu tư khá lớn là từ 50 tỷ đồng trở lên, do đó thị thực công tác đa phần cấp cho những người nước ngoài lưu trú dài hạn cũng phải gia hạn hai năm một lần.

Bên cạnh đó, hồ sơ và thủ tục để gia hạn thị thực khá phức tạp đề nghị Chính phủ Việt Nam đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục, đồng thời xem xét thực hiện cấp loại hình thị thực mới cho phép lưu trú dài hạn theo hướng cấp tư cách thường trú vĩnh viễn cho các nhà đầu tư quy mô lớn để có thể giảm bớt những chi phí và công sức gia hạn thị thực.

"Trong bối cảnh xã hội già hóa toàn cầu, chúng tôi mong rằng Việt Nam cũng sẽ cân nhắc việc thực hiện cấp loại hình thị thực mới cho người về hưu như một giải pháp thay thế để tăng đầu tư nước ngoài trong dài hạn," đại diện Kocham nêu.

Việt Nam đang nghiên cứu mở rộng chính sách visa

Chưa có điều kiện phản hồi trực tiếp tại hội nghị với các doanh nghiệp FDI, tuy nhiên, tại phiên chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày hôm qua 18/3, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết Bộ đang triển khai đàm phán với nhiều nước về miễn thị thực song phương.

Ngoài 13 nước Việt Nam miễn thị thực đơn phương, Bộ đang đàm phán với 15 nước thực hiện miễn thị thực song phương, tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập cảnh thông thoáng hơn. Như vậy, công dân Việt Nam có 28 nước có thể đi lại tự do không cần xin visa.

Đây là hướng chính sẽ triển khai trong thời gian tới để công dân Việt ra nước ngoài cũng như đảm bảo công dân nước bạn vào Việt Nam. Trong điều kiện chưa làm được hộ chiếu phổ thông, Bộ Ngoại giao đang triển khai đàm phán với 80 nước về miễn thị thực song phương, tức là có đi có lại về hộ chiếu ngoại giao và công vụ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán, ký kết các hiệp định miễn thị thực song phương, vừa tạo ưu thế cho công dân Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại khi công dân nước ngoài vào Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Đọc tiếp