Thủ tướng: Bảo đảm môi trường thông thoáng, lành mạnh cho các nhà đầu tư

Hợp Tác TRUNG QUỐC
20:36 - 28/06/2023
Việt Nam đẩy mạnh thu hút và có các chính sách khuyến khích các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; các dự án tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị... Ảnh: VGP
Việt Nam đẩy mạnh thu hút và có các chính sách khuyến khích các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; các dự án tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị... Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác đầu tư và thương mại Việt Nam - Trung Quốc ngày 28/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết còn rất nhiều dư địa để lập các kỷ lục mới về kinh tế, thương mại, đầu tư song phương Việt Nam - Trung Quốc.

Diễn đàn do Hội đồng Xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam tổ chức tại Bắc Kinh, với sự tham dự của hơn 350 doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc.

Trung Quốc và Việt Nam còn nhiều dư địa để hợp tác, phát triển chuỗi cung ứng

Tại Diễn đàn, đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước đã giới thiệu tình hình phát triển kinh tế; môi trường đầu tư, kinh doanh; chính sách thu hút đầu tư của mỗi nước; tình hình kinh doanh, đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc; chia sẻ bài học, kinh nghiệm trong đầu tư, kinh doanh tại mỗi nước.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Quốc Trung cho biết, thời gian qua, tin cậy chính trị Việt Nam - Trung Quốc được tăng cường, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư duy trì tăng trưởng. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới; kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 175 tỷ USD.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, trong đó Việt Nam là thành viên tích cực, chiếm 1/4 tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN.

Việt Nam cũng là một trong những điểm đến đầu tư lớn nhất của doanh nghiệp Trung Quốc ở ASEAN với ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư.

Phó Thủ tướng Lưu Quốc Trung cho biết, hiện nay, thế giới thay đổi nhanh hơn, Trung Quốc và Việt Nam cần thúc đẩy hợp tác thương mại, kết nối phát triển lên trình độ cao hơn, tầm cao mới. Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam phát huy đầy đủ Hiệp định Thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN và thúc đẩy cân bằng thương mại song phương.

Phó Thủ tướng Lưu Quốc Trung cho biết Trung Quốc sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thực lực, danh tiếng và công nghệ cao đầu tư tại Việt Nam. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Lưu Quốc Trung cho biết Trung Quốc sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thực lực, danh tiếng và công nghệ cao đầu tư tại Việt Nam. Ảnh: VGP

Theo ông, Trung Quốc và Việt Nam còn nhiều dư địa để hợp tác, phát triển chuỗi cung ứng. Trung Quốc sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, hợp tác đầu tư, kinh doanh; ưu tiên phát triển xanh, kinh tế số, thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thực lực, danh tiếng và công nghệ cao đầu tư tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trung Quốc đề nghị Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và bảo vệ lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Trung Quốc nói riêng. Phía Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam thực hiện chủ nghĩa đa phương, "cùng thắng, cùng có lợi".

Kêu gọi doanh nghiệp Trung Quốc tham gia phát triển hạ tầng chiến lược

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cần tìm giải pháp tốt nhất để các nhà đầu tư, nhà nghiên cứu tiếp tục có điều kiện cống hiến cho phát triển quan hệ hai nước, nhất là đầu tư hiệu quả tại Việt Nam.

Ông đề nghị cơ quan chức năng hai bên tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ luật pháp, cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư, thương mại giữa hai nước.

Theo Thủ tướng, cần có Tổ công tác chuyên biệt về thương mại và đầu tư để thúc đẩy các hoạt động này thực chất, hiệu quả hơn.

Thủ tướng cho rằng còn rất nhiều dư địa để lập các kỷ lục mới về kinh tế, thương mại, đầu tư song phương Việt Nam - Trung Quốc và các doanh nghiệp cần phải nỗ lực để làm được điều này.

Thủ tướng cho rằng còn rất nhiều dư địa để lập các kỷ lục mới về kinh tế, thương mại, đầu tư song phương Việt Nam - Trung Quốc. Ảnh: VGP

Thủ tướng cho rằng còn rất nhiều dư địa để lập các kỷ lục mới về kinh tế, thương mại, đầu tư song phương Việt Nam - Trung Quốc. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại phát biểu của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường rằng thị trường 1,4 tỷ dân Trung Quốc sẵn sàng chào đón các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam.

Để hàng hóa Việt Nam thâm nhập nhiều hơn nữa vào thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa, cải thiện hơn nữa chất lượng hàng hóa xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cần rà soát, có cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích, thúc đẩy thương mại hai nước theo hướng cân bằng hơn, nhất là nhập khẩu nông sản từ Việt Nam. Tiếp tục thúc đẩy thương mại biên giới, nghiên cứu hình thành các khu thương mại biên giới phù hợp.

Phát triển hệ thống logistics, kết nối chuỗi cung ứng, thúc đẩy thương mại điện tử, tạo thuận lợi thương mại; tăng cường hợp tác chống buôn lậu, gian lận thương mại. Đơn giản hóa thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu, hải quan, nâng cao hiệu suất thông quan, tăng cường xuất khẩu chính ngạch; nâng cấp các cửa khẩu, sớm triển khai và nhân rộng mô hình cửa khẩu thông minh.

Thủ tướng hoan nghênh việc xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh giữa Lạng Sơn (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc).

Về định hướng, giải pháp chủ yếu thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại Việt Nam - Trung Quốc thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ Việt Nam thu hút FDI có chọn lọc, hiệu quả, bền vững, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Việt Nam đẩy mạnh thu hút và có các chính sách khuyến khích các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; các dự án tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị; các dự án thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, phát triển bền vững.

Đặc biệt, Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư Trung Quốc tham gia đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng chiến lược, như đường sắt, đường bộ cao tốc...; khuyến khích hình thức hợp tác công tư. Đây là cơ hội rất tốt cho các nhà đầu tư Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia phát triển hạ tầng cứng và mềm cho Việt Nam.

"Chính phủ Việt Nam nỗ lực bảo đảm môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh cho các nhà đầu tư; tinh thần đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện; đã làm, đã thực hiện phải có hiệu quả,"cân, đong, đo, đếm" được với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, tất cả cùng thắng. Điều này chính là cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước."

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ giữ vững môi trường ổn định, hoà bình, hợp tác và phát triển. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch, thuận lợi, có khả năng cạnh tranh quốc tế.

Đồng thời, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và hệ thống kết cấu hạ tầng. Ứng phó phù hợp với các xu hướng mới, phản ứng chính sách kịp thời với các vấn đề phát sinh.

Ngay sau Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc, Thủ tướng đã có cuộc gặp một số lãnh đạo các doanh nghiệp lớn đầu tư vào Việt Nam như Chủ tịch Tập đoàn Texhong Hong Tian Zhu; Chủ tịch Tập đoàn Runergy Tao Long Zhong; Chủ tịch Tập đoàn Energy China Song Hailiang; Chủ tịch Tập đoàn GOERTEK Jiang Binh; Tổng Giám đốc điều hành TCL Wang Cheng; Chủ tịch Tập đoàn Trường Thành Cheng Jinkui...

Lãnh đạo các tập đoàn cho biết mong muốn tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam trên một số lĩnh vực như năng lượng, hạ tầng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, bến cảng thủy nội địa, sản xuất ô tô, nghiên cứu phát triển, xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam...

Các tập đoàn cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh.

Chia sẻ với doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết, hiện nay, Việt Nam cũng đang cải cách thủ tục hành chính; sửa đổi và có cơ chế, chính sách để tháo gỡ một số vướng mắc. Ông tin tưởng trong thời gian tới, những vướng mắc của các doanh nghiệp sẽ được tháo gỡ; sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn.

Tin liên quan

Đọc tiếp