Quan chức Đức chỉ trích Mỹ bán khí đốt 'với giá trên trời'

NĂNG LƯỢNG CHÂU ÂU
18:27 - 05/10/2022
Đức kêu gọi các nỗ lực đoàn kết từ phía Mỹ trong việc giúp các đồng minh châu Âu chia sẻ áp lực năng lượng. Ảnh: Getty Images
Đức kêu gọi các nỗ lực đoàn kết từ phía Mỹ trong việc giúp các đồng minh châu Âu chia sẻ áp lực năng lượng. Ảnh: Getty Images
0:00 / 0:00
0:00
Hôm 4/10, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã cáo buộc các quốc gia “thân thiện” với châu Âu bán khí đốt với giá cao ngất ngưởng nhằm thu lợi từ ảnh hưởng chiến sự đang diễn ra tại Ukraine, đồng thời kêu gọi sự đoàn kết giúp EU giảm bớt gánh nặng.

NBC News trích dẫn bài phỏng vấn tới tờ NOZ hôm 4/10 của Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết, một số quốc gia, kể cả những quốc gia thân thiện với châu Âu, đôi khi vẫn đạt được doanh thu tốt do “mức giá bán khí đốt cao ngất ngưởng”. Việc này kéo theo hàng loạt các vấn đề cần phải được thảo luận cho khu vực này.

Để có thể phần nào giảm bớt gánh nặng lên vai EU trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng, ông Habeck kêu gọi sự đoàn kết hơn nữa tới từ Mỹ trong việc giúp đỡ các đồng minh của mình.

Thêm vào đó, ông Habeck cũng khẳng định sức mạnh thị trường châu Âu là "rất lớn” và nó chỉ cần được sử dụng đúng cách. Vì vậy, EU "nên tập hợp sức mạnh thị trường của mình và điều chỉnh hành vi mua hàng thông minh và đồng bộ để các nước thành viên không phải trả mức giá cao hơn và làm tăng giá cả cho thị trường thế giới”.

Ngoài ông Habeck, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đưa ra nhận định EU cần làm nhiều hơn nữa để giải quyết cuộc khủng hoảng khí đốt của khu vực. Trong bối cảnh các thành viên trong khối đang tranh giành nguồn cung cấp thay thế và sức ép giá cả do chiến sự và mối quan hệ ngoại giao xấu đi với Nga, châu Âu cần phải có các giải pháp tích cực và linh động.

Trước đó, do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt gây ảnh hưởng tới công tác bảo trì đường ống dẫn khí Nord Stream, tập đoàn khí đốt nhà nước khổng lồ Gazprom của Nga đã cắt giảm mạnh nguồn cung cấp sang EU. Trong bối cảnh nguồn cung giảm mạnh và nguồn cung thay thế chưa ổn định, châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt khí đốt nghiêm trọng trong cả đời sống lẫn sản xuất và kinh doanh.

Theo CNBC, hành động này đã gây hệ quả sâu rộng tới khối do EU từng phụ thuộc khoảng 45% nguồn cung cấp khí đốt từ Nga, đặc biệt là trong những tháng mùa đông lạnh giá. Nền kinh tế phát triển nhất khối là Đức cùng là một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga trong nhiều thập kỷ với các cơ sở hạ tầng năng lượng khổng lồ như đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và Nord Stream 2 trị giá 11 tỷ USD.

Nhiều quốc gia khác bao gồm Anh, Thụy Sĩ hay cả các nước luôn tự hào vào ngành năng lượng của mình như Pháp cũng không nằm ngoài lề cơn bão năng lượng khi phải cân nhắc cắt giảm chiếu sáng, trợ giá năng lượng hay thậm chí cả việc cắt điện. Dù đã lấp đầy khoảng 85% các kho dự trữ, nhiều chuyên gia vẫn đánh giá triển vọng cho mùa đông tại châu Âu là không hề tích cực. Hơn nữa, việc dự trữ khí đốt cho mùa đông năm sau còn trở thành vấn đề lớn hơn do nguồn cung sẵn có từ Nga đã không còn.

Ngoài các vấn đề này, căng thẳng giữa Nga và EU còn leo thang thêm một bậc nữa khi đường ống Nord Stream gặp sự cố rò rỉ mà theo nhiều nước là bị “cố tình phá hoại”. Nga phủ nhận mọi cáo buộc phá hoại các đường ống, trong khi EU thề sẽ phản ứng "mạnh mẽ" đối với các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của khối này.

Đọc tiếp