Thanh Hoá muốn xây dựng 'công viên dược phẩm' tại Bỉm Sơn, thu hút 500 triệu USD từ nhà đầu tư Ấn Độ

dược phẩm Việt nAM
20:22 - 06/12/2021
Thanh Hoá muốn xây dựng 'công viên dược phẩm' tại Bỉm Sơn, thu hút 500 triệu USD từ nhà đầu tư Ấn Độ
0:00 / 0:00
0:00
Sau Quảng Ninh và Trà Vinh, Thanh Hóa là địa phương thứ 3 có kế hoạch xây dựng khu công nghiệp dược phẩm công nghệ cao tại Việt Nam.

Vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có buổi làm việc với đại sứ Phạm Sanh Châu, các tham tán và cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, nhận định về việc kêu gọi, vận động dự án "Công viên dược phẩm" hoàn toàn phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Dự án “Công viên dược phẩm” có khả năng thu hút 500 triệu USD vốn đầu tư ban đầu từ các nhà đầu tư lớn trong ngành dược của Ấn Độ. Đây được coi là cơ hội phát triển vượt bậc cho thành phố công nghiệp công nghệ cao Bỉm Sơn trong tương lai.

Với lợi thế có quỹ đất sạch lớn, có kết nối với hệ thống giao thông - vận tải thuận lợi, bao gồm phát triển cả đường thủy và đường hàng không, tỉnh Thanh Hoá là 1 trong 12 tỉnh, thành phố trên cả nước được các nhà đầu tư Ấn Độ lựa chọn, tìm hiểu để đầu tư Dự án “Công viên dược phẩm”.

Theo Quyết định số 3390/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất năm 2021, hiện thị xã Bỉm Sơn có tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp là 1.835,56 ha.

Với quỹ đất sử dụng cho nông nghiệp lên đến 2.000ha, đây sẽ là tiềm năng để Bỉm Sơn phát triển vùng nguyên liệu đặc thù cho ngành "dược phẩm", bên cạnh đó là đi kèm với việc phát triển các nông trường diện tích lớn phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Ngoài ra, Thị xã Bỉm Sơn còn có lợi thế thu hút đầu tư từ vị trí chiến lược kinh tế trong trục phát triển kinh tế Bắc Trung Bộ. Thị xã Bỉm Sơn là địa phương đầu tiên tại khu vực Bắc Trung Bộ được hưởng lợi từ hai dự án cao tốc trọng điểm quốc gia, bao gồm cao tốc Bắc Nam đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 với nút giao cách Bỉm Sơn chưa đầy 3km và tuyến cao tốc ven biển trọng điểm quốc gia kết nối Quảng Ninh – Nga Sơn – Bỉm Sơn – Nghi Sơn đến mũi Cà Mau. Hạ tầng giao thông đồng bộ, phát triển giúp Bỉm Sơn có lợi thế hơn trong vấn đề thu hút vốn đầu tư FDI & DDI.

Cuối tháng 7/2021, ý tưởng xây dựng khu công nghiệp “Công viên dược phẩm” tại Việt Nam đã được đưa ra tại các buổi xúc tiến thương mại và đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm do cơ quan Thương vụ phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức.

Ấn Độ hiện nay đang là trung tâm sản xuất thuốc lớn thứ 3 thế giới. Với lợi thế về nguồn nhân lực khoa học công nghệ lớn và năng lực nghiên cứu - phát triển (R&D), quốc gia này đã có những đóng góp quan trọng trong hệ thống chăm sóc y tế.

Theo số liệu của IBEF, Ấn Độ cung cấp hơn 60% các loại vắc xin khác nhau trên toàn cầu, chiếm 20% lượng thuốc gốc xuất khẩu trên thế giới. Hơn 40% nhu cầu thuốc gốc ở Hoa Kỳ và 25% ở Anh là do Ấn Độ cung cấp. Hơn 80% các loại thuốc kháng virus được sử dụng trên toàn cầu để chống lại bệnh HIV-AIDS được sản xuất bởi các công ty dược phẩm của Ấn Độ.

Tổng quy mô của ngành dược phẩm Ấn Độ ước tính vào khoảng 43 tỷ USD vào năm 2019 và có khả năng đạt 55 tỷ USD năm 2022.

Theo báo cáo của SSI Research, hiện nay Ấn Độ là nhà cung cấp API (dược chất) quan trọng cho Việt Nam. Bên cạnh đó, các công ty dược Ấn Độ hiện đang đẩy mạnh năng lực sản xuất khi Chính phủ nước này thực hiện gói ưu đãi tiền mặt trị giá 200 triệu USD cho các nhà máy API sản xuất kháng sinh, thuốc chống HIV, vitamin và 51 thành phần dược phẩm quan trọng khác.

Như vậy, sự hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ trong ngành dược là điều tất yếu sẽ xảy ra. Với Việt Nam, đây sẽ là cơ hội vươn mình, là tiền để cho sự phát triển trong tương lai của ngành dược phẩm trong nước. Dự án “Công viên dược phẩm” thành công sẽ là “đòn bẩy chiến lược”, biến Việt Nam thành một cứ điểm nghiên cứu, phát triển và sản xuất dược phẩm hàng đầu của Đông Nam Á và thế giới.

Với lợi thế quy trình khép kín, quy mô lớn, tập trung và có vị trí địa lý thuận lợi, “Công viên dược phẩm” giúp các công ty giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu suất và hiệu quả sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh, đưa Việt Nam trở thành cứ điểm nghiên cứu, phát triển, sản xuất dược phẩm hàng đầu khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Nhóm đầu tư dự án sẽ tiến hành mời các công ty dược từ Ấn Độ, Mỹ và châu Âu sang đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Khu công nghiệp này sẽ bao gồm các nhà máy sản xuất dược liệu/phụ liệu và các nhà máy thuốc thành phẩm để khắc phục điểm yếu về nguồn cung dược liệu trong chuỗi sản xuất dược tại Việt Nam.

Phía nhà đầu tư Ấn Độ cũng yêu cầu quỹ đất dành cho “Công viên dược phẩm” tối thiểu là 500 ha, là đất sạch và vị trí cách xa các khu vực dân cư, gần cảng biển, các hệ thống công nghiệp phụ trợ, kết nối bởi hệ thống giao thông thuận tiện. Các “Công viên dược phẩm” cũng cần có nguồn cung năng lượng liên tục và nguồn nước sạch dồi dào.

Trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm dược phẩm và vắc xin ClinSync Clinical (Ấn Độ) cũng cho biết sẵn sàng hợp tác cùng Việt Nam thử nghiệm, sản xuất vắc xin Covid-19, đây sẽ là tiền đề để phía Việt Nam và Ấn Độ hợp tác trong các vấn đề nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vaccine trong tương lai.

Tin liên quan

Đọc tiếp