Thu hút vốn đầu tư vào Vĩnh Phúc khởi sắc trong 7 tháng đầu năm

Vĩnh Phúc FDI
17:24 - 15/08/2022
Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục là 2 nhà đầu tư tin cậy và gắn bó lâu dài với định hướng phát triển kinh tế của Vĩnh Phúc.
Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục là 2 nhà đầu tư tin cậy và gắn bó lâu dài với định hướng phát triển kinh tế của Vĩnh Phúc.
0:00 / 0:00
0:00
Các dự án thu hút FDI và DDI của Vĩnh Phúc có mặt ở hầu hết các khu công nghiệp và trải dài trên nhiều lĩnh vực, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, với 248,25 triệu USD trong 35 dự án.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2022 của Vĩnh Phúc, tỉnh tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với các hoạt động xúc tiến đầu tư được thực hiện liên tục.

Tính đến 15/7/2022, theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 21.805 tỷ đồng, tăng 9,77% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt 18.247 tỷ đồng, tăng 8,23%.

Nguồn thu tăng chủ yếu ở khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (đạt 13.239 tỷ đồng, tăng 10,91% so với cùng kỳ). Sau đó là nguồn thu từ hải quan đạt 3.539 tỷ đồng, tăng 22,11% so với cùng kỳ.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp trên địa bàn tỉnh có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Theo số liệu Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc đến ngày 15/7/2022, toàn tỉnh đã thu hút được 16 dự án đầu từ trực tiếp trong nước (DDI), gồm 10 dự án cấp mới, 6 dự án điều chỉnh vốn có tổng vốn đăng ký đạt 8.039 tỷ đồng, tăng 47,54%. Bên cạnh đó là 38 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), gồm 15 dự án cấp mới, 23 dự án điều chỉnh vốn có tổng vốn đăng ký đạt 252 triệu USD.

Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục là 2 nhà đầu tư gắn bó lâu dài với định hướng phát triển kinh tế của tỉnh. Các dự án thu hút được có mặt ở hầu hết các khu công nghiệp trong tỉnh và trải dài trên nhiều lĩnh vực, trong đó chủ yếu là lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với 248,25 triệu USD, đầu tư cho 35 dự án.

Doanh nghiệp tích cực quay trở lại thị trường

Tình hình đăng ký doanh nghiệp tính đến ngày 15/7/2022, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 779 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 7.858 tỷ đồng, tăng 16,97% về số doanh nghiệp, tăng 4,61% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,09 tỷ đồng.

Doanh nghiệp thành lập mới tập trung chủ yếu ở những nhóm ngành đang có xu hướng hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch, gồm: Ngành bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (256 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt 2.171 tỷ đồng); ngành xây dựng (120 doanh nghiệp với vốn đăng ký 1.183 tỷ đồng); ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (152 doanh nghiệp với vốn đăng ký 1.026 tỷ đồng).

Số lượng doanh nghiệp tham gia quay trở lại thị trường có xu hướng tích cực với 291 doanh nghiệp, tăng 9,40% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng đầu năm 2022 lên 1.070 doanh nghiệp (trung bình mỗi tháng có 152 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động).

Tuy nhiên, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể vẫn có chiều hướng gia tăng với 486 doanh nghiệp, tăng 35,75% so với cùng kỳ năm trước. Lý do đến từ việc các doanh nghiệp quy mô nhỏ chịu tác của tăng giá nguyên vật liệu đầu vào, khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay còn hạn chế dẫn tới buộc phải tạm ngừng hoạt động.

Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/7/2022 tăng 3,03% so với tháng trước và tăng 5,90% so với cùng kỳ. Tháng 7/2022, thị trường lao động của tỉnh cơ bản ổn định, các doanh nghiệp nỗ lực khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Một số doanh nghiệp thuộc các ngành may mặc, giày da, sản xuất nhựa, sản xuất linh kiện điện tử, máy tính… tiếp tục tuyển dụng thêm nhiều lao động nhằm ổn định nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô sản xuất.

Tình hình tăng trưởng 3 khu vực kinh tế của Vĩnh Phúc

Nông nghiệp: Trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm, sản xuất chăn nuôi có nhiều thuận lợi, giá lợn hơi xuất chuồng có xu hướng tăng khá. Song, do giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao nên người chăn nuôi chưa thật sự yên tâm tái đàn và mở rộng quy mô.

Tính đến ngày 15/7/2022, về diện tích gieo trồng: Tỉnh đạt 94,91% kế hoạch, giảm 4,27% so với cùng kỳ. Về chăn nuôi: Sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng đạt giảm 1,18%; thịt lợn hơi tăng 5,74%; thịt gia cầm hơi đạt tăng 3,58%; Về lâm nghiệp: sản lượng gỗ khai thác ước đạt 25.158,7 m3, tăng 3,95%. Về thủy sản: sản lượng nuôi trồng ước đạt 11.899 tấn, giảm 0,10%; sản lượng khai thác ước đạt 985 tấn, giảm 1,67%.

Công nghiệp: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2022 ước tính tăng 10,37% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm, IIP ước tính tăng 15,11% so với cùng kỳ, thấp hơn tốc độ tăng 19,28% của cùng kỳ năm 2021.

Dịch vụ: Tháng 7/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.592,6 tỷ đồng, tăng 1,95% so với tháng trước và tăng 30,18% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 36.161,4 tỷ đồng, tăng 16,49% so với cùng kỳ.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.