Chiến sự và lạm phát đe dọa triển vọng phục hồi khu vực đồng Euro

KINH TẾ CHÂU ÂU
06:45 - 04/04/2022
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại khu vực Eurozone trong tháng 3 giảm mạnh hơn dự báo. Ảnh: Reuters
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại khu vực Eurozone trong tháng 3 giảm mạnh hơn dự báo. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Trong cuộc khảo sát gần đây, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại Pháp và Đức trong tháng 3 giảm mạnh hơn dự báo, do tác động của lạm phát gia tăng và sự leo thang của chiến sự tại Ukraine. 

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khẳng định, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể tránh được một cuộc suy thoái trầm trọng. Tuy nhiên, sự sụt giảm niềm tin người tiêu dùng tại hai nền kinh tế hàng đầu trong khối đang là dấu hiệu cho thấy bước lùi và xóa đi hy vọng về đà phục hồi mạnh mẽ hậu Covid-19.

Tại Đức, viện GfK cho biết chỉ số niềm tin người tiêu dùng của họ, dựa trên một cuộc khảo sát đối với 2.000 người tham gia, đã giảm xuống mốc -15,5 điểm trong tháng 3 vừa qua và là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021. "Trong tháng 2, niềm tin người tiêu dùng từng cải thiện sau khi các hạn chế dịch bệnh được nới lỏng. Tuy nhiên, tình hình quan hệ căng thẳng giữa Nga và Ukraine sau đó đã làm tan biến hy vọng phục hồi đó", ông Rolf Buerkl, chuyên gia phân tích tiêu dùng tại GfK cho biết.

Các chuyên gia kinh tế được Reuters khảo sát dự báo rằng chỉ số này có thể sẽ rơi xuống mốc -14.

Lạm phát và xung đột quân sự tại Ukraine làm giảm lạc quan tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung châu Âu. Ảnh: Reuters

Lạm phát và xung đột quân sự tại Ukraine làm giảm lạc quan tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung châu Âu. Ảnh: Reuters

Tại Pháp, cơ quan thống kê INSEE cho biết chỉ số niềm tin người tiêu dùng đã hạ xuống mốc 91 điểm trong tháng 3, giảm từ mốc 97 điểm trong tháng 2, thấp hơn những dự báo trước đó của các nhà kinh tế và đây cũng là con số thấp nhất kể từ tháng đầu năm ngoái.

Các chuyên gia phân tích của BNP nhận xét, chỉ số niềm tin tiêu dùng trong thời điểm hiện tại đã giảm mạnh - hiện tượng này chỉ từng thấy trong cuộc khủng hoảng năm 1993 và giai đoạn giãn cách xã hội năm 2020.

Không còn tâm lý lạc quan trước cuộc bầu cử

Kết quả này cũng trái ngược với xu hướng thường thấy trước mỗi cuộc bầu cử tổng thống, khi đó sự lạc quan tăng cao với hy vọng rằng một trật tự chính trị mới sẽ giúp cải thiện mức sống.

Trước cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào tháng 4, chính phủ quốc gia này đã đưa ra một loạt các biện pháp hỗ trợ trị giá 25 tỷ Euro (27 tỷ USD) nhằm giảm nhẹ cú sốc tăng giá năng lượng và lạm phát. Tuy nhiên, điều đó đã không làm dịu được nỗi lo lạm phát khi tỷ lệ người dân dự báo lạm phát sẽ tăng vọt lên 50 điểm, mốc cao nhất kể từ khi INSEE bắt đầu thực hiện cuộc khảo sát này từ năm 1972.

Tại Đức, chính phủ cũng nhất trí về gói biện pháp hỗ trợ thứ hai trị giá 17 tỷ Euro (18,7 tỷ USD) nhằm giúp người dân giảm bớt chi phí điện, sưởi ấm và nhiên liệu tăng vọt. Ngoài ra, người lao động và các gia đình Đức sẽ nhận được thêm trợ cấp bằng tiền mặt, giảm thuế xăng dầu và giảm giá vé giao thông công cộng.

Nhiều nước châu Âu đã công bố các biện pháp hỗ trợ người dân trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Ảnh: Reuters

Nhiều nước châu Âu đã công bố các biện pháp hỗ trợ người dân trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Ảnh: Reuters

Viện IMK liên kết với công đoàn dự báo nền kinh tế Đức sẽ tăng trưởng chậm hơn dự kiến ​​và thậm chí có thể giảm trong năm nay do chiến sự tại Ukraine. Các nhà phân tích nước này đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 là 2,1% - ít hơn một nửa so với mức 4,5% mà họ đã đưa ra vào tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên, họ cho biết trường hợp xấu nhất (bao gồm giá năng lượng cao hơn nữa) có thể kéo dự báo hiện nay giảm sâu thêm 0,3%.

Sự suy giảm nềm tin của người tiêu dùng không chỉ giới hạn ở Pháp và Đức. Dựa trên một ước tính nhanh, tâm lý chung của khu vực đồng Euro đã sụt giảm mạnh trong tháng 3 xuống 18,7 điểm, mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Covid-19 vào tháng 4 và tháng 5/2020.

Theo Văn phòng thống kê quốc gia Italy, nền kinh tế lớn thứ ba của khu vực đồng Euro này cũng chứng kiến ​​sự sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng lớn hơn dự kiến.

Trong khi đó, cuộc xung đột tại Ukraine cũng khiến niềm tin của người tiêu dùng Bỉ giảm kỷ lục kể từ năm 1985. Chỉ số này trong tháng 3 của Hà Lan cũng ghi nhận mức giảm sâu nhất trong 9 năm qua.

Các chuyên gia kinh tế được Reuters thăm dò ý kiến trong tháng này dự báo Eurozone sẽ tăng trưởng 3,8% trong năm 2022 và 2,5% trong năm 2023, giảm nhẹ so với dự báo đưa ra trong tháng trước đó.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.