Tháng 7/2023 là tháng nóng nhất trong lịch sử

Nhiệt độ THẾ GIỚI
08:27 - 09/08/2023
Cháy rừng tại Ai Cập hồi tháng 7/2023. Ảnh: Sky News
Cháy rừng tại Ai Cập hồi tháng 7/2023. Ảnh: Sky News
0:00 / 0:00
0:00
Hôm 8/8, Cơ quan khí tượng châu Âu Copernicus cảnh báo tháng 7 vừa qua là tháng nóng nhất trong lịch sử ghi chép, trong khi năm 2023 đang có khả năng vượt qua năm 2016 để trở thành năm nóng nhất lịch sử khí tượng thế giới.

Theo Financial Times trích dẫn Phó Giám đốc Copernicus Samantha Burgess, “những kỷ lục này gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với cả con người và hành tinh do phải đối mặt với các sự kiện cực đoan thường xuyên và dữ dội hơn bao giờ hết”.

Cụ thể trong tháng 7, nhiệt độ trung bình toàn cầu là 16,95 độ C, ấm hơn khoảng 0,3 độ C so với tháng 7/2019 – một mốc nhiệt độ kỷ lục trước đó theo Copernicus. Nhiệt độ ghi nhận trong tháng 7/2023 cũng nóng hơn 0,7 độ C so với mức trung bình của tháng 7 từ năm 1991 đến năm 2020.

Đặc biệt, báo cáo của Copernicus cũng cho thấy nhiệt độ mặt nước biển trung bình toàn cầu đạt mức cao kỷ lục hồi tháng trước. Cơ quan này khẳng định các đại dương nóng hơn nửa độ C so với 30 năm trước, trong khi lớp băng bao phủ ở Nam Cực được đo đạc ở ngưỡng ít hơn so với bất kỳ tháng 7 nào trước đó được ghi nhận. Cụ thể, khối lượng băng Nam Cực đang ít hơn 15 % mức trung bình cho thời điểm này trong năm.

Báo cáo này của Copernicus xác nhận các dự đoán tương đồng đưa ra trước đó của Tổ chức Khí tượng Thế giới rằng nhiệt độ của tháng 7 sẽ vượt qua kỷ lục hiện có. Hồi tháng 7, cơ quan này từng tuyên bố 3 tuần đầu tiên của tháng 7 là khoảng thời gian 3 tuần nóng nhất từng được ghi nhận trên toàn cầu, với ngày 6/7 là ngày nóng nhất.

Nhìn chung, nhiệt độ trung bình của tháng 7 vừa qua cao hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là một con số mà các các nhà khoa học khí hậu vẫn luôn cảnh báo từ lâu do mục tiêu của Hiệp định Khí hậu Paris là hạn chế sự nóng lên toàn cầu trong dài hạn ở mức 1,5 độ C.

Ở một diễn biến khác, trong khi Copernicus đã chỉ định tháng 7/2019 là tháng giữ kỷ lục trước đó, Tổ chức Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) lại nhận định nhiệt độ trung bình trên bề mặt đất và đại dương kết hợp vào tháng 7/2021 mới là kỷ lục nóng nhất từng được ghi nhận. NOAA cho biết nhiệt độ vào tháng 7/2021 cao hơn 0,93 độ C so với mức trung bình của thế kỷ 20 và phá vỡ các kỷ lục được thiết lập vào tháng 7/2016, 2019 và 2020.

Trên thực tế, các dữ liệu ghi chép nhiệt độ của Copernicus chỉ có từ năm 1940 và các bản ghi duy nhất của NOAA có từ năm 1850. Những điều này do đó hạn chế khả năng bối cảnh hóa các đợt nắng nóng hiện đại của các chuyên gia khí hậu.

Tuy nhiên, nó không phải là một rào cản đối với một số chuyên gia như nhà khoa học Stefan Rahmstorf của Viện Nghiên cứu Khí hậu Potsdam. Trả lời tờ HuffPost, ông Stefan Rahmstorf nhận định tháng 7/2023 thực sự là “tháng nóng nhất trên Trái đất trong 10.000 năm” hoặc thậm chí 120.000 năm.

Theo ông trích dẫn dữ liệu từ các nghiên cứu kiểm tra các dấu hiệu bao gồm vòng cây, thời điểm hiện tại là thời điểm ấm nhất kể từ khi bắt đầu Kỷ Holocene vào khoảng 10.000 năm trước. Do trước khi Kỷ Holocene bắt đầu đã có một kỷ băng hà xuất hiện, vì vậy ông nhận định có thể hợp lý khi nói rằng tháng 7/2023 là kỷ lục nhiệt độ nóng nhất trong 120.000 năm qua.

Đọc tiếp