Thủ tướng mong muốn Hậu Giang không để 'tiềm lực ngủ quên'

THỦ TƯỚNG Hậu Giang
15:36 - 16/07/2022
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn nhà đầu tư đến với Hậu Giang với tình cảm, nghiêm túc, chân thành, trách nhiệm, coi Hậu Giang là quê hương thứ hai; chia sẻ với người dân, với địa phương trên tinh thần "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro".

Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang sáng 16/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết thời gian qua, Đảng và nhà nước đã có nhiều quyết sách quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Đối với Hậu Giang và các tỉnh ĐBSCL, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120 về phát triển vùng ĐBSCL, quy hoạch vùng ĐBSCL đã được phê duyệt, các công trình hạ tầng chiến lược của vùng và liên vùng đang được ưu tiên đầu tư.

Đánh giá cao những kết quả nổi bật mà Hậu Giang đạt được trong 6 tháng đầu năm, Thủ tướng nhận định Hậu Giang hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi và có tiềm năng để tiếp tục phát triển hơn nữa. Trong đó, 3 lợi thế nổi bật của tỉnh là:

Cơ hội rất lớn: Hậu Giang nằm ở điểm giao nhau của 3 tuyến cao tốc sắp hình thành là Cần Thơ – Cà Mau; Châu Đốc – Cần Thơ – Hậu Giang và Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu. Đặc biệt, Nghị quyết số 13 xác định "Phát triển các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gần với vùng chuyên canh, kết nối với các đô thị gồm: Trung tâm đầu mối tổng hợp ở TP Cần Thơ gắn với phát triển dịch vụ logistics ở Hậu Giang".

Tiềm năng khác biệt: Khi các tuyến đường cao tốc được hình thành thì Hậu Giang nằm ở vị trí trung tâm của các tỉnh Nam sông Hậu và là cửa ngõ kết nối giữa các tỉnh nam sông Hậu với phần còn lại của ĐBSCL và các vùng kinh tế khác của cả nước. Việc này sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho Hậu Giang, đặc biệt liên quan đến phát triển công nghiệp, đô thị và logistics.

Lợi thế cạnh tranh: Hậu Giang có chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư tốt. Với cơ cấu dân số vàng cùng hệ thống cơ sở đào tạo hiện có, tỉnh cũng đáp ứng nguồn nhân lực dồi dào theo yêu cầu của doanh nghiệp.

UBND tỉnh Hậu Giang ký biên bản ghi nhớ đầu tư với Tập đoàn Him Lam, dự kiến 6,2 tỷ USD. Ảnh: VGP
UBND tỉnh Hậu Giang ký biên bản ghi nhớ đầu tư với Tập đoàn Him Lam, dự kiến 6,2 tỷ USD.
Ảnh: VGP

Với những lợi thế đó; Thủ tướng mong muốn Hậu Giang không để tiềm lực ngủ quên, biến tiềm lực thành nguồn lực, thành của cải vật chất cân đong đo đếm được, biến khát vọng thành hành động thiết thực và hiệu quả; phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa, nguồn lực con người…

Thủ tướng gợi mở một số lĩnh vực cốt lõi mà nhà đầu tư có thể ưu tiên vào Hậu Giang như phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, phát triển đô thị; chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; phát triển công nghiệp, nhất là năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp thực phẩm, đồng thời phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp hữu cơ; phát triển thương mại, dịch vụ, nhất là du lịch, logistics…

Đồng thời, Thủ tướng cũng mong muốn nhà đầu tư đến với Hậu Giang với tình cảm, nghiêm túc, chân thành, đề cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động, quan tâm công tác an sinh xã hội, cùng chăm lo đời sống người dân địa phương.

Về phía địa phương, Thủ tướng đề nghị Hậu Giang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo sự hấp dẫn các nhà đầu tư; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Người dân đồng hành, chia sẻ với các nhà đầu tư, với chính quyền địa phương.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ trao giấy chứng nhận đầu tư cho 12 dự án đầu tư vào tỉnh Hậu Giang, với tổng số vốn 19.000 tỷ đồng; chứng kiến lễ ký kết ghi nhớ, hợp tác đầu tư và chủ trương đầu tư cho 10 nhà đầu tư, với tổng số vốn hơn 204.000 tỷ đồng, trong đó có nhiều doanh nghiệp hàng đầu như Sun Group, Him Lam, MASA, Alphanam, FPT...; chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ chức với tỉnh Hậu Giang; chứng kiến các doanh nghiệp Nhà nước trao 28 tỷ đồng tài trợ xây dựng các trường học và tặng quà cho người có công tỉnh Hậu Giang.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.