Số hóa nông nghiệp đừng chỉ lo đổ tiền mà cần bám sát nhu cầu nông dân

số hóa NÔNG NGHIỆP
12:00 - 24/06/2022
Số hóa nông nghiệp đừng chỉ lo đổ tiền mà cần bám sát nhu cầu nông dân
0:00 / 0:00
0:00
Đây là khuyến nghị của GS. TS Võ Tòng Xuân khi bàn về giải pháp đưa quá trình chuyển đổi số nông nghiệp, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đạt hiệu quả, mang lại lợi ích tối ưu cho người nông dân.
Số hóa nông nghiệp là hướng đi cần thiết và đúng đắn. Ảnh: trích xuất hội thảo.

Số hóa nông nghiệp là hướng đi cần thiết và đúng đắn. Ảnh: trích xuất hội thảo.

Trong những năm qua ngành nông nghiệp đã có sự tăng trưởng ngoạn mục, nông sản Việt Nam có mặt ở nhiều thị trường thế giới. Ngành nông lâm thủy sản 2013 – 2020 tăng trưởng bền vững ổn định tốc độ bình quân đạt 2,65%/năm, dù luôn phải đối mặt với những thách thức bởi thiên tai, dịch bệnh.

Trong thành công đó, khoa học kỹ thuật và đổi mới sáng tạo thực sự là một trong những yếu tố quan trọng đóng góp có hiệu quả tạo ra những chuyển biến đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, chuyển đổi số nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, bền vững khẳng định vai trò trụ đỡ của kinh tế.

Chia sẻ về định hướng con đường đi của số hóa nông nghiệp Việt Nam tại hội thảo “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp”, ngày 24/6, GS TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nghiên cứu khoa học nông nghiệp cho rằng, đại dịch gây ra nhiều thiệt hại cho kinh tế - xã hội, qua đó nhận thấy vấn đề số hóa với những người nông dân là rất quan trọng.

Nhiều bà con nông dân đã tự đưa sản phẩm của mình lên zalo, facebook để bán hàng qua đó thấy được sự liên kết giữa người sản xuất và tiêu thụ là yêu cầu cần thiết. Bên cạnh đó, Iot và Big Data cũng cần sự tham gia của các nhà chuyên môn và khoa học và sự tham gia của các trường đại học để viết ra những phần mềm, “con mắt” điện tử kết nối và vận hành. Đối với nông nghiệp, nhu cầu số hóa đang cho thấy là rất lớn và nhiều dư địa.

Ảnh tác giả

“Tới đây, các chuyên gia phần mềm hãy quan sát lắng nghe và hiểu hơn nữa về nhu cầu người nông dân đang cần gì thiếu ở đâu để viết ra những phần mềm đáp ứng đúng các tiêu chuẩn đó, tăng chất lượng và giảm giá thành sản phẩm”.

GS. TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nghiên cứu khoa học nông nghiệp

Lấy ví dụ chuyển đổi số ở nước ngoài, nơi người nông dân tìm hiểu được từng lô đất qua cảm biến điện tử để biết cần bón hàm lượng bao nhiêu Ure, đạm, lân, kali... và từ đó lên một chương trình để những lần sau sẽ bón được đúng theo lập trình, GS TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh, số hóa không cần đổ tiền tạo ra quá nhiều sản phẩm mới, mà cần tạo ra đúng sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người nông dân.

Đánh giá về tầm quan trọng của chuyển đổi số nông nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, nông nghiệp và nông thôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội mỗi quốc gia, giúp chuyển giao lao động, cung cấp nhu yếu phẩm, tăng thu xuất khẩu, tích lũy tiết kiệm và tạo thị trường cho nội địa cho hàng hóa sản xuất trong nước.

Sản xuất nông nghiệp Việt Nam thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia từ một nước nông nghiệp lạc hậu vươn lên là một nước nông nghiệp hàng hóa. Phát triển nông nghiệp nông thôn là một trong những bước đi cần thiết nhất là trong bối cảnh nền nông nghiệp đang chịu những biến động.

Máy bay không người lái phục vụ hệ thống tưới tiêu.

Máy bay không người lái phục vụ hệ thống tưới tiêu.

Từ thực trạng đến giải pháp

Phân tích về hiện trạng cụ thể của nông nghiệp và thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ông Trương Minh Thái, đại diện nhóm nghiên cứu trường Đại học Cần Thơ cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất có khí hậu cận xích đạo, thổ nhưỡng, vị trí địa lý khá thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất lớn, áp dụng công nghệ cao.

Song song với những khó khăn, thách thức mang tính đặc trưng của vùng, ông Thái chỉ ra, sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của Đồng bằng sông Cửu Long cũng gặp phải một số hạn chế riêng.

Trong đó có thể kể đến thiếu thông tin thị trường hoặc thị trường hoạt động không tốt. Các hộ sản xuất nhỏ chưa hội nhập tốt với thị trường do chi phí vận chuyển cao và không có khả năng cung cấp kịp thời sản phẩm đồng bộ, có chất lượng và khối lượng lớn. Các hộ sản xuất nhỏ sẽ phải đối mặt với chi phí giao dịch để thành lập hợp tác xã và tổng hợp sản phẩm của họ với khối lượng lớn hơn.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan, để xoay trục toàn bộ nền nông nghiệp, chúng ta buộc phải thay đổi theo: (1) Xu thế của thế giới đã tiến tới nông nghiệp 4.0; (2) Nông nghiệp tuần hoàn; (3) Nông nghiệp hữu cơ và tiêu dùng xanh sẽ dần chi phối thị trường nông sản. Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030 được thể hiện qua 6 từ khóa: hợp tác, liên kết, thị trường, giảm chi phí, tăng chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm.

Bên cạnh đó, vùng còn thiếu thông tin về các công nghệ sản xuất sáng tạo. Việt Nam là một nước đang phát triển, nơi nông nghiệp chiếm phần lớn nền kinh tế, vì thế cần có một số lượng lớn các đại lý khuyến nông nhằm mục đích tiếp cận những nông dân ở vùng sâu, vùng xa và phân tán về mặt địa lý để tương tác và tư vấn cho họ về các công nghệ sản xuất sáng tạo, có thể quan trọng đối với sinh kế.

Từ những thực tế trên, khi nêu ra kinh nghiệm chuyển đổi số cụ thể trong nông nghiệp, ông Vũ Ngọc Điện, Chuyên gia tư vấn chuyển đổi số của Viettel phân tích, ngành nông nghiệp xác định 5 thành phần tham gia chuyển đổi số: Nông dân, doanh nghiệp (sản xuất, thương mại, dịch vụ), cơ quan quản lý nhà nước, trường đại học, viện nghiên cứu và các thành phần phi nông nghiệp.

Từ xác định các thành phần, ông Điện chỉ ra các nhận diện thách thức và giải pháp tương ứng. Trong đó, thách thức của chuyển đổi số nông nghiệp, gồm: Thị trường bị phân mảnh cao và khả năng tiếp cận thông tin hạn chế; Năng suất và sản lượng các nông sản chính suy giảm; Chi phí sản xuất, lợi nhuận của nông dân giảm; Số lượng lao động và năng suất thấp; Thiếu kênh thị trường và nền tảng thương mại hiệu quả; Hạn chế trong kiểm soát chất lượng và quản lý chuỗi cung ứng.

Trên cơ sở những thách thức, đại diện Viettel đưa ra 4 nhóm giải pháp, gồm: Hệ thống cơ sở dữ liệu; Trồng trọt công nghệ cao; Chăn nuôi công nghệ cao và hệ thống phân phối số.

Đi vào từng lĩnh vực cụ thể, đối với trồng trọt và chăn nuôi công nghệ cao sẽ tập trung triển khai chương trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho các nông hộ, hợp tác xã, trang trại nhỏ trên toàn địa phương. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân triển khai các dự án nông nghiệp công nghệ cao trên quy mô lớn.

Đặc biệt đối với hệ thống phân phối số, ông Điền phân tích sẽ thiết lập các sàn thương mại điện tử mở ra tiềm năng tự chủ của người nông dân, người sản xuất. Cao hơn nữa là quản lý chuỗi cung ứng thông minh để cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc và kiểm soát an toàn chất lượng. Và thống nhất bằng hệ thống một cửa quốc gia sẽ giúp tăng cường xuất khẩu nông sản, thúc đẩy các hoạt động giao dịch ở cấp quốc gia và giảm chi phí xử lý thủ tục giấy tờ.

Tin liên quan

Đọc tiếp