Sau COP26, Bộ Công Thương cần nghiên cứu lại Quy hoạch điện VIII

NĂNG LƯỢNG Việt nAM
15:22 - 11/11/2021
Mạng lưới truyền tải điện
Mạng lưới truyền tải điện
0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu Quy hoạch điện VIII, đề xuất các phương án xử lý phù hợp trên cơ sở tiếp thu thông điệp của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc (COP26).

Nội dung được Văn phòng Chính phủ ban hành trong văn bản số 308/TB-VPCP ngày 9/11/2021 thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về Quy hoạch điện VIII.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục rà soát quy hoạch phát triển nguồn điện theo hướng bảo đảm cao nhất cân bằng cung cầu nội vùng (Bắc, Trung, Nam), kết hợp sử dụng hợp lý, kinh tế lưới điện truyền tải liên kết hiện có và đang đầu tư xây dựng, bảo đảm hiệu quả chung cao nhất.

Ngoài ra, cần đánh giá kỹ thêm về mức độ dự phòng nguồn điện tối ưu và hợp lý của hệ thống điện quốc gia và hệ thống điện từng miền, có tính đến phương án điều hành bảo đảm cung ứng điện khi tỷ lệ thực hiện nguồn điện không đạt 100% so với quy hoạch và phương án cân đối dự phòng công suất nguồn điện không tính đến nguồn điện mặt trời.

Bộ Công Thương cần rà soát kỹ về quy hoạch một số nguồn điện có tính khả thi không cao hiện chưa giao chủ đầu tư hoặc đã có chủ đầu tư nhưng có đề nghị không tiếp tục triển khai, nhất là các dự án nhiệt điện than; đề xuất các phương án xử lý phù hợp trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu thông điệp của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc (COP26).

Đồng thời, bổ sung làm rõ về các tiêu chí xác định các dự án trọng điểm, ưu tiên trong Quy hoạch điện VIII.

Vào giữa tháng 10 vừa qua, Bộ Công Thương đã gửi tờ trình lên Chính phủ về việc phê duyệt đề án Quy hoạch điện VIII về phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đề án trên, mục tiêu đến năm 2045 sẽ khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, tăng tỉ lệ đạt khoảng 11,9-13,4% vào năm 2030 và khoảng 26,5-28,4% vào năm 2045.

Theo Bộ Công Thương, Quy hoạch điện VIII sẽ hướng tới khắc phục tình trạng mất cân đối nguồn điện giữa các vùng miền, phát triển hài hòa công suất nguồn trên từng vùng, đảm bảo cân bằng nguồn - tải nội vùng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện nhằm giảm tổn thất truyền tải và khai thác hiệu quả các nguồn điện.

(Theo bản dự thảo Quy hoạch điện VIII của Bộ Công Thương)
(Theo bản dự thảo Quy hoạch điện VIII của Bộ Công Thương)

Về cơ cấu điện sản xuất, bản dự thảo Quy hoạch điện VIII trên cũng cho thấy, năm 2025 tỉ trọng thủy điện là 23,2-24%, nhiệt điện than 40,5-42,4%, nhiệt điện khí 13,1-15,3%, nguồn điện năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (gió, mặt trời, sinh khối, ...) 16,4-17,1%, nhập khẩu 4,1-4,5%. Đến năm 2045 thì thủy điện là 8,2-9,8%, nhiệt điện than 27,4-32,4%, nhiệt điện khí 28,4-33,1%, năng lượng tái tạo ngoài thủy điện 26,5-28,4%, nhập khẩu 3,05-3,1%.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện Chương trình phát triển điện lực lựa chọn trong giai đoạn 2021-2030 khoảng 99,32-115,96 tỷ USD, cho giai đoạn 2031-2045 khoảng 180,1- 227,38 tỷ USD.

Tại COP26, các quốc gia trên thế giới trong đó có các nền kinh tế ASEAN đã cùng cam kết lộ trình loại bỏ dần năng lượng than và ngừng xây thêm các nhà máy nhiệt điện.

Bản "Tuyên bố Chuyển đổi từ Than sang Điện sạch Toàn cầu" đã được công bố trong Ngày năng lượng 4/11 của Hội nghị COP26 ở Glasgow, Scotland. Hiện tại đã có 47 quốc gia, trong đó có Việt Nam ủng hộ tuyên bố trên, với cam kết sẽ chấm dứt sản xuất điện từ than đá và ngừng xây mới các nhà máy nhiệt điện than.

Với các cam kết tính tới ngày 4/11, có gần 70 quốc gia đặt mục tiêu loại bỏ than đá và con số này có thể mở rộng khi các cuộc đàm phán về khí hậu tiếp tục diễn ra tại Glasgow trong tuần tới. Hầu hết các nền kinh tế lớn sẽ loại bỏ điện than vào thập niên 2030, trong khi phần còn lại của thế giới sẽ thực hiện mục tiêu này từ thập niên 2040 trở đi.

Các nền kinh tế ASEAN cũng không đứng ngoài cuộc chiến khí hậu đầy thách thức này, khi lãnh đạo các nước đều đồng ý cần sớm thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ sử dụng than sang năng lượng sạch.

Về phía Nam Nam, tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định, mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo.

Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tin liên quan

Đọc tiếp