Sloviansk có thể là ‘chảo lửa’ mới thay đổi cục diện xung đột Nga – Ukraine

chiến sự Nga – Ukraine
14:25 - 06/04/2022
Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine tuần tra một quảng trường ở Sloviansk vào đầu tháng 2. Ảnh: AP
Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine tuần tra một quảng trường ở Sloviansk vào đầu tháng 2. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia quân sự cho biết, sau khi rút khỏi phần lớn miền bắc Ukraine, quân đội Nga dường như đang xoay trục để kiểm soát thành phố phía đông Sloviansk. Nỗ lực này nhằm kết nối quân đội Nga với lực lượng do Moscow hậu thuẫn ở vùng Donbass.

Trong một báo cáo ngày 5/4, các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), một tổ chức tư vấn của Mỹ chuyên theo dõi diễn biến tại xung đột Ukraine, nhận xét rằng quân đội Nga đã rút khỏi khu vực Kiev do lực lượng này "không có khả năng được triển khai hiệu quả ở những nơi khác trên lãnh thổ Ukraine”, New York Times đưa tin.

Thành công của Nga trong việc kiểm soát các khu vực Luhansk và Donetsk có thể phụ thuộc vào khả năng kiểm soát được Sloviansk, thành phố của hơn 111.000 người dân, cách thủ đô Kiev hơn 400 km về phía đông.

Vị trí thành phố Sloviansk trên bản đồ. Nguồn: The New York Times

Vị trí thành phố Sloviansk trên bản đồ. Nguồn: The New York Times

Các lực lượng Nga đang dự kiến ​​sẽ tiến quân từ thành phố Izium (khoảng 30 km về phía bắc) và cố gắng bao vây các lực lượng Ukraine. Theo đánh giá của báo cáo, cuộc giao tranh tại Sloviansk có thể sẽ là “trận then chốt tiếp theo” làm thay đổi cục diện xung đột Ukraine.

Ông Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhận định Nga dường như đang "thay đổi các mục tiêu chiến sự của mình”. "Tất cả các dấu hiệu cho thấy Nga sẽ tìm cách bao vây và áp đảo các lực lượng Ukraine ở miền đông, thay vì tìm cách chiếm toàn bộ lãnh thổ nước này như mục tiêu ban đầu", ông nói trong một cuộc họp báo ngày 4/4.

Sloviansk nằm ở một vị trí chiến lược gần khu vực phía đông Donbass, từng là điểm nóng giao tranh giữa quân chính phủ và phe ly khai khi xung đột xảy ra vào năm 2014. “Nếu không kiểm soát được thành phố này thì sẽ đồng nghĩa kế hoạch kiểm soát toàn bộ tỉnh Lugansk và Donetsk của Nga sẽ thất bại”, các chuyên gia cho biết.

Một tòa chung cư bị phá hủy trong cuộc giao tranh giữa lực lượng Ukraine và Nga ở Borodyanka, Ukraine, ngày 5/4. Ảnh: AP
Một tòa chung cư bị phá hủy trong cuộc giao tranh giữa lực lượng Ukraine và Nga ở Borodyanka, Ukraine, ngày 5/4. Ảnh: AP

Sloviansk đã không phải hứng chịu bất kỳ cuộc tấn công quy mô lớn nào kể từ khi Nga bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” hôm 24/2. Thị trưởng Vadym Lyakh tuần trước cho biết, mặc có khoảng 20.000 người đã được sơ tán khỏi thành phố, nhưng nguồn điện, khí đốt, Internet và các hoạt động mua bán vẫn được duy trì.

Ông Pavlo Kyrylenko, Thống đốc vùng Donetsk, cũng hối thúc người dân sơ tán khỏi thành phố Sloviansk. “Đây không phải là lần đầu tiên tôi gửi lời kêu gọi cư dân Sloviansk tạm thời rời khỏi khu vực. Mạng sống của con người là vô giá”, ông nói.

Phát biểu trực tuyến trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm nay, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chỉ trích những hành động của Nga ở Ukraine, đồng thời kêu gọi LHQ trục xuất Nga khỏi Hội đồng Bảo an và cung cấp bảo đảm an ninh cho Kiev.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc: Trong bài phát biểu trực tuyến trước HĐBA LHQ ngày 6/4, Tổng thống Volodymyr Zelensky cáo buộc các lực lượng Nga sát hại dân thường. Đồng thời ông yêu cầu LHQ "loại bỏ Nga" khỏi cơ quan này, hoặc "tự giải thể".

Thành phố Mariupol: CNN dẫn tin tình báo từ Bộ Quốc phòng Anh ngày 6/4 cho biết, các cuộc không kích và giao tranh giữa lực lượng Nga và Ukraine tiếp tục diễn ra tại thành phố Mariupol. "Tình hình nhân đạo trong thành phố đang trở nên tồi tệ", bản cập nhật tình báo cho biết.

Viện trợ nhân đạo: LHQ cho biết, một đoàn xe chở hàng nhân đạo gồm 8 xe tải đã đến Sievierodonetsk ở vùng Luhansk, miền đông Ukraine, nơi giao tranh kéo dài.

“LHQ và các đối tác nhân đạo đã giao bữa ăn sẵn, hàng đóng hộp, bột mì và các mặt hàng cứu trợ thiết yếu như chăn, đệm, đèn năng lượng mặt trời và các vật dụng gia đình khác”, Phó Điều phối viên Nhân đạo của LHQ Markus cho biết trong một tuyên bố. Hàng viện trợ cũng bao gồm tấm trải nhựa và chăn cho khoảng 17.000 người, cũng như máy phát điện cho bệnh viện địa phương.

Theo ước tính của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), ít nhất 11,3 triệu người đã phải sơ tán, trong đó có hơn 4,3 triệu người tị nạn đã rời Ukraine đến các nước láng giềng.

Nhà sản xuất chip Intel: CNBC đưa tin, Intel thông báo đã đình chỉ mọi hoạt động kinh doanh tại Nga. Một tháng trước, Intel thông báo tạm dừng tất cả các chuyến hàng đến Nga và Belarus. Trước Intel, danh sách các công ty phần mềm toàn cầu thông báo ngừng hoạt động hoặc vận chuyển hàng đến Nga bao gồm Oracle, SAP và IBM.

Lệnh trừng phạt mới từ Mỹ: Theo một quan chức Mỹ, Washington có thể công bố các biện pháp trừng phạt đối với con cái của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Động thái này nằm trong số các gói trừng phạt mới nhất được phối hợp với các quốc gia G7 và EU. Trong đó, bao gồm lệnh cấm tất cả các khoản đầu tư mới vào Nga, gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức tài chính và đưa các quan chức chính phủ Nga và thành viên gia đình của họ vào danh sách đen.

Lệnh cấm nhập khẩu than Nga của EU: Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất gói lệnh cấm theo từng giai đoạn đối với lượng than nhập khẩu của Nga trị giá 4,3 tỷ USD mỗi năm. Đây là một phần của gói trừng phạt thứ năm được EU tạo ra nhằm gây sức ép lên Nga. Dự kiến ​​sẽ có thêm thông tin chi tiết về gói trừng phạt mới, bao gồm cả mốc thời gian lệnh cấm than đá có hiệu lực. Các biện pháp vẫn cần sự chấp thuận của tất cả 27 quốc gia thành viên.

Tin liên quan

Đọc tiếp