Sớm hiện thực hoá mục tiêu phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII

Điện khí Việt nAM
07:45 - 08/12/2023
Toàn cảnh diễn đàn.
Toàn cảnh diễn đàn.
0:00 / 0:00
0:00
Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu chuyển đổi 18 GW điện than vào năm 2030 được thay thế bằng 14 GW điện khí LNG và 12-15 GW nguồn năng lượng tái tạo.

Tại Diễn đàn “Hiện thực hoá mục tiêu phát triển Điện khí LNG theo Quy hoạch Điện VIII” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chiều 7/12, các chuyên gia, nhà hoạch định, doanh nghiệp… đã chia sẻ các cơ hội, lẫn thách thức xung quanh câu chuyện phát triển điện khí LNG tại Việt Nam.

Cơ hội đi kèm với nhiều thách thức

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, Việt Nam là quốc gia có nhiều cơ hội thuận lợi cho điện khí LNG. Đây là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp và các nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, hứa hẹn sự phát triển mạnh mẽ thị trường điện khí LNG.

"Phát triển điện khí LNG góp phần đảm bảo cung cấp điện ổn định cho hệ thống, giảm thiểu phát thải khí nhà kính tác động đến môi trường; là nguồn dự phòng khi tỷ trọng của các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao trong cơ cấu nguồn, không gặp tình trạng gián đoạn và phụ thuộc vào thiên nhiên như điện gió hay điện mặt trời. Đặc biệt, điện khí LNG giúp ngành điện phát triển xanh hơn, góp phần thực hiện cam kết tại hội nghị COP26"

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, phát triển điện khí LNG tại Việt Nam đang gặp phải nhiều khó khăn trong hoạch định chính sách, đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành...

Theo ông Hoàng Quang Phòng, hiện nay Việt Nam phải nhập khẩu hoàn toàn nhiên liệu này. Hoạt động nhập khẩu cần tuân thủ các thông lệ mua bán LNG quốc tế trong khi Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu cũng như chưa xây dựng hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý cho các dự án LNG.

Cùng với đó, Việt Nam cũng chưa có kinh nghiệm trong phát triển các chuỗi dự án điện - khí LNG; xây dựng, vận hành các dự án kho cảng LNG có yêu cầu cao về kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt với vốn đầu tư lớn.

Đặc biệt, các quy hoạch ngành, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của các địa phương chưa phù hợp với Quy hoạch Điện VIII có thể làm kéo dài thời gian hoàn thành thủ tục cấp phép đầu tư, tiến độ xây dựng dự án…

Về phía các doanh nghiệp, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, đầu tư cho dự án điện khí LNG cần nguồn lực lớn, công nghệ hiện đại nên việc thu xếp vốn cho dự án gặp nhiều thách thức, cần phải đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài chính về các điều kiện bảo lãnh, cam kết để dự án đầu tư có hiệu quả. Trong khi đó, hiện việc phát triển các dự án phải tuân thủ các quy trình đầu tư thông thường cũng như chưa có cơ chế ưu đãi, khuyến khích về thuế, phí để thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển loại hình nguồn điện mới.

“Chúng ta đang bước vào tháng cuối năm 2023. Từ nay đến mốc 2030 để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra Quy hoạch Điện VIII không còn nhiều. Để các dự án khí hóa lỏng triển khai kịp tiến độ rất cần sự chung tay các cấp, các ngành trong việc tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trên”, Phó Chủ tịch VCCI cho biết.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu Khí Việt Nam nhận định, phát triển điện khí LNG vừa qua còn gặp nhiều thách thức. Đầu tiên là thị trường tiêu thụ điện tăng chậm so với mục tiêu tại quy hoạch điện.

Tiếp đó là thiếu khung pháp lý để hoàn thành đàm phán và ký kết các thoả thuận pháp lý, kỹ thuật, thương mại giữa các chủ thể trong chuỗi dự án điện khí LNG; thách thức về vấn đề bảo lãnh Chính phủ, bỏ bảo lãnh Chính phủ nhưng các doanh nghiệp lại chưa có đủ hành lang pháp lý để bảo lãnh thay thế;

Vấn đề bảo lãnh, bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ, nội tệ và nghĩa vụ thanh toán quốc tế về nhập khẩu LNG; vấn đề ban hành khung giá phát điện cho nhà máy phát điện khí LNG vẫn còn đang nghiên cứu xem xét; vấn đề cam kết tổng sản lượng;vấn đề cam kết đường dây truyền tải. Thứ tám là nguy cơ mất kiểm soát tiến độ của dự án.

6 nhóm giải pháp hiện thực hóa mục tiêu

Với những thách thức lớn nêu trên, TS Nguyễn Quốc Thập đã đề xuất 6 nhóm giải pháp trọng tâm để gỡ khó, sớm hiện thực hóa mục tiêu phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII.

Cụ thể, nhóm giải pháp thứ nhất là mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ điện khí LNG theo sát với mục tiêu cung cấp khí điện LNG trong Quy hoạch Điện VIII.

Theo đó, xây dựng tập trung, đồng bộ các khu công nghiệp/nhà máy có quy mô tiêu thụ điện đủ lớn cùng với việc triển khai các dự án kho cảng và nhà máy điện khí LNG.

“Chính họ là các hộ tiêu thụ và là cơ sở quan trọng cam kết tiêu thụ điện (Qc) và khi đó, các cam kết trong Hợp đồng mua bán điện sẽ trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn. Đây cũng là chính sách giúp thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư các loại hình khu công nghiệp/nhà máy cam kết tiêu thụ điện dài hạn cùng với chuỗi nhà máy điện và kho cảng LNG. Thêm vào đó, chúng ta cần có thêm các chính sách kích cầu về điện, kích thích sản xuất và kích thích tiêu dùng song song với khuyến khích tiết kiệm điện”, ông Nguyễn Quốc Thập nhấn mạnh.

Nhóm giải pháp thứ hai là sớm sửa đổi các Bộ Luật Điện lực, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thuế và các Bộ Luật, Nghị định hướng dẫn liên quan.

Ông Thập cho rằng, quan trọng nhất đó là cần phải chấp nhận chuỗi kinh doanh khí điện LNG hoạt động theo cơ chế thị trường và các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thực hiện việc giám sát và hậu kiểm mọi quá trình hoạt động của chuỗi.

Tiếp đó, cho phép các chủ thể các nhà máy điện khí được quyền đàm phán bán điện một cách cạnh tranh giữa EVN và các hộ tiêu thụ điện.

Đồng thời, cho phép các nhà máy điện được quyền mua trực tiếp LNG và thuê kho cảng tàng trữ và tái hóa khí của kho cảng LNG. Song song, với quá trình đó cần bổ sung khung thuế và phí phát thải CO2 trong Luật Thuế và Luật Bảo vệ môi trường.

Nhóm giải pháp thứ ba là cập nhật và sửa đổi Điều lệ và Quy chế tài chính của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). “Việc Chính phủ không còn trực tiếp đứng ra bảo lãnh các Hợp đồng mua bán khí và mua bán điện là một quyết sách đúng, tuy nhiên với khung pháp lý hiện tại PVN và EVN không đủ cơ sở để thực hiện bảo lãnh thay thế”, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam đánh giá.

TS Nguyễn Quốc Thập cũng cho rằng, cần phải cập nhật và sửa đổi Điều lệ và Quy chế tài chính liên quan đến quyền cam kết và thế chấp tài sản hay dòng tiền của hai tập đoàn đã và đang tham gia vào chuỗi các dự án điện khí LNG nói riêng và các chuỗi dự án lớn khác nói chung. Khi đó, nút thắt về bảo lãnh Chính phủ sẽ được tháo gỡ.

Nhóm giải pháp thứ tư, Chính phủ hoặc Ngân hàng Nhà nước vẫn cần cam kết và đảm bảo về khối lượng chuyển đổi ngoại tệ/nội tệ và tỷ giá sẽ do thị trường quyết định. “Nhà đầu tư sẽ hoàn toàn được thuyết phục nếu chúng ta chấp nhận cách tiếp cận này và nút thắt cũng sẽ được tháo gỡ”, TS Nguyễn Quốc Thập khẳng định.

Nhóm giải pháp thứ năm là tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế. Theo Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, hợp tác quốc tế sâu rộng sẽ giúp chúng ta có cơ hội để xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách năng lượng nói chung và điện khí LNG nói riêng. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện mô hình quản trị đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác sử dụng hiệu quả tối ưu điện khí LNG.

Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế sâu rộng cũng giúp lựa chọn được các nhà đầu tư có tiềm lực về công nghệ, tài chính và kinh nghiệm triển khai.

“Chúng tôi cho rằng, hợp tác quốc tế tốt và hiệu quả sẽ là một trong các điều kiện cần và đủ để hiện thực hóa các dự án khí điện LNG theo Quy hoạch Điện VIII” TS Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu Khí Việt Nam

Nhóm giải pháp thứ sáu là thay đổi nhận thức và tư duy. Với một loại hình kinh doanh mới, ông Thập cho rằng cần có cách tiếp cận mới, phù hợp và khả thi.

Điện khí LNG không phải chỉ có nhà máy điện và kho cảng LNG, mà điện khí LNG cần được hấp thụ hay tiêu thụ bởi các hộ tiêu thụ điện công nghiệp đó là các khu công nghiệp hay các nhà máy chế biến và nói rộng hơn là nền kinh tế.

“Nhận thức về giá điện khí LNG cũng cần phải thay đổi và như đã đề cập ở trên, giá điện khí LNG bắt buộc phải theo cơ chế thị trường vì trọng số trong cấu thành giá điện khí LNG chủ yếu là giá LNG nhập khẩu”, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam nói.

Muốn có giá LNG tốt thì phải có các cam kết dài hạn, muốn cam kết mua và bán khí LNG dài hạn thì cũng phải có cam kết dài hạn từ nhà máy điện, rồi nhà máy điện muốn cam kết được thì cũng phụ thuộc vào khách hàng của họ có cam kết mua điện dài hạn hay không. Bởi các nước nhập khẩu LNG và kinh doanh khí điện LNG đều đã thành công với những mức độ nhau và họ vẫn đang mở rộng quy mô. Các nhà đầu tư đầu cuối (tiêu thụ điện khí LNG) ở những nơi đó vẫn tiếp tục đầu tư, và tạo thành một chuỗi giá trị và liên hoàn.

Từ những kinh nghiệm đó, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng các cam kết dài hạn, hợp tác quốc tế và thị trường là những điều kiện tiên quyết hay điều kiện cần và đủ để hiện thực hóa các dự án khí điện theo Quy hoạch Điện VIII và Quy hoạch Năng lượng Quốc gia.

Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu chuyển đổi 18 GW điện than vào năm 2030 được thay thế bằng 14 GW điện khí LNG và 12-15 GW nguồn năng lượng tái tạo.

Như vậy, đến năm 2030 sẽ phát triển 23.900 MW điện khí, tương đương tỷ trọng hơn 14,9% cơ cấu nguồn điện. Nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tăng lên, đạt khoảng 14 -18 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 13 - 16 tỷ m3 vào năm 2045.

Tin liên quan

Đọc tiếp