Thủ tướng: Đưa đất nước vào vị trí tối ưu trong cục diện quốc tế mới

hội nhập Quốc Tế
15:39 - 02/08/2023
Thủ tướng cho biết quá trình triển khai Nghị quyết cho thấy nhiều nội dung lớn, nguyên tắc và phương châm chỉ đạo của Nghị quyết vẫn còn nguyên giá trị - Ảnh: VGP
Thủ tướng cho biết quá trình triển khai Nghị quyết cho thấy nhiều nội dung lớn, nguyên tắc và phương châm chỉ đạo của Nghị quyết vẫn còn nguyên giá trị - Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là thời điểm để chúng ta phải tạo ra được các bước phát triển mới về chất trong hội nhập quốc tế.

3 chuyển biến lớn trong thực hiện Nghị quyết

Phát biểu kết luận Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế" ngày 2/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ thực tiễn triển khai Nghị quyết 22 trong 10 năm qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Thủ tướng khái quát 3 chuyển biến lớn mà kết quả triển khai Nghị quyết đã mang lại.

Thứ nhất là chuyển biến lớn về nhận thức. Theo đó, hội nhập quốc tế đã trở thành "sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị", thực sự trở thành "định hướng chiến lược lớn".

Thứ hai là chuyển biến lớn về hành động, từ hội nhập kinh tế quốc tế là chủ yếu sang hội nhập quốc tế chủ động, toàn diện, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, an ninh-quốc phòng, kinh tế, văn hóa-xã hội; từ tham gia là chủ yếu sang chủ động, tích cực đề xuất sáng kiến, xây dựng và định hình luật chơi; vừa hợp tác, vừa đấu tranh.

Thứ ba, từ chuyển biến về nhận thức và hành động đó đã dẫn đến những kết quả rất rõ nét trong nâng cao vị thế, tiềm lực đất nước, mở rộng quan hệ quốc tế.

Đến nay, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 nước. Từ năm 2013 đến nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với 7 nước lên Đối tác chiến lược hoặc Đối tác chiến lược toàn diện và 7 nước lên Đối tác toàn diện góp phần tạo ra mạng lưới Đối tác chiến lược/Đối tác toàn diện với 33 nước, trong đó có tất cả các nước lớn.

Việt Nam đã chính thức tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình; ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của khoảng 60 nền kinh tế.

Năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 730 tỷ USD. Thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2019-2022, năm 2022 đạt 431 tỷ USD.

Thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, Thủ tướng Chính phủ cho rằng tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai hội nhập còn chưa cao. Vai trò của Nhà nước có lúc chưa thực sự hiệu quả. Việc triển khai các thỏa thuận, cam kết quốc tế còn hạn chế.

Cùng với đó, mức độ vươn ra thế giới, tỷ lệ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam còn khiêm tốn.

Nhiều chỉ số, thứ bậc về năng lực cạnh tranh quốc gia, chất lượng tăng trưởng của Việt Nam so với các nước ASEAN không có nhiều thay đổi.

Chất lượng nguồn nhân lực, mức độ kết nối giữa các khu vực kinh tế FDI và quốc nội; liên kết giữa các vùng, miền trong nước chưa đạt như kỳ vọng.

Sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị

Khẳng định Việt Nam còn nhiều tiềm năng, dư địa, cơ hội về hợp tác quốc tế để tiếp tục tranh thủ, phát huy, Thủ tướng nêu một số bài học kinh nghiệm cần quán triệt trong triển khai hội nhập thời gian tới.

Theo đó, Việt Nam cần coi hội nhập quốc tế thực sự là vấn đề chiến lược. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, hiệu quả. Triển khai công tác hội nhập phải hết sức nhanh nhạy, chủ động, kịp thời, với tư duy dám nghĩ, dám làm...

Thủ tướng nhấn mạnh sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, đây là thời điểm để chúng ta duy trì, củng cố thành tựu đã đạt được và tạo ra được các bước phát triển mới về chất trong hội nhập quốc tế - Ảnh: VGP
Thủ tướng nhấn mạnh sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, đây là thời điểm để chúng ta duy trì, củng cố thành tựu đã đạt được và tạo ra được các bước phát triển mới về chất trong hội nhập quốc tế - Ảnh: VGP

Tạo được các bước phát triển mới về chất trong hội nhập quốc tế

Theo Thủ tướng, quá trình triển khai Nghị quyết và qua các phát biểu của các đại biểu cho thấy nhiều nội dung lớn, nguyên tắc và phương châm chỉ đạo của Nghị quyết vẫn còn nguyên giá trị. Đồng thời, bối cảnh mới, thực tiễn mới cũng đặt ra một số yêu cầu và nhiệm vụ mới trong triển khai hội nhập thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng cho rằng trước hết cần tiếp tục suy nghĩ, vận dụng sáng tạo 3 trụ cột trong xây dựng và bảo vệ đất nước gồm: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cùng với đó, cụ thể hóa đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; thực hiện chính sách quốc phòng "4 không".

Bao gồm không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Mục tiêu là đưa hội nhập thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ giữ vững môi trường hòa bình ổn định, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Thủ tướng nêu rõ sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, Việt Nam mở rộng về lượng, tham gia nhiều tầng nấc hội nhập khác nhau cả song phương và đa phương.

Đây là thời điểm để chúng ta duy trì, củng cố các thành tựu đã đạt được và tạo ra được các bước phát triển mới về chất, tranh thủ hiệu quả các xu thế mới về cách mạng công nghiệp lần thứ 4, về chuyển dịch, tái sắp xếp các chuỗi cung ứng, các mạng lưới FTA mà Việt Nam đã tham gia, các quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện để đưa được đất nước vào vị trí tối ưu trong cục diện quốc tế mới và tranh thủ tối đa các nguồn lực cho phát triển đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần triển khai hiệu quả, nghiêm túc, đầy đủ các thỏa thuận và cam kết quốc tế, cả song phương và đa phương trên tinh thần "đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã thực hiện là phải có kết quả, cân đo đong đếm được".

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.