Rác thải điện tử tăng nhanh hơn 5 lần tốc độ tái chế

môi trường THẾ GIỚI
18:05 - 21/03/2024
Rác thải điện tử tại Agbogbloshie, Ghana. Ảnh: Muntaka Chasant
Rác thải điện tử tại Agbogbloshie, Ghana. Ảnh: Muntaka Chasant
0:00 / 0:00
0:00
Theo một báo cáo được Liên Hợp Quốc công bố ngày 20/3, sự gia tăng rác thải điện tử trên toàn cầu trong khi tỷ lệ tái chế thấp đang gây ô nhiễm môi trường và khiến hàng tỷ USD vật liệu có giá trị bị vứt bỏ.

Hãng tin Straits Times trích dẫn Báo cáo Giám sát rác thải điện tử toàn cầu của Liên Hợp Quốc cho biết lượng rác thải điện tử đang gia tăng nhanh gấp 5 lần so với tỷ lệ tái chế chính thức được công bố trên thế giới.

Cụ thể, số liệu cho thấy trong năm 2022, lượng rác thải điện tử tạo ra trên thế giới đạt 62 triệu tấn, đủ để lấp đầy 1,55 triệu xe tải 40 tấn. Nếu xếp các xe tải này nối tiếp nhau, chúng có thể tạo thành một vòng bao quanh Trái Đất tại đường xích đạo. Châu Á hiện là nguồn rác thải điện tử chính khi chiếm gần một nửa lượng rác thải điện tử toàn cầu được tạo ra vào năm 2022. Châu lục này cũng đồng thời là nơi có tỷ lệ tái chế thấp.

Nhìn chung, lượng rác thải điện tử phát sinh hàng năm đang tăng 2,6 triệu tấn và đang trên đà đạt 82 triệu tấn vào năm 2030. Trong số rác thải điện tử được thải ra trên toàn cầu năm 2022, 17 triệu tấn tới từ nhựa và 14 triệu tấn tới vật liệu khác như thủy tinh và bê tông. Kim loại chiếm khoảng một nửa ở mức 31 triệu tấn - với tổng giá trị lên tới 91 tỷ USD bao gồm 19 tỷ USD từ đồng, 15 tỷ USD từ vàng và 16 tỷ USD từ sắt.

Bất chấp số lượng lớn rác thải điện tử này, chỉ có 22,3%, tương đương 13.8 triệu tấn, được thu gom và tái chế một cách chính thức và thân thiện với môi trường trong năm 2022, từ đó gây lãng phí nguồn tài nguyên có thể tái chế được cũng như làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Một số lượng lớn rác thải điện tử, thay vào đó, được tái chế một cách không chính thức trên khắp thế giới, ví dụ như 18 triệu tấn được tiêu hủy ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp không có cơ sở hạ tầng quản lý rác thải điện tử. Tái chế không chính thức hoặc không được kiểm soát chỉ các hoạt động tháo dỡ và xử lý chất thải điện tử bên ngoài hệ thống quản lý chất thải được chính phủ giám sát.

Điều đáng lo ngại liên quan tới các hoạt động này chính là việc nó có thể gây độc hại cho người lao động và gây ô nhiễm môi trường. Báo cáo của Liên Hợp Quốc nhận định: “Việc tái chế không chính thức thường dẫn đến tỷ lệ sử dụng tài nguyên rất thấp và do đó không đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, sức khỏe và an toàn”.

Ngược lại, hệ thống quản lý chất thải điện tử thân thiện với môi trường có tác dụng đáng kể trong “ngăn ngừa thiệt hại cho môi trường và giúp thu hồi nguyên liệu thô thứ cấp và tránh phát thải”. Ví dụ, việc tái sử dụng kim loại một lần nữa sẽ loại bỏ nhu cầu xử lý hàng triệu tấn quặng từ các mỏ, giảm suy thoái môi trường do khai thác và cắt giảm khí thải bằng cách loại bỏ việc vận chuyển và chế biến quặng khoáng sản.

Tái chế nhựa được làm từ nhiên liệu hóa thạch và xử lý đúng cách các chất làm lạnh làm nóng hành tinh được sử dụng trong máy điều hòa không khí và tủ lạnh cũng có thể cắt giảm lượng khí thải nhà kính.

Tuy nhiên, bất chấp những lợi ích này, báo cáo dự đoán tỷ lệ thu gom và tái chế được ghi nhận trên thế giới sẽ giảm từ 22,3% vào năm 2022 xuống còn 20% vào năm 2030. Một phần lý do cho điều này là sự khác biệt ngày càng lớn trong nỗ lực tái chế so với tốc độ gia tăng nhanh của rác thải điện tử trên toàn cầu. Trong năm 2022, tỷ lệ thu gom và tái chế được ghi nhận chính thức ở Châu Âu đạt 42,8% trong khi đạt 11,8% tại châu Á và dưới 1% tại châu Phi.

Những thách thức khác góp phần làm gia tăng khoảng cách bao gồm tiến bộ công nghệ, mức tiêu thụ cao hơn, lựa chọn sửa chữa hạn chế, vòng đời sản phẩm ngắn hơn, thiếu sót trong thiết kế và cơ sở hạ tầng quản lý rác thải điện tử không đầy đủ. Việc nhiều người sở hữu và sử dụng nhiều thiết bị điện tử cùng khả năng kết nối ngày càng tăng giữa các khu vực thành thị và vùng sâu vùng xa cũng dẫn đến sự gia tăng số lượng thiết bị được kết nối với Internet.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.