Vị thế đồng USD không bị ảnh hưởng khi Nga chuyển đổi thanh toán

KINH TẾ THẾ GIỚI
14:13 - 31/03/2022
Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Việc Nga yêu cầu các nước thanh toán khí đốt bằng đồng rub có thể coi như nỗ lực phi đô la hóa nền kinh tế và giảm vị thế thống trị của đồng USD. Tuy có đạt được một số thành công, việc này khó có khả năng ảnh hưởng tới Mỹ hiện tại.

Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu các quốc gia không thân thiện trả tiền khí đốt bằng đồng rub, thị trường đã ngay lập tức chứng kiến các ảnh hưởng tức thì khi giá khí đốt tăng cao và khiến việc duy trì cấm vận trở nên đắt đỏ hơn với châu Âu.

Mặt khác, kể từ thời điểm công bố, đồng rub đã phục hồi đáng kể so với đồng USD. Đồn nội tệ của Nga đã tăng từ mức thấp kỷ lục 117 rub so với đồng USD đến mức gần bằng thời điểm trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự là 83 rub.

Ngoài ra, nếu các quốc gia châu Âu làm theo các yêu cầu của Nga và trả tiền khí đốt bằng đồng rub, nhu cầu dành cho đồng tiền này sẽ còn cao hơn nữa. Theo Asiatimes, tất cả những yếu tố này sẽ dẫn tới sự củng cố giá trị đồng tiền của Nga trên thị trường ngoại hối và làm suy yếu ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt tài chính.

Đồng rub của Nga. Ảnh: Wikipedia

Đồng rub của Nga. Ảnh: Wikipedia

Nguyên nhân Nga phi đô la hóa nền kinh tế

Nỗ lực chuyển đổi phương thức thanh toán có thể được coi như các cố gắng của Nga trong việc phi đô la hóa nền kinh tế của mình từ khi nước này bị trừng phạt vào năm 2014 do sáp nhập Crimea.

Từ đó, quốc gia này ngày càng gia tăng khối lượng giao dịch với các nước Ấn Độ và Trung Quốc bằng đồng Euro hoặc nội tệ, đồng thời cắt giảm lượng nắm giữ dự trữ USD của ngân hàng trung ương và cắt tài sản USD ra khỏi quỹ tài sản quốc gia có chủ quyền.

Nguyên nhân quan trọng nhất của các nỗ lực thay đổi trật tự tài chính đến từ việc Mỹ hoàn toàn có khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với hầu hết các hoạt động thương mại được thanh toán bằng đồng USD. Để có thể làm điều này, các ngân hàng có tài khoản tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ được lệnh không được giao dịch với các đối tác Nga. Các công ty và các ngân hàng tại Nga vì thế bị cắt đứt khỏi một trong những phương pháp chính giúp thu được lượng USD cần thiết nhằm tham gia vào chuỗi thương mại toàn cầu.

USD hiện vẫn là đồng tiền dự trữ phổ biến nhất trên thế giới và cũng là đồng tiền chính được sử dụng trong thương mại quốc tế và được các ngân hàng trung ương nắm giữ. Các mặt hàng quan trọng như dầu mỏ và các dịch vụ như vận tải hàng không đều được định giá bằng đơn vị tiền tệ của Mỹ. Do đó, ngoài việc giúp Mỹ có khả năng vay rẻ hơn trên các thị trường tài chính quốc tế, nó còn mang lại lợi thế cho nước này so với các nước khác trên toàn cầu.

Ngoài ra, còn một nguyên nhân quan trọng khác chính là giá trị của đồng USD. Đồng tiền này có thể tăng khi FED quyết định tăng lãi suất. Chính nó sẽ dẫn tới các quốc gia có khoản nợ chủ yếu bằng đồng tiền này sẽ hoàn toàn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách tiền tệ của Mỹ.

Thêm vào đó nếu muốn vay, các quốc gia sẽ có thể vay bằng đồng USD dễ dàng và tương đối rẻ. Tuy nhiên, nếu giá trị của đồng tiền này so với đồng tiền nội địa của các nước đi vay tăng lên, khoản nợ sẽ còn trở nên đáng giá hơn chính đồng tiền của nước đó.

Nhà máy lọc dầu tại Nga. Ảnh: Quartz

Nhà máy lọc dầu tại Nga. Ảnh: Quartz

Nỗ lực phi đô la hóa chưa gây ảnh hưởng tới Mỹ

Các nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi tài chính của Nga đã chứng kiến những thành công bước đầu khi tỷ trọng thương mại tính bằng đồng euro lần đầu tiên tăng trên 50% trong quý đầu tiên của năm 2020.

Bản thân các quốc gia châu Âu cũng không phản đối việc giao dịch với Nga nhiều hơn bằng đồng Euro. Trên thực tế, hợp đồng cung cấp năng lượng của Gazprom cho các nước trong khối được thanh toán phần lớn bằng đồng Euro. Nhờ vậy, tỷ trọng thương mại bằng đồng Euro giữa Nga với EU nói chung đã được gia tăng đáng kể.

Ở một diễn biến khác, Arab Saudi cũng đang trong quá trình đàm phán với Trung Quốc về khả năng định giá giao dịch dầu bằng đồng NDT thay vì USD. Với tư cách là khách hàng dầu mỏ lớn nhất của Arab Saudi, đồng tiền của Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng và tư cách đồng tiền dự trữ nhiều nhất thế giới của nước này sẽ bị yếu đi.

Trong khi đó, nền kinh tế thứ 2 thế giới là Trung Quốc cũng thực hiện một số hành động nhằm giảm thiểu tác động của đồng USD. Ví dụ điển hình là phát triển một hệ thống thanh toán quốc tế riêng của mình với tên gọi CIPS như một phương án thay thế cho hệ thống Swift.

Tuy nhiên khi nhìn tổng thể, các nỗ lực của Nga và Trung Quốc vẫn chỉ gây ra những tác động khiêm tốn tới thế thống trị của đồng USD. Đồng tiền này hiện vẫn đang được sử dụng trong 90% các giao dịch ngoại hối và chiếm phần lớn tổng số hóa đơn xuất khẩu toàn cầu. Thêm vào đó, đồng USD cũng chiếm gần 60% lượng dự trữ của các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới.

Nhìn chung, dù các bước đi mới nhất từ Nga là một phần của một kế hoạch rộng lớn hơn và đã đạt được một số thành công nhất định, chúng chưa thể đạt được tới điểm quyết định. Ngay cả khi châu Âu chấp nhận mua khí đốt của Nga bằng đồng rub, việc này cũng sẽ không gây ra bất kì thay đổi cơ bản nào về cách nền kinh tế và tài chính thế giới vận động.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.