Thanh tra để thúc đẩy doanh nghiệp thực thi pháp luật chứ không phải bắt sai phạm

QUỐC HỘI Luật Thanh tra
20:53 - 13/06/2022
Đại biểu Phan Đức Hiếu. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội
Đại biểu Phan Đức Hiếu. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội
0:00 / 0:00
0:00
Theo đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, hoạt động của doanh nghiệp là đa ngành, đa địa bàn nên sẽ là đối tượng của các cơ quan thanh tra chuyên ngành, rủi ro trùng lặp, chồng chéo lớn nếu không có quy định cụ thể về quy trình, thủ tục...

Chiều 13/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Dự thảo Luật gồm 8 chương, 116 điều (trong đó, bổ sung thêm 61 điều, sửa đổi 41 điều và lược bỏ 24 điều so với luật hiện hành).

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) được xây dựng theo hướng sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan thanh tra cho phù hợp với yêu cầu quản lý của từng lĩnh vực, bảo đảm thu gọn đầu mối các cơ quan thanh tra nhưng vẫn bảo đảm hoạt động quản lý Nhà nước trong tất cả các lĩnh vực đều được thanh tra, kiểm tra một cách có hiệu quả. Dự thảo Luật cũng cố gắng phân định thẩm quyền và xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa các cơ quan thanh tra, giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán và hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý.

Tại phiên thảo luận, ông Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình) cho biết, Luật Thanh tra đang được sửa đổi toàn diện. Đây là thời điểm để luật hóa các cơ chế, quyết định hành chính của Chính phủ trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.

Theo ông Hiếu, thực tế thanh, kiểm tra có thể tạo ra những gánh nặng không cần thiết đối với nhiều doanh nghiệp, khi nội dung thanh, kiểm tra bị trùng lặp; có hiện tượng cán bộ lợi dụng công tác để nhũng nhiễu doanh nghiệp hay một số doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra quá mức... Hệ quả, các doanh nghiệp phải dành nhiều thời gian, bỏ dở công việc kinh doanh chỉ để xoay sở với những yêu cầu của cán bộ thanh, kiểm tra.

Năm 2016, Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 có quy định riêng nội dung về thanh tra, kiểm tra, yêu cầu "các cơ quan Nhà nước khi tiến hành việc thanh, kiểm tra phải theo hướng lồng ghép, phối hợp và kế thừa kết quả hoạt động giữa các cơ quan. Công khai trước kế hoạch thanh tra, kiểm tra và kiểm toán doanh nghiệp để tránh trùng lặp, chồng chéo; không thanh tra, kiểm tra khi không có căn cứ theo quy định của pháp luật, đặc biệt là trong lĩnh vực về quản lý thuế".

Tuy nhiên, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng đây là các chỉ đạo hành chính, không bền vững, khiến doanh nghiệp không an tâm. Cho nên, đại biểu đề nghị cần có khung pháp lý riêng cho đối tượng của hoạt động thanh tra là doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Chính phủ, có tới 72 cơ quan chuyên ngành có chức năng thanh tra. Ông Hiếu cho rằng, hoạt động của doanh nghiệp là đa ngành, đa địa bàn nên sẽ là đối tượng của các cơ quan thanh tra chuyên ngành, rủi ro trùng lặp, chồng chéo lớn nếu không có quy định cụ thể về quy trình, thủ tục, các nguyên tắc thừa nhận kết quả thanh tra của nhau... “Thanh tra để thúc đẩy doanh nghiệp thực thi pháp luật chứ không phải vì mục tiêu bắt sai phạm nên cần theo nguyên tắc quản lý rủi ro, phù hợp với tính chất, quy mô kinh doanh và tình hình tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp”, ông Hiếu nêu ý kiến.

Thanh tra mà báo trước thì sẽ chuẩn bị hết “vở sạch chữ đẹp”

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) cho biết, thực tế công tác trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm ở TP HCM bà nhận thấy trong thanh tra phải vừa theo kế hoạch vừa phải đột xuất. Bà nêu vấn đề: “Trong những lĩnh vực có nhiều vi phạm kéo dài hàng năm liền luôn luôn bị dư luận nhìn vào… tại sao trong báo cáo thanh tra tỷ lệ phát hiện vi phạm rất thấp? Chính là vì cách thanh tra theo kế hoạch. Thanh tra theo kế hoạch mà còn báo trước nữa thì người ta sẽ chuẩn bị hết “vở sạch chữ đẹp” để đón tiếp đoàn".

Bà Lan cho rằng, việc e ngại đội ngũ thanh tra lạm quyền, lợi dụng chức vụ tiêu cực cho nên vô hình chung “trói tay trói chân” thanh tra. Nếu chỉ trông đợi vào thanh tra theo kế hoạch và được báo trước nữa thì không thể hoàn thành được nhiệm vụ. “Không phải vì sợ tiêu cực mà chúng ta lựa chọn cách dễ nhất là đến hẹn lại lên, mỗi năm có thông báo trước với doanh nghiệp tới ngày đó, giờ đó đến thanh tra”, bà Lan nêu ý kiến.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan.

Có nên tiếp tục duy trì mô hình Thanh tra cấp huyện?

Dự thảo Luật kế thừa quy định về hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như Luật Thanh tra hiện hành, gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và Thanh tra huyện. Tuy nhiên, về mô hình tổ chức Thanh tra huyện, quá trình thảo luận còn có 2 loại ý kiến. Một là tán thành tiếp tục duy trì mô hình tổ chức Thanh tra huyện; hai là cho rằng cần nghiên cứu, có giải pháp đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra, theo đó không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện.

Đại biểu Vũ Huy Khánh (Đoàn Bình Dương) với quan điểm tiếp tục duy trì mô hình tổ chức Thanh tra cấp huyện là cần thiết, tuy nhiên cơ quan soạn thảo cần giải trình rõ hơn và đánh giá tác động kỹ hơn. Vì trong Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra năm 2010 đưa ra những vướng mắc, bất cập, dẫn đến trong giai đoạn đầu của quá trình soạn thảo, cơ quan chủ trì soạn thảo có đề xuất là không quy định tổ chức Thanh tra cấp huyện. Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo thì một số ý kiến đề nghị tiếp tục duy trì mô hình này nên trong dự thảo hiện nay lại có mô hình tổ chức Thanh tra cấp huyện.

Đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) chỉ rõ, về tổ chức của Thanh tra sở, Thanh tra huyện, Điều 30 và Điều 34 quy định Thanh tra sở, Thanh tra huyện có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra và Thanh tra viên là chưa phù hợp với thực tế. Vì hiện nay do biên chế không nhiều nên thường là Thanh tra sở, Thanh tra huyện bố trí biên chế thanh tra ít, không đảm bảo yêu cầu hoạt động của thanh tra.

Do đó, để đảm bảo yêu cầu thanh tra thường phải thực hiện biệt phái công chức. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung thêm và công chức thanh tra thành Thanh tra sở, Thanh tra huyện và Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên và công chức thanh tra.

Còn theo đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội), có thể ở các quận, huyện, thành phố tiến tới 15-20 năm nữa sẽ có thể có thanh tra đến cấp xã, phường. “Nhưng ở những huyện nghèo, chẳng hạn năm 2016 một xã được UBND huyện giao thu ngân sách 14 triệu đồng/năm thì thanh tra cái gì?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Đại biểu Trương Xuân Cừ cũng đề nghị Quốc hội cần xem xét lại thanh tra với các huyện nghèo, cận nghèo, bởi ở đó không có nhiều công việc. Khi có thanh tra, ít nhất phải có 3 cán bộ, trong đó có chánh thanh tra, phó chánh thanh tra, chuyên viên… Trong khi các phòng ban khác phải lo hàng trăm đầu việc về kinh tế, dân sinh, xã hội.

Thảo luận về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), các đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi luật. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị cần rà soát hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính; bổ sung các quy định về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thanh tra; tiếp tục rà soát, xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động kiểm tra trong Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022 theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vừa được Quốc hội thông qua.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.