Ô nhiễm không khí tại New Delhi ngày càng trầm trọng

môi trường ẤN ĐỘ
12:40 - 17/11/2023
Không khí ô nhiễm tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Guardian
Không khí ô nhiễm tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Guardian
0:00 / 0:00
0:00
Tính tới ngày 16/11, tình hình ô nhiễm không khí tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ không ghi nhận sự cải thiện nào so với đầu tháng, trong bối cảnh việc đốt cây trồng tại các trang trại vẫn tiếp diễn bất chấp lệnh cấm của tòa án.

Từ đầu tháng 11, chất lượng không khí tại New Delhi bắt đầu suy giảm khi nhiệt độ hạ. Tới 6/11, thủ đô Ấn Độ ghi nhận khói mù độc hại đạt đến mức nguy hiểm trong ngày thứ 4 liên tiếp với nồng độ PM 2.5 ghi nhận được cao gấp gần 80 lần giới hạn khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, dữ liệu từ công ty chất lượng không khí Thụy Sĩ IQAir cho biết.

Tới 16/11, New Delhi tiếp tục trở thành thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số chất lượng không khí ở ngưỡng 509 – ngưỡng nguy hiểm - vào khoảng giữa trưa theo dữ liệu từ công ty chất lượng không khí Thụy Sĩ IQAir. Điều này xảy ra do các vụ đốt cây trồng diễn ra liên tục bất chấp cảnh báo thực thi các hành động pháp lý từ Tòa án tối cao và cảnh sát địa phương. Theo tờ The Indian Express đưa tin, bang Punjab, phía bắc New Delhi ngày 15/11 đã ghi nhận hơn 2.500 vụ đốt cây trồng.

Trong bối cảnh không khí ô nhiễm nặng nề, thủ đô New Delhi đã cấm mọi hoạt động xây dựng, đóng cửa trường học để bảo vệ trẻ em, tạm ngăn các xe tải chạy xăng và dầu diesel không thiết yếu vào thành phố và triển khai các phương tiện phun nước vào không khí để kiểm soát ô nhiễm.

Các quan chức môi trường của New Delhi ngày 6/11 trước đó cũng từng cho biết thành phố sẽ hạn chế sử dụng phương tiện giao thông trong một tuần từ ngày 13/11 đến ngày 20/11 để hạn chế ô nhiễm. Quy định này sẽ cho phép các phương tiện có biển số lẻ chạy vào các ngày lẻ và các phương tiện có biển số chẵn lưu thông trên đường vào các ngày chẵn.

Chính phủ Ấn Độ vốn lên kế hoạch tạo ra mưa nhân tạo để giảm bớt tình trạng ô nhiễm không khí. Kế hoạch này liên quan đến việc thả muối hoặc bạc iodide vào các đám mây từ máy bay nhằm thúc đẩy sự hình thành các giọt mưa trong một quá trình được gọi là “gieo hạt trên đám mây”.

Tuy nhiên theo Reuters trích dẫn Tiến sĩ Manindra Agrawal, nhà khoa học tại Viện Công nghệ Ấn Độ tại Kanpur và đồng thời là người đứng đầu cuộc thử nghiệm, việc thiếu mây che phủ thành phố đã đẩy lùi kế hoạch tạo mây vốn được lên kế hoạch vào khoảng ngày 20/11.

Ấn Độ vẫn luôn phải vật lộn với vấn đề ô nhiễm không khí tới từ lượng xe cộ khổng lồ, các khu công nghiệp cho tới việc đốt cây trồng tại các khu canh tác nông nghiệp. New Delhi, nơi sinh sống của hơn 20 triệu người, thường được xếp hạng là một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Tình trạng ô nhiễm tại đây nghiêm trọng tới mức một nghiên cứu năm 2021 của Viện Chính sách Năng lượng tại Đại học Chicago (EPIC) chỉ ra rằng chất lượng không khí thấp có thể làm giảm tuổi thọ của người dân Delhi tới 9 năm. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy mỗi người trong số 1,4 tỷ cư dân Ấn Độ đều phải chịu đựng mức độ ô nhiễm trung bình hàng năm vượt quá mức khuyến cáo do WHO đặt ra.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.