5 điều đáng chú ý về biến chủng mới Omicron

omicron THẾ GIỚI
07:00 - 04/12/2021
Ảnh: Alamy Live News
Ảnh: Alamy Live News
0:00 / 0:00
0:00
Kể từ khi chính thức được Nam Phi công bố cuối tháng 11 vừa qua, biến chủng mới Omicron đã làm chao đảo thị trường thế giới, khiến nhiều nước đưa ra lệnh cấm di chuyển và đặt các nhà sản xuất vaccine vào tình trạng báo động.

Sau một tuần được phát hiện đầu tiên ở miền nam châu Phi, biến chủng Omicron hiện đã kịp lan ra khắp toàn cầu và đang liên tục xuất hiện tất cả các châu lục như châu Á, châu Âu, châu Đại Dương và châu Mỹ. Những nghiên cứu ban đầu ở Nam Phi đưa ra các dấu hiệu cho thấy Omicron có khả năng gây ra nguy cơ tái nhiễm cao hơn những biến chủng virus trước đó của Covid-19.

Biến chủng mới xuất phát từ đâu?

Biến chủng Omicron có tên khoa học ban đầu là B.1.1.529. Biến chủng này được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi và được báo cáo tới Tổ chức Y tế Thế giới WHO vào ngày 24/11. Tuy nhiên, những mẫu thí nghiệm đầu tiên có giải trình gene của biến chủng này đã được thu thập từ ngày 9/11 và cho đến giờ, nguồn gốc chính xác của nó vẫn chưa được xác nhận.

Tại Đông Nam Á, Malaysia và Singapore là hai nước đầu tiên ghi nhận các ca nhiễm biến chủng mới Omicron vào ngày 2/12 và 3/12 đều từ những người có lịch trình di chuyển từ Nam Phi. Các nước và vũng lãnh thổ thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương khác cũng đã xuất hiện các ca nhiễm biến chủng mới gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Ấn Độ, Singapore, Sri Lanka và Australia.

Trên thế giới, biến chủng mới đã lan rộng đến tổng cộng hơn 20 quốc gia từ Mỹ đến Brazil, các nước châu Âu và Australia.

Vì sao biến chủng mới lại nguy hiểm?

WHO đã xếp loại Omicron là “biến chủng đáng lo ngại” cùng với Delta chỉ trong một khoảng thời gian ngắn sau khi được phát hiện. Trước đó biến chủng Delta phải mất đến 7 tháng cho quá trình này. Thông thường, các biến chủng đáng lo ngại sẽ có khả năng lây truyền cao hơn, độc lực mạnh hơn và làm suy giảm tác dụng của vaccine cũng như các biện pháp chữa trị khác.

Nhiều nghiên cứu sẽ cần được thực hiện hơn để có thể đưa ra kết luận chính xác, tuy nhiên các chuyên gia nhận định chuỗi đột biến bất thường của Omicron có thể khiến chủng này dễ lây lan hơn và giúp tránh né các kháng thể của vaccine tốt hơn. Những thay đổi ở đây bao gồm 32 đột biến đã được xác định trong chuỗi protein gai - phần mà vaccine mRNA giúp hệ miễn dịch của cơ thể nhận biết để chống lại virus.

Các dữ liệu ban đầu từ Nam Phi cũng cho thấy omicron đã được phát hiện với tốc độ nhanh hơn các đợt lây nhiễm trước đó. Tuy nhiên, mặt tích cực là Omicron có thể được phát hiện khá dễ dàng.

Người dân Hàn Quốc xếp hàng chờ xét nghiệm ngày 30/11. Ảnh: Bloomberg

Người dân Hàn Quốc xếp hàng chờ xét nghiệm ngày 30/11. Ảnh: Bloomberg

Các nghiên cứu mới nhất nói lên điều gì?

Một nghiên cứu mới được công bố bởi các nhà khoa học Nam Phi hôm 2/12 cho thấy Omicron có khả năng tránh miễn dịch được tạo ra từ đợt nhiễm bệnh trước đó. Điểm này là một điểm mới không hề được tìm thấy ở các biến chủng cũ là Alpha và Delta.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng cần quan sát nhiều hơn cách biến chủng này phản ứng với vaccine. Hiện giờ, câu hỏi được đặt ra là liệu Omicron có khả năng tránh được miễn dịch tạo ra bởi vaccine hay không và liệu sự suy giảm miễn dịch này có gây ra bất kì ảnh hưởng lên diễn tiến bệnh và tỉ lệ tử vong hay không.

Các công ty dược đang phản ứng như thế nào?

Các loại vaccine hiện tại đang khá hiệu quả trong việc chống lại các biến chủng khác, nhưng dự đoán về hiệu quả của vaccine với omicron lại nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Giám đốc điều hành của Moderna, Stephane Bancel, phát biểu rằng các vaccine hiện tại không thể đem lại hiệu quả chống biến chủng Omicron giống như với biến chủng Delta. Ngược lại, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập BioNTech Ugur Sahin, lại có vẻ lạc quan hơn. Ông Sahin cho rằng các vaccine hiện tại có thể giúp người bệnh không bị diễn tiến nặng. Nếu cần thiết, các nhà sản xuất luôn sẵn sàng điều chỉnh lại vaccine của mình.

Ngay sau khi biến thể này được báo cáo, AstraZeneca đã bắt đầu tìm hiểu về Omicron và tác động của nó lên vaccine. Nhà sản xuất này cũng tiến hành nghiên cứu ở Botswana và Eswatini – nơi phát hiện ra biến chủng, đồng thời đánh giá lại phương pháp điều trị bằng kháng thể.

BioNTech cũng thông báo có thể điều chỉnh vaccine trong vòng 6 tuần và bắt đầu vận chuyển các lô hàng đầu tiên trong vòng 100 ngày. Moderna đang chuẩn bị cho việc xin cấp phép mũi tăng cường chống lại Omicron vào tháng 3/2022.

Người dân Malaysia chờ đợi tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Malay Mail

Người dân Malaysia chờ đợi tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Malay Mail

Chính phủ các nước đang phản ứng thế nào?

Nhiều quốc gia đã ngay lập tức ban hành lệnh hạn chế nhập cảnh đối với các nước phía nam châu Phi. EU, Mỹ và Canada là những nơi đã tạm dừng việc di chuyển tới khu vực này.

Israel là quốc gia đầu tiên trên thế giới đóng cửa biên giới hoàn toàn, đồng thời ban hành lệnh cấm tạm thời với tất cả du khách quốc tế. Nhật Bản cũng đã hạn chế nhập cảnh với người nước ngoài và với cả những người Nhật trở về từ 10 nước châu Phi.

Hàn Quốc cũng bắt đầu yêu cầu cách ly 10 ngày với tất cả khách du lịch nội địa và tạm dừng những miễn trừ được cấp cho những người được tiêm vaccine đầy đủ. Trước đó, nước này yêu cầu người dân xuất trình xác nhận tiêm phòng trước khi đi đến các địa điểm công cộng như nhà hàng bắt đầu từ 29/11.

Australia thì tạm hoãn kế hoạch tái mở cửa biên giới cho phép người lao động và sinh viên quốc tế được nhập cảnh.

Còn Malaysia ban hành lệnh cấm nhập cảnh với các quốc gia phát hiện có ca nhiễm Omicron cùng với các quốc gia được nhận định là có nguy cơ cao. Ngoài ra, các quốc gia Đông Nam Á khác cũng có những động thái thắt chặt chính sách tương tự.

Biến chủng Omicron cũng thay đổi cách chính phủ các nước đối phó với dịch ở phía trong biên giới của mình. Sau khi biến chủng mới xuất hiện, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng nước này có thể sẽ phải “bước một vài bước lùi lại để có thể tiến xa hơn”. Malaysia cũng cho dừng kế hoạch chuyển đổi sang giai đoạn sống chung với Covid-19 như là một "dịch bệnh mang tính địa phương".

Tin liên quan

Đọc tiếp