Thặng dư thương mại nông sản đầu năm 2022 tăng 39,3%

Nông Sản Việt nAM
11:41 - 15/03/2022
Xuất khẩu thủy sản tăng mạnh nhất trong tháng 2/2022, đạt 47,2%. Nguồn: Bộ NN&PTNT.
Xuất khẩu thủy sản tăng mạnh nhất trong tháng 2/2022, đạt 47,2%. Nguồn: Bộ NN&PTNT.
0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu nông sản tháng 2 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh nhất là hạt tiêu, thủy sản, cà phê, mở ra nhiều triển vọng sẽ đạt kết quả tích cực trong cả quý I/2022.

Báo cáo Phân tích thị trường xuất nhập khẩu nông sản tháng 2/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, giá trị xuất khẩu tháng 2/2022 ước tính tăng 24,4% so với cùng kỳ 2021, trong 2 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu ước tính tăng 20,9% so với cùng kỳ 2021.

Giá trị nhập khẩu tháng 2/2022 ước tính tăng 29,2% so với cùng kỳ 2021, tính chung 2 tháng đầu năm 2022, giá trị nhập khẩu ước tính tăng 10,0% so với cùng kỳ 2021.

Từ đó, thặng dư thương mại nông lâm thủy sản 2 tháng đầu năm 2022 ước tính tăng 39,30% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu hạt tiêu, thủy sản và cà phê tăng mạnh nhất

Trong tháng 2/2022, xuất khẩu hạt tiêu, thủy sản và cà phê tăng mạnh nhất trong do nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản sau khi các nước này kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, nhiều hoạt động kinh tế đã được mở cửa trở lại.

Ngược lại, xuất khẩu sắn, chè, hạt điều, rau quả, chăn nuôi giảm nhẹ trong 2 tháng đầu năm 2022. Các thị trường xuất khẩu chè lớn của Việt Nam như Nga, Indonesia, Ấn Độ đều giảm nhập khẩu.

Kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản tăng trong tháng 02/2022 là do nhập khẩu các mặt hàng sắn, ngũ cốc, phân bón tăng mạnh.

Cụ thể, xuất khẩu gạo tháng 2/2022 đạt 906 tấn tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2021, tập trung nhiều nhất vào thị trường Philippin chiếm 45% tổng lượng gạo xuất khẩu.

Thanh long chiếm thị phần lớn nhất trong cơ cấu xuất khẩu rau quả (chiếm 32%). Kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 2/2022 tập trung hơn một nửa vào Trung Quốc và đây cũng là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất với 262 triệu USD tăng 21,8%.

Tháng 2/2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn giảm về cả lượng và giá trị, tập trung chủ yếu vào thị trường Trung Quốc chiếm 95%. Xuất khẩu cà phê tăng cả về lượng và giá trị, trong đó, Đức là thị trường chiếm thị phần lớn nhất với 17%. Ngược lại, xuất khẩu cao su có sự biến động trái chiều về lượng và giá trị, tập trung chủ yếu vào thị trường Trung Quốc với 74%.

Trong khi kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu tháng 2/2022 tăng mạnh thì xuất khẩu hạt điều giảm nhẹ về cả lượng và giá trị, đạt 65 tấn giảm 3,5%. Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch cũng đã giảm mạnh 49,8%, nguồn cung chính chủ yếu từ Bờ biển Ngà (29%).

Thủy sản là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu nông sản tháng 2/2022, trong đó, tôm là mặt hàng chiếm thị phần lớn nhất (34%), thị trường tiêu thụ chính là Hoa Kỳ chiếm 23%.

Gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt kim ngạch xuất khẩu ấn tượng tăng 15,5% với 2,65 tỷ USD, cũng tập trung lớn vào thị trường chính là Hoa kỳ chiếm 60% thị phần.

Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi giảm nhẹ, chủ yếu là thịt trâu bò đông lạnh chiếm 46%; Hồng Kông là thị trường chính với 47% thị phần. Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu tháng 2/2022 cũng giảm 19,1% với nguồn cung chính đến từ Achentina (27%).

Về cơ cấu thị trường, Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn là 2 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản chủ lực của Việt Nam, chiếm lần lượt 28% và 16% tổng giá trị xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2022. Trong đó cơ cấu của thị trường Trung Quốc giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021.

EU là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất trong 2 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu tăng 51,4% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu sang các thị trường khác như Hoa Kỳ, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản đều tăng trong thời gian này so với cùng kỳ năm 2021.

Xu hướng dự báo các tháng đầu năm 2022

Theo dự báo tháng 02/2022 của USDA, khối lượng gạo nhập khẩu toàn cầu niên vụ 2020 - 2021 đạt khoảng 50,6 triệu tấn, tăng 11,8% so với niên vụ 2019 - 2020. Dự báo nhập khẩu toàn cầu niên vụ 2021 - 2022 dự kiến đạt 49,5 triệu tấn, thấp hơn niên vụ 2020 -2021 khoảng 2,2%.

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường, giai đoạn 2021 – 2025, thị trường cà phê toàn cầu tăng trưởng bình quân 7,6%. Các yếu tố thúc đẩy thị trường cà phê phát triển như gia tăng dân số tiêu thụ cà phê ngoài gia đình, đô thị hóa nhanh chóng, tăng doanh số bán lẻ thương mại điện tử, tăng thu nhập thế hệ Z, tăng sở thích cà phê hòa tan, nhu cầu ngày càng tăng đối với cà phê đặc sản và tăng tiêu thụ cà phê nhân ở các nền kinh tế mới nổi dự kiến sẽ thúc đẩy thị trường.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2022 sẽ tiếp tục tăng, đạt trị giá 9,2 tỷ USD tăng 3,5% về trị giá so với năm 2021 nhờ nhu cầu nhập khẩu thủy sản thế giới ở mức cao và những ưu đãi từ các FTA. Theo VASEP, xuất khẩu cá tra trong năm 2022 tăng 20 - 25% so với năm 2021, giá cá tra xuất khẩu dự kiến tăng khoảng 5%. Ngành cá tra dự kiến sản xuất khoảng từ 1,6 - 1,7 triệu tấn cá tra thương phẩm; kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt trên 1,6 tỷ USD.

Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đặt mục tiêu năm 2022 là giữ ổn định về lượng, tăng chất và tăng giá với kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt 3,8 tỉ USD, tăng 3,9% so với năm 2021 tuy nhiên do ảnh hưởng từ xung đột Nga – Ukraine nên Vinacas đầu tháng 3/2022 đã điều chỉnh mục tiêu xuống còn 3,2 tỷ USD. Đến nay, ngành điều Việt Nam vẫn giữ vị trí số 1 thế giới về công nghệ và sản lượng điều nhân xuất khẩu (chiếm 80% thương mại điều nhân toàn cầu), có vai trò quan trọng đối với thị trường điều thô toàn cầu.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, xuất khẩu hạt tiêu sẽ bật tăng vào cuối quý I/2022 bởi ước tính nhu cầu thu mua trên thế giới khoảng từ 130.000 - 160.000 tấn, trong khi tổng sản lượng thu hoạch của Việt Nam cả năm chỉ khoảng 150.000 tấn. Tại các thị trường xuất khẩu truyền thống như Hoa Kỳ, Châu Âu (EU), UAE dự báo tăng.

Một số chính sách xuất khẩu, nhập khẩu của các nước đối tác chính

•Ngày 14/2, Tổng cục quản lý thị trường Trung Quốc cho biết nước này đã lắp đặt 869 kho lạnh để thực hiện giám sát tập trung đối với thực phẩm dây chuyền lạnh nhập khẩu. Các kho lạnh sẽ tiến hành quy trình khử trùng, kiểm dịch và cấp chứng nhận đối với thực phẩm dây chuyền lạnh nhập khẩu trước khi đưa vào thị trường nhằm cắt đứt nguồn lây nhiễm COVID-19.

•Ngày 5/2/2022, Trung Quốc và Ecuador đã ký một thỏa thuận về xuất khẩu quả thanh long vàng sang Trung Quốc, và hoạt động xuất khẩu dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 6 năm sau.

•Thái Lan thực hiện nghiêm việc chống dịch, thực hiện chính sách “Không COVID” từ vùng trồng sầu riêng, đến dọc theo biên giới để xuất khẩu sầu riêng, măng cụt sang thị trường Trung Quốc.

•Cục Giám sát Thú y và Kiểm dịch LB Nga (Rosselkhoznadzor) đã cho phép nhập khẩu trở lại táo và lê tươi của Trung Quốc từ ngày 20/2/2022 sau khi bị cấm nhập khẩu từ ngày 10/8/2019 do số lượng các sản phẩm không tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm của Nga tăng lên.

•Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (FDA), từ ngày 22/2 dâu tây tươi nhập khẩu từ Nhật Bản sẽ bị kiểm tra từng lô hàng do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép, được tìm thấy trong 15 lô trái cây nhập khẩu trong vòng 3 tháng qua.

•Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã thông báo phân bổ 50 triệu USD (43,9 triệu EUR) quỹ viện trợ không hoàn lại để hỗ trợ ngành thủy sản ở 25 tiểu bang và vùng lãnh thổ. Mỗi bang sẽ nhận được ít nhất 200.000 USD (175.585 EUR) tiền tài trợ. Các nhà chế biến hải sản và chủ tàu đánh cá sẽ xin quỹ thông qua cơ quan tài trợ của tiểu bang họ.

•Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) thông báo vào ngày 4/2 rằng, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu sẽ nối lại thương mại song phương đối với thuỷ sản có vỏ, nhuyễn thể hai mảnh vỏ sống, sống và đã qua chế biến.Thỏa thuận này đánh dấu lần đầu tiên thương mại song phương về nhuyễn thể giữa các nước E.U. và Hoa Kỳ sẽ được phép trở lại kể từ năm 2011

Tin liên quan

Đọc tiếp