Sacombank báo lãi gần 1.589 tỷ đồng, tăng 59% trong quý I

NGÂN HÀNG Việt nAM
17:33 - 05/05/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 vừa được công bố, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB) báo thu nhập lãi thuần giảm, tuy nhiên lợi nhuận trước thuế lại tăng 59% so với cùng kỳ.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 vừa được công bố của Sacombank (mã HoSE: STB) ghi nhận thu nhập lãi thuần của ngân hàng giảm 9% so với cùng kỳ 2021, xuống còn 2.739 tỷ đồng. Do dư nợ tăng nhưng lãi suất cho vay giảm so với cùng kỳ năm trước và tăng cường phân bổ lãi tồn đọng nên thu lãi cho vay giảm.

Tuy nhiên, nhiều mảng kinh doanh khác của Sacombank ghi nhận tăng trưởng mạnh. Cụ thể, lãi thuần từ mảng dịch vụ tăng 83,4% so với cùng kỳ năm trước mang về hơn 1.535 tỷ đồng; lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng ghi nhận tăng gần 44%, lên 298 tỷ đồng; hoạt động khác báo lãi đột biến gấp hơn 9 lần so với cùng kỳ, từ 58 tỷ lên 545 tỷ đồng.

Trong 3 tháng đầu năm nay, Sacombank đã dành ra gần 705 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 48% so quý cùng kỳ năm trước. Qua đó, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trong quý I đạt gần 1.589 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến 31/3, tổng tài sản tăng 6% so với đầu năm, lên mức 552.539 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt tăng 20%, lên 9.874 tỷ đồng, tiền gửi tại NHNN tăng 1,7% lên 12.383 tỷ đồng, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác tăng 64% lên 12.600 tỷ đồng.

Tổng nợ xấu ngân hàng đến cuối quý I/2022 giảm 7% so với đầu năm, chỉ còn hơn 5.299 tỷ đồng, giảm mạnh nhất là nợ dưới tiêu chuẩn với mức giảm 43%. Kết quả, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ mức 1.47% đầu năm xuống còn 1.28%.

Trong kỳ họp ĐHCĐ vừa qua của Sacombank, Hội đồng Quản trị đã thông qua tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. Lãnh đạo Sacombank cho biết giai đoạn 2022-2026, ngân hàng sẽ đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng còn lại thông qua việc triển khai các giải pháp thu hồi nợ, kết hợp quản trị rủi ro.

Dự kiến chậm nhất đến năm 2023, Sacombank sẽ hoàn tất xử lý toàn bộ các vấn đề tồn đọng thuộc Đề án, qua đó chính thức hoàn thành trước hạn được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, Sacombank đặt mục tiêu tăng tổng tài sản lên trên 573 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với 2021; nguồn vốn huy động tăng 10%, dư nợ tín dụng tăng 12%, lợi nhuận trước thuế tăng 20% lên 5.280 tỷ đồng, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Về giải pháp thực hiện, lãnh đạo Sacombank cho biết, ngân hàng sẽ đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và nợ tồn đọng còn lại; tiếp tục phát triển các giải pháp công nghệ số trong tất cả các hoạt động chính của ngân hàng; hoàn thiện các dự án quản trị rủi ro theo Basel II; khai thác hiệu quả nguồn vốn và tăng hiệu suất sử dụng tài sản; mở rộng quy mô; tăng năng suất lao động; thực hiện phát hành cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ nhân viên (ESOP) để gắn kết bền chặt hơn giữa người lao động với Sacombank.

Trong 4 tháng đầu năm nay, Sacombank đã ghi nhận tăng trưởng huy động hơn 7%, tăng trưởng tín dụng hơn 6%. Đặc biệt nợ xấu thu hồi trên 11.500 tỷ, trong đó thực thu mang về cho ngân hàng 6.500 tỷ, dự kiến cả năm sẽ thu hồi và xử lý 15.000 tỷ đồng nợ xấu.

Với tiến độ kinh doanh đang được triển khai quyết liệt, Sacombank khẳng định sẽ hoàn thành và vượt mọi chỉ tiêu cổ đông giao, hoàn thành sớm Đề án tái cơ cấu.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.