Thị trường điện khí Việt Nam giàu tiềm năng nhưng cũng nhiều thách thức

NĂNG LƯỢNG Việt nAM
21:49 - 14/12/2023
Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Thu Thảo.
Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Thu Thảo.
0:00 / 0:00
0:00
Phát triển điện khí là hướng đi tất yếu, góp phần cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng xanh ở Việt Nam nhưng quy mô và hiệu quả còn thấp.

Đó là nhận định của các chuyên gia tại diễn đàn “Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam” do Báo Điện tử VOV tổ chức sáng 14/12.

Nhiều cơ hội và tiềm năng

Phát biểu tại diễn đàn, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết “xanh”, được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung” an toàn của nhân loại.

Phát triển điện khí LNG giúp tăng hiệu quả trong sản xuất điện, giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện than, giảm phát thải, bảo vệ môi trường và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. LNG là dạng năng lượng có phát thải thấp, đang có xu hướng sử dụng rộng rãi, đặc biệt khi Việt Nam đã tham gia vào “Cam kết quốc tế giảm phát thải gây ô nhiễm sau COP21”.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 khoảng 150.000-160.000 MW, gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay.

Trong đó, nhiệt điện khí trong nước và LNG đến năm 2030 sẽ đạt 37.330MW, tương ứng 24,8% tổng công suất nguồn điện 150.489MW, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện.

“Một thuận lợi quan trọng cho phát triển điện khí LNG ở Việt Nam là Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành đều rất quan tâm đến việc phát triển thị trường LNG. Đây là cơ sở để phát triển hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển của loại nhiên liệu này tại Việt Nam”, ông Thi nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế nhận xét, trong thời gian tới, ngành điện gặp nhiều thách thức bởi thủy điện hết dư địa phát triển; nhiệt điện than không được phát triển thêm sau năm 2030 theo cam kết với quốc tế; điện sinh khối công suất nhỏ và giá thành không dễ cạnh tranh; điện hạt nhân chưa được xác định cụ thể, trong khi điện khí hydro, amoniac còn nhiều vướng mắc để thương mại hóa.

Trong bối cảnh này, việc phát triển mạnh mẽ nhiệt điện khí LNG sẽ giúp ngành điện phát triển xanh hơn và hạn chế sự phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than vốn chiếm tỉ lệ khá cao trong hệ thống hiện nay.

Hiện nay, cả nước có 13 dự án điện LNG đã được Thủ tướng phê duyệt trong danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện tại Quyết định 500/QĐ-TTg. Theo đó, đến năm 2030, sẽ có 22.400MW điện khí LNG, chiếm 14,9% tổng nguồn điện của cả nước với năng lực sản xuất 83 tỷ kW giờ. Đây sẽ là một trong các nguồn giúp bảo đảm cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia.

TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế phát biểu tại diễn đàn.

TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế phát biểu tại diễn đàn.

Là doanh nghiệp tiên phong, dẫn dắt ngành công nghiệp khí Việt Nam, ông Mai Xuân Ba, đại diện Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, hiện nay, PV GAS có hệ thống cơ sở hạ tầng khí hiện đại, duy nhất và lớn nhất Việt Nam gồm: hệ thống đường ống vận chuyển khí, phân phối, các nhà máy xử lý khí, kho chứa sản phẩm, cùng gần 3.000 cán bộ công nhân viên có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm,...

Để đáp ứng công suất quy hoạch nhiệt điện khí và LNG theo Quy hoạch điện VIII, PVGAS bắt đầu đưa Kho cảng LNG Thị Vải tại khu vực Đông Nam Bộ vào vận hành từ tháng 7/2023, với công suất giai đoạn I đạt 1 triệu tấn/năm và đang triển khai giai đoạn II, nâng công suất lên 3-5 triệu tấn/năm vào năm 2026.

Tại khu vực Nam Trung Bộ, PV GAS cùng Tập đoàn AES (Mỹ) triển khai dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ, phấn đấu đưa vào vận hành, khai thác từ năm 2026, (giai đoạn I công suất đạt 3,6 triệu tấn/năm, giai đoạn II nâng lên 6 triệu tấn/năm).

Khu vực Bắc Bộ cũng được lập kế hoạch đầu tư kho cảng LNG, công suất giai đoạn I đạt 3 triệu tấn/năm, giai đoạn II là 6 triệu tấn/năm.

"Về mặt lợi thế, điện khí có công nghệ tiên tiến, hiệu suất cao, tương đối thân thiện với môi trường, phù hợp với xu thế phát triển bền vững. Đặc biệt, điện khí sẽ kịp thời bổ sung nguồn điện khi các nhà máy điện năng lượng tái tạo không ổn định, hoặc không thể phát điện do thời tiết".Ông Mai Xuân Ba, đại diện Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS)

Thách thức, khó khăn vẫn ở phía trước

Cũng theo ông Mai Xuân Ba, phát triển điện khí LNG tại Việt Nam đang đối diện với 4 thách thức chính: cấu hình kho chứa, hệ thống đường ống phân phối, sự phù hợp giữa các quy hoạch, cơ chế chính sách.

Đại diện PV GAS cho hay, thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp là cơ chế chính sách. Trong tổng số 13 dự án cần phát triển đến năm 2030, hiện chỉ có duy nhất điện khí Nhơn Trạch 3, 4 đang trong giai đoạn xây dựng và sắp đưa vào vận hành, một dự án đang trong quá trình làm các thủ tục đầu tư, còn lại hầu hết các dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Mặc dù Quy hoạch điện VIII đã được ban hành nhưng một số quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương chưa hoàn thiện, đồng bộ và được cập nhật kịp thời, đặc biệt là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

"Vì vậy, khi PV GAS đến các tỉnh xin chủ trương đầu tư, nghiên cứu cơ hội đầu tư gặp nhiều khó khăn và rủi ro khi bị kéo dài thời gian xin chấp thuận chủ trương đầu tư, tìm kiếm địa điểm đầu tư, thỏa thuận phương án tuyến", ông Ba cho hay.

Dẫn chứng cụ thể, ông Mai Xuân Ba cho biết, dự án điện khí Sơn Mỹ trước đây do PV GAS làm chủ đầu tư với 100% vốn, lập dự án từ năm 2010.

Tuy nhiên, đến năm 2017, dự án mới được thẩm định thiết kế cơ sở, sau đó hình thành liên doanh giữa PV GAS với đối tác là Tập đoàn AES, nhưng cũng mất thời gian để xin lại chủ trương đầu tư.

"Chúng tôi mất tới 2 năm xin lại chủ trương đầu tư. Một tờ giấy A4 xin chủ trương đầu tư kho điện khí, chuyển từ PV GAS sang liên doanh với AES thôi, nhưng thủ tục xin chủ trương đầu tư liên quan quy hoạch tỉnh là cực kỳ phức tạp", ông Ba bày tỏ.

Hay nhắc đến kho cảng LNG Thị Vải đầu tiên của Việt Nam vừa được hoàn thành với công suất 1 triệu tấn/năm, ông Ba cho biết cũng phải mất gần 20 năm mới được hoàn thành. Lý do là chưa có cơ chế, thiếu hành lang pháp lý để triển khai thực hiện dự án.

Một thách thức lớn nữa đối với phát triển điện khí tại Việt Nam, theo ông Tạ Đình Thi, là các dự án LNG thường đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, lên tới hàng tỷ USD. Trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi khó lường, giá nhiên liệu khí hóa lỏng biến động thất thường và chiếm tỷ lệ 70-80% giá thành điện năng sản xuất, việc xây dựng cơ chế giá điện phù hợp để thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu, nhưng không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện là thách thức rất lớn với Việt Nam.

"Việc chuyển dịch sang năng lượng xanh sạch, trong đó có phát triển điện khí LNG không dễ dàng, có thể thực hiện một sớm một chiều. Các dự án LNG thường đòi hỏi nguồn vốn lớn lên tới hàng tỷ USD, hiện chúng ta phải nhập khẩu hoàn toàn loại nhiên liệu khí hóa lỏng, chiếm từ 70-80% giá thành điện năng sản xuất nhưng lại nhiều biến động; cũng chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu..."

Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Tiếp đó, Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong xây dựng, vận hành các dự án kho cảng LNG và chuỗi dự án điện khí sử dụng LNG; việc nhập khẩu LNG phải theo các thông lệ quốc tế. Trong khi đó, khuôn khổ pháp lý hiện hành cho các dự án LNG ở Việt Nam chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Thậm chí, Việt Nam hiện chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan địa điểm, thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu khí LNG.

Để đáp ứng khí cho 13 dự án nhiệt điện LNG với tổng công suất 22.400MW cần tổng công suất kho chứa khoảng 15-18 triệu tấn LNG/năm. Hiện nay, Việt Nam chỉ có duy nhất dự án kho chứa LNG tại Thị Vải với công suất 1 triệu tấn LNG/năm và thực tế triển khai dự án Kho chứa LNG tại Thị Vải cho thấy phải cần rất nhiều thời gian, nguồn lực để vượt qua khó khăn về kinh tế, kỹ thuật,...

Từ nay đến năm 2030, tức chỉ còn 7 năm nữa để các dự án khí hóa lỏng triển khai và đi vào vận hành. Nếu không nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc, việc triển khai các dự án khí hóa lỏng sẽ gặp trở ngại lớn, đồng thời ảnh hưởng đến bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Tin liên quan

Đọc tiếp