Ô tô Trung Quốc đắt hàng tại Nga khi các hãng xe lớn rời đi

Ô TÔ TRUNG QUỐC
16:56 - 02/03/2023
Ô tô Trung Quốc đắt hàng tại Nga khi các hãng xe lớn rời đi
0:00 / 0:00
0:00

Sau khi các thương hiệu xe lớn như Volkswagen hay Toyota rời khỏi thị trường Nga do các lệnh trừng phạt, các nhà sản xuất ô tô của Trung Quốc xem đây là cơ hội để mở rộng và tăng trưởng doanh số bán hàng.

Một năm sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các vòng trừng phạt toàn diện đã khiến nhiều công ty phương Tây rời khỏi thị trường này, để lại một khoảng trống lớn trên thị trường. Nhiều công ty sản xuất xe của Trung Quốc đang coi đây là cơ hội kinh doanh lớn và thế chỗ các đối thủ phương Tây.

Bloomberg dẫn số liệu của Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu ngày 1/3 cho biết, những thương hiệu sản xuất ô tô của Trung Quốc như Geely, Chery, Great Wall đã chiếm 17% thị trường ô tô Nga vào năm 2022. Con số này tăng đáng kể so với mức 6,3% của năm trước đó.

Chuyên gia Anna Kireeva tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhà nước Moscow cho biết, việc nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại trong năm nay sẽ thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu của Nga sang nước này. Đặc biệt, ngành ô tô sẽ là ngành hưởng lợi lớn do thị trường 150 triệu dân của Nga đang có nhiều nhu cầu không được đáp ứng vì các lệnh cấm vận.

Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang chiếm thị phần lớn tại thị trường Nga. Ảnh: Theo Bloomberg.

Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang chiếm thị phần lớn tại thị trường Nga. Ảnh: Theo Bloomberg.

Theo Bloomberg, thị phần của các thương hiệu ô tô Trung Quốc vẫn đang tiếp tục tăng trưởng mạnh ngay từ quý 1/2023 khi họ được hưởng lợi từ việc dễ dàng duy trì nguồn cung cấp phụ tùng từ Trung Quốc.

Giống như Ấn Độ và nhiều quốc gia khác, Trung Quốc không gia nhập các nước áp dụng các biện pháp trừng phạt do phương Tây khởi xướng đối với Nga.

Great Wall Motors, nhà sản xuất ô tô Trung Quốc duy nhất có cơ sở sản xuất ở Nga, được đài truyền hình CCTV của Trung Quốc đưa tin đã bán những chiếc SUV thương hiệu Haval cho quân đội Nga vào năm 2021.

Trang web của Haval cho biết, họ có các công ty con ở Úc, Mỹ cùng một mạng lưới bán hàng trải rộng trên 60 quốc gia và khu vực. Tuy nhiên doanh số bán hàng tại nước ngoài của Great Wall chỉ là một phần nhỏ so với thị trường nội địa, bởi vậy họ không quá e ngại lệnh trừng phạt hay sự tẩy chay từ các thị trường nước ngoài.

Trong khi đó, Chery, thương hiệu xe hơi Trung Quốc bán chạy nhất ở Nga năm ngoái, cũng có thị trường chính ở Trung Đông, Nam Mỹ và châu Phi. Bloomberg dẫn số liệu từ công ty phân tích Autostat của Nga, năm 2022, doanh số bán hàng của Chery tại Nga đạt trung bình 4.475 xe/tháng. Còn hai hãng Great Wall và Geely lần lượt đạt 2.940 xe/tháng và 2.035 xe/tháng.

Ngoài ra, việc các nhà sản xuất ô tô phương Tây rút lui khỏi thị trường Nga đã mang lại lợi ích cho cả phía Trung Quốc và Nga. Khi nhà sản xuất ô tô Renault của Pháp rời khỏi và để lại nhà máy ở Moscow (Nga) vào năm ngoái, thương hiệu Moskvich thời Liên Xô sau hơn 20 năm ngừng hoạt động đã được Chính phủ Nga “hồi sinh” để tiếp quản nhà máy và bắt đầu đi vào sản xuất từ tháng 11/2022. Đặc biệt, ngoại hình của mẫu xe này được cho là giống với mẫu crossover Sehol X4 do hãng xe Trung Quốc JAC sản xuất từ 2020.

Ngoài ra, nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Nga là AvtoVAZ cũng đang cân nhắc hợp tác với một tập đoàn ô tô Trung Quốc để sản xuất xe tại nhà máy lắp ráp ở thành phố Saint-Peterburg (Nga) do Nissan bỏ lại. Nếu hợp tác suôn sẻ, liên doanh này sẽ sản xuất và lắp ráp khoảng 10.000 xe mỗi năm, chủ yếu là các dòng xe cao cấp.

Thị phần của nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Nga là AvtoVAZ tăng từ 21,4% lên 27,4%, nhưng doanh số bán hàng của nhà sản xuất ô tô Lada lại giảm 46% do thiếu linh kiện, phụ tùng và nhà máy ngừng hoạt động. Cũng nhờ đó mà các thương hiệu xe Trung Quốc ngày càng có cơ hội thâm nhập sâu hơn và tăng trưởng doanh số bán hàng tại thị trường ô tô Nga.

Đọc tiếp