Thủ tướng: Đặt nhiệm vụ hàng đầu xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia

Đối thoại Nông dân
20:06 - 29/05/2022
Thủ tướng cùng tham gia lễ hội Festival trái cây Tây Bắc cùng nhân dân Sơn La. Ảnh: CMK
Thủ tướng cùng tham gia lễ hội Festival trái cây Tây Bắc cùng nhân dân Sơn La. Ảnh: CMK
0:00 / 0:00
0:00
Tại Hội nghị đối thoại với nông dân với chủ đề "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững" tại Sơn La ngày 29/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giải đáp những nguyện vọng và động viên nông dân phát triển đúng định hướng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, đại dịch COVID-19 để lại hậu quả lớn và Việt Nam đang từng bước phục hồi kinh tế xã hội, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, liên quan đến xung đột Nga - Ukraine, làn sóng lạm phát ở các nước.

Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh tính cấp thiết xây dựng nền kinh tế tự chủ, đồng thời yêu cầu các Bộ, ngành phối hợp chặt chẽ hiệu quả để cùng ngành nông nghiệp và nông dân giải quyết những khó khăn hiện hữu; đổi mới công nghệ, lấy khoa học công nghiệp làm động lực cho sự phát triển; đa dạng hoá các chuỗi cung ứng, không phụ thuộc một thị trường, không phụ thuộc một loại sản phẩm.

Nâng cao nhận thức về giá trị thương hiệu

Một trong những nội dung được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh là vấn đề giá trị của thương hiệu. Ông cho biết, việc xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia đã được đề cập nhiều lần tại các diễn đàn khác nhau.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

“Nhiều lúc chúng ta chưa nhận thức được giá trị của thương hiệu. Chúng ta phải cùng nhau nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, giá trị của thương hiệu. Cùng một cái áo mà công nhân Việt Nam may, nhưng gắn mác của các thương hiệu quốc tế vào vào giá trị tăng gấp hàng chục lần. Có thương hiệu rồi, chúng ta phải sản xuất thế nào để sản phẩm đáp ứng được chất lượng, số lượng, đặc biệt là tạo cạnh tranh lành mạnh trong nền kinh tế thị trường”.

Vấn đề thương hiệu cũng liên quan đến trăn trở của các đại biểu nông dân về biện pháp nâng cao năng lực chế biến nông sản cho các doanh nghiệp. Tham gia trả lời trong cuộc đối thoại, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan đã lấy dẫn chứng về những gian hàng OCOP đang được triển lãm tại Sơn La để gợi ý các doanh nghiệp hãy bắt đầu từ ý tưởng và từ đó để làm.

"Tôi sẵn sàng tiếp các doanh nghiệp tại Bộ NN&PTNT để chúng ta có thể bàn tiếp về ý tưởng cần bắt đầu từ đâu để có doanh nghiệp chế biến nông sản. Từ mô hình đó để chúng ta kiến nghị về chính sách, chứ không phải chúng ta chờ chính sách”, Bộ trưởng Hoan nói thêm.

Ngăn đà tăng cao của giá vật tư nông nghiệp đầu vào

Một trong những vấn đề được người nông dân quan tâm nhiều trong cuộc đối thoại là giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Ông Nguyễn Văn Thanh đến từ Hà Nội bày tỏ sự băn khoăn về các chính sách, biện pháp bình ổn giá vật tư đầu vào hiện nay, khi giá cả vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi đồng loạt tăng rất cao so với trước dịch COVID-19.

Được sự chỉ định của Thủ tướng Chính phủ về trả lời nhóm câu hỏi liên quan đến trợ giá vật tư đầu vào và nâng cao giá trị xuất khẩu cho nông sản Việt, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên giải thích, giá cả hàng hóa toàn cầu, trong đó có giá vật tư nông nghiệp, đã tăng rất cao trong gần 2 năm qua là do 3 nguyên nhân chính.

“Thứ nhất, giá các loại nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón đều tăng cao. Thứ hai, nguồn cung trên thị trường thế giới có xu hướng giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao do phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Thứ ba, gián đoạn chuỗi cung ứng bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và xung đột chính trị ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ”, Bộ trưởng Diên cho biết.

Trước tình hình đó, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng đã tìm nhiều cách để kiềm chế tốc độ tăng giá của vật tư nông nghiệp trong nước qua nhiều lần làm việc với các doanh nghiệp, để yêu cầu chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu, phát huy công suất sản xuất, kiểm soát kênh phân phối, ưu tiên tối đa tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên

“Nếu tình huống giá cả tiếp tục leo thang thì còn một công cụ nữa là đề xuất cấp có thẩm quyền việc trợ giá đối với một số vật tư để bớt khó khăn cho người nông dân. Tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ để tiếp tục kiểm soát vật tư thiết yếu phục vụ cho sản xuất, đặc biệt là vật tư nông nghiệp”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp cùng nhau ngồi lại, bàn bạc việc chia sẻ khó khăn cho người nông dân.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) Lê Minh Hoan cũng nhìn nhận, giá thành sản phẩm được quyết định bởi 2 yếu tố cấu thành là lượng và giá. Các mô hình nông nghiệp mới tại đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long đã chứng minh có thể tiết giảm lượng trong quy trình sản xuất để tiết kiệm vật tư đầu vào. Ngân hàng Thế giới đánh giá nông dân Việt Nam đang lạm dụng hơn 55% chi phí vật tư đầu vào.

“Tôi đã đi thị sát các mô hình và thấy rằng bà con nông dân có thể ứng dụng triệt để các mô hình, các phương thức được hướng dẫn, khuyến cáo của đơn vị khuyến nông để giảm nhiều chi phí. Ngoài ra, nông dân có thể vào hợp tác xã để mua chung vật tư để giá rẻ hơn”, Bộ trưởng Hoan gợi ý.

Cùng với đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng NN&PTNT cho rằng, cần nỗ lực để dần tự chủ một số nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản. Nếu quyết tâm và cùng nhau nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp sẽ kiểm soát tốt vấn đề này.

Đào tạo nhân lực là vấn đề cốt lõi của Chiến lược nông thôn mới

Cũng tại buổi đối thoại, người được bà con nông dân yêu mến gọi là "người bạn của nhà nông" - chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng đặt câu hỏi về những chính sách hỗ trợ công tác đào tạo nghề cho nông dân để thúc đẩy sự tự vươn lên của bà con.

Tham gia cùng trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh – xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung chia sẻ, trong các Nghị quyết Đại hội đều xác định nông dân vừa là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp và đòi hỏi phải nâng cao trình độ, năng lực và khả năng làm chủ của nông dân.

Theo Bộ trưởng Dung, thời gian tới, trước hết cần hình thành thói quen người lao động tự đào tạo, tự nâng cao kiến thức cho mình.

Thứ hai là đổi mới tuyên truyền tư vấn hướng nghiệp, định hướng cho nông nghiệp. Đối với từng vùng, cách thức phải khác nhau.Giải pháp thứ ba được Bộ trưởng LĐTB&XH nhắc đến là đổi mới chương trình, giáo trình học việc để làm sao đào tạo gắn với cơ cấu lao động, tạo sinh kế việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung

“Cần đổi mới cơ cấu, nguồn lực đầu tư trong đào tạo nghề, Trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay, bố trí rất nhiều nguồn lực kinh phí cho đào tạo nghề, nhưng qua kiểm tra khi về địa phương lại cắt xén đi, đưa sang công việc khác. Vì vậy thời gian tới cần tăng cường kiểm tra, giám sát để phân bổ nguồn kinh phí đào tạo cho chính xác”.

Cuối cùng, Bộ trưởng Dung nhấn mạnh cần có sự phân công trách nhiệm rõ ràng. Toàn bộ lĩnh vực đào tạo nghề ở lĩnh vực nông nghiệp là trách nhiệm của Bộ NN&PTNT và địa phương.

“Toàn bộ đào tạo nghề ở lĩnh vực phi nông nghiệp là trách nhiệm của Bộ LĐTB&XH. Chúng ta có 55 triệu lao động, trong đó 70% đã được đào tạo, nhưng chỉ 24,5% được đào tạo có chứng chỉ nghề nghiệp. Vì vậy, phải coi đây là một trong những đột phá trong xây dựng nông thôn”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Trong khi đó, giải đáp rõ hơn về câu hỏi của GS. Nguyễn Lân Hùng đưa ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tìm nguồn xã hội hóa để thủ tục đơn giản và triển khai nhanh chóng, hiệu quả hơn việc cấp các bộ sách đào tạo nghề cho nông dân.

Về vấn đề việc làm cho người dân, Thủ tướng nêu rõ, nơi tạo được công ăn việc làm nhiều nhất là các thành phố lớn như TP Hà Nội, TP HCM và vùng phụ cận, các trung tâm kết nối giao thông . Thực tế cả ở miền Bắc và miền Nam vừa qua cho thấy, những nơi có tuyến cao tốc kết nối thì sẽ phát triển nhanh hơn là các tỉnh xa cao tốc.

Một trong những yếu tố thu hút lao động là không gian phát triển mới với các khu công nghiệp, khu kinh tế. Từ Đại hội XI, Đảng ta đã chỉ rõ đột phá về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

"Đường cao tốc đi tới đâu thì mở ra không gian phát triển mới tới đó, thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút lao động. Tuy nhiên, đầu tư hạ tầng giao thông rất tốn kém, chỉ mình chính quyền Trung ương không làm được. Do đó phải có hợp tác công tư, hợp tác giữa Trung ương và địa phương, giữa nhà nước và tư nhân với các hình thức PPP".

“Chúng ta chia sẻ với nhau, cùng quyết tâm để làm, như Trung ương sắp xếp nguồn vốn hiệu lực, hiệu quả, chống tiêu cực, tham nhũng trong phát triển hạ tầng, địa phương và người dân phải làm tốt công tác giải phóng mặt bằng. Về công tác đào tạo nhân lực, Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương, sự tham gia của người dân và các cơ sở đào tạo”, Thủ tướng định hướng thêm.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.
Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.