Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến với địa phương về tình hình kinh tế - xã hội

KINH TẾ Việt nAM
10:17 - 03/04/2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thời gian qua, Việt Nam đã rất nỗ lực để triển khai 3 nhóm công việc lớn - Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thời gian qua, Việt Nam đã rất nỗ lực để triển khai 3 nhóm công việc lớn - Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc giữa Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023.

Hội nghị tập trung thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng năm 2023, tình hình triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội quý 2/2023 và thời gian tới; đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2022.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, hiện Việt Nam đã đi qua quý đầu tiên của năm trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục phức tạp, khó lường về cả kinh tế, chính trị, xã hội. Dịch bệnh Covid-19 và hậu quả tác động kéo dài.

Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt hơn, kinh tế thế giới có xu hướng sụt giảm, lạm phát của các nước tuy hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, các nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, cầu giảm, thị trường thu hẹp, nhất là các thị trường lớn của Việt Nam, giá một số mặt hàng chiến lược, nguyên vật liệu đầu vào không ổn định, nhất là giá dầu. Những yếu tố bất ổn, rủi ro gia tăng, niềm tin suy giảm trên thị trường tài chính toàn cầu, một số ngân hàng tại Mỹ, châu Âu ngừng hoạt động, phá sản.

Ở trong nước, nhìn chung khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Việt Nam vừa tiếp tục khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết các vấn đề tồn đọng; vừa xử lý các vấn đề phát sinh; vừa tập trung thực hiện nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều hơn với yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao hơn.

Trong khi đó, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, nội lực chưa lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế và với độ mở nền kinh tế lớn nên chịu tác động nhiều bởi diễn biến tình hình thế giới.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định

Trong tháng 3 và quý đầu tiên của năm, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo đúng phương châm "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả". Qua đó, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục đạt những kết quả tích cực, đáng ghi nhận.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm thu đủ chi, thu NSNN đạt 30,3% dự toán, tăng 1,3% so với cùng kỳ; xuất đủ nhập, xuất siêu 4,07 tỷ USD; làm đủ ăn, xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn gạo; an ninh năng lượng được bảo đảm; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu.

Thủ tướng nêu rõ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Liên Hợp Quốc vừa công bố xếp hạng "Chỉ số hạnh phúc toàn cầu" của Việt Nam tăng 12 bậc.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về tình hình KTXH - Ảnh: VGP
Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về tình hình KTXH - Ảnh: VGP

Khó khăn, thách thức còn nhiều

"Ngay từ đầu năm, chúng ta đã nhận định tình hình có khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội, thuận lợi và đến nay, chúng ta càng thấy nhận định này là đúng", người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn.

Theo đó, sự hồi phục của doanh nghiệp sau Covid-19 còn nhiều khó khăn liên quan tới tiếp cận vốn, đất đai, thủ tục hành chính rườm rà, thị trường bị thu hẹp.

Các thị trường bất động sản, vốn, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ để các thị trường ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững. Việc khắc phục các vấn đề liên quan tới cung ứng thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế cần nỗ lực, quyết liệt hơn nữa. Phản ứng chính sách của các bộ, ngành, địa phương cần kịp thời, hiệu quả hơn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân để phục hồi tốt hơn.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc giải ngân đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn khó khăn. Công tác cải cách hành chính cần được đẩy mạnh hơn và kỷ luật, kỷ cương hành chính cần được tăng cường hơn nữa.

Về điều hành của Chính phủ, Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, Việt Nam đã rất nỗ lực để triển khai 3 nhóm công việc lớn: Các vấn đề tồn đọng, kéo dài cần nhiều thời gian để giải quyết như các dự án thua lỗ, ngân hàng yếu kém; các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều hơn, nặng nề hơn với đòi hỏi ngày càng cao hơn khi quy mô nền kinh tế lớn hơn, dân số đông hơn; xử lý, ứng phó với các vấn đề đột xuất, bất ngờ.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá khách quan về kết quả, hạn chế, phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, nhận định tình hình, xác định các nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện, nỗ lực khắc phục hạn chế, bất cập, vượt qua các khó khăn, thách thức, tập trung toàn lực để thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Đọc tiếp