Tencent và Alibaba tiếp tục dẫn đầu mảng hội nghị trực tuyến Trung Quốc

CÔNG NGHỆ TRUNG QUỐC
17:12 - 06/01/2022
Ảnh: Shutterstock
Ảnh: Shutterstock
0:00 / 0:00
0:00
Sau hơn hai năm chung sống với Covid-19, hội nghị trực tuyến đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày tại Trung Quốc với Alibaba và Tencent tiếp tục thống trị thị trường, trong khi Zoom và Microsoft vật lộn để cạnh tranh thị phần.

Cuối năm 2021, Tencent kết hợp với Viện nghiên cứu Nomura của Nhật Bản đã công bố một báo cáo về sự phổ biến của các nền tảng hội nghị trực tuyến tại thị trường Nhật Bản và Trung Quốc. Dù có nhiều công ty công nghệ lớn đã nhảy vào thị trường tiềm năng này, Tencent và Alibaba nổi lên như những kẻ chiến thắng rõ ràng tại đây.

Tại Trung Quốc, ba cái tên dẫn đầu đều thuộc về hai gã khổng lồ công nghệ trên. Tencent Meeting dẫn đầu danh sách với 49,7% trong số gần 7.300 người được hỏi. Đứng ở vị trí tiếp theo là DingTalk của Alibaba với 40,6%. WeCom, một ứng dụng nhắn tin và gọi điện khác dùng trong doanh nghiệp của Tencent, đứng thứ ba với 29,6%.

Bảng xếp hạng này cũng cho thấy sự khác biệt rõ ràng giữa hai thị trường Nhật Bản và Trung Quốc. Tại Nhật Bản, hai ứng dụng của các nhà phát triển Mỹ là Zoom và Microsoft Team đều đứng trong top đầu. Tuy nhiên khi tới Trung Quốc, hai ứng dụng này đã phải vật lộn để giành được sức hút. Trong khi Zoom ở mức 12,5% thì Microsoft Teams chỉ đạt mức 4,4%.

Các công ty công nghệ khác của Trung Quốc cũng gặp tình trạng tương tự. Huawei Cloud Meeting - ứng dụng được cung cấp bởi tập đoàn viễn thông điện tử khổng lồ Huawei - chỉ được 9,2% trong số những người được hỏi sử dụng. Feishu, ứng dụng hội nghị trực tuyến được phát triển bởi ByteDance – công ty đứng sau TikTok và Douyin, chỉ đạt mức khiêm tốn 3%.

Một trong những tác giả và đồng thời là cố vấn cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Nomura Li Zhihui cho biết: “Thông qua mạng xã hội, Tencent và Alibaba đang xây dựng một liên minh của riêng mình trong nền kinh tế và xã hội của Trung Quốc”.

Ứng dụng WeChat của Tencent là một ứng dụng có tới hơn 1,3 tỷ người dùng - con số tương đương với hơn 90% dân số Trung Quốc. Với nhu cầu gia tăng nhanh của các cuộc họp ảo vì đại dịch, việc xây dựng ứng dụng hội nghị trực tuyến được coi như một bước tiến tất yếu.

Cũng theo ông Li, tuy hình ảnh của Alibaba gắn chặt với mảng thương mại điện tử, ứng dụng DingTalk của hãng sở hữu cơ sở khách hàng khá vững chắc. Ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, DingTalk đã có hơn 10 triệu khách hàng là doanh nghiệp nhờ vào các chức năng cộng tác trên tài liệu và theo dõi thời gian ra vào.

Tuy giới chức Trung Quốc đang siết chặt chính sách trên lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là về các chính sách chống độc quyền, mảng kinh doanh các nền tảng hội nghị ảo lại không chịu bất kì hạn chế cụ thể nào. Dù vậy, thị trường Trung Quốc có vẻ đang dần tự tiến tới trạng thái độc quyền.

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.