Thủ tướng: Việt Nam cùng làm, cùng thắng với doanh nghiệp FDI

DOANH NGHIỆP Việt nAM
15:31 - 19/03/2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: Quách Sơn - Mekong ASEAN.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: Quách Sơn - Mekong ASEAN.
0:00 / 0:00
0:00
Đánh giá khu vực FDI là một động lực quan trọng góp phần thúc đẩy đổi mới, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp FDI đồng hành cùng Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.

Sáng 19/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI và tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2024 với chủ đề "Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh".

"Chúng tôi có niềm tin vào các doanh nghiệp FDI"

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá các phát biểu của các đại biểu đều cho thấy tinh thần "ba cùng" gồm: Cùng lắng nghe và thấu hiểu giữa doanh nghiệp với Nhà nước và người dân; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động để phát triển kinh tế nói chung và phát triển xanh nói riêng; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển.

Theo Thủ tướng Chính phủ, hội nghị lần này có tính thời sự và thiết thực, phù hợp với xu thế chung của thế giới hiện nay, đặc biệt là định hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của Việt Nam, hướng tới thực hiện cam kết đưa phát thải ròng về "0" vào 2050.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục tổng hợp, rà soát, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện, sớm trình dự thảo văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, rà soát kỹ các ý kiến tham luận, các vấn đề, câu hỏi cụ thể của các doanh nghiệp, nhà đầu tư để sớm giải quyết, xử lý và hoàn thiện cơ chế, chính sách, bảo đảm công khai, minh bạch, trường hợp vượt thẩm quyền phải kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe, tôn trọng, chia sẻ với các doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, cùng làm, cùng hưởng, cùng phát triển; bảo vệ và tạo môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

"Chúng tôi có niềm tin vào các doanh nghiệp FDI. Niềm tin vào việc Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hơn 193 quốc gia, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, 7 nước thành viên G7, 16 thành viên G20; ký 16 FTA với hơn 60 nước," Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng bày tỏ niềm tin vào sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong hệ thống chính trị, trong nhân dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Niềm tin vào sự nỗ lực của doanh nghiệp, người dân cùng Nhà nước vượt qua khó khăn, thách thức.

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI và tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên. Ảnh: Quách Sơn - Mekong ASEAN.

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI và tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên. Ảnh: Quách Sơn - Mekong ASEAN.

Không chấp nhận mô hình "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau"

Thủ tướng cho biết, mục tiêu chiến lược của Việt Nam là phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 là nước phát triển, có thu nhập cao.

Năm 2024 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và Chiến lược 10 năm 2021-2030; kết quả năm 2024 phải tốt hơn năm 2023 như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo.

Thông tin tới Hội nghị về các yếu tố nền tảng về con đường, quan điểm phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, để thực hiện được mục tiêu nêu trên, cần phát huy hơn nữa vai trò của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có khu vực FDI.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp FDI cùng Việt Nam thực hiện lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực, là động lực và là mục tiêu của sự phát triển; đồng thời không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, trên tinh thần "lợi ích hài hòa-rủi ro chia sẻ."

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Ảnh: Quách Sơn - Mekong ASEAN.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Ảnh: Quách Sơn - Mekong ASEAN.

Về quan điểm phát triển về tăng trưởng xanh, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là một trong hai yếu tố cốt lõi của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững.

Việt Nam kiên quyết không chấp nhận mô hình "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau"; không tăng trưởng bằng mọi giá; chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh"; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển hệ sinh thái xanh, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp, chuyển đổi năng lượng...

"Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đây là xu thế tất yếu và là mục tiêu của mọi quốc gia, là một động lực tăng trưởng mới; không quốc gia nào có thể đứng ngoài tiến trình này," Thủ tướng chỉ rõ.

Theo Thủ tướng, thực hiện chủ trương trên, Việt Nam đã tham gia tích cực, có trách nhiệm trong thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Trong đó, cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050; tham gia Sáng kiến Phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC); Tuyên bố Chính trị thiết lập Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP)...

Việt Nam đã ban hành, triển khai các Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch về chuyển đổi xanh như: Chiến lược về biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; Quy hoạch điện VIII...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Quách Sơn - Mekong ASEAN.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Quách Sơn - Mekong ASEAN.

Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp

Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị và mong muốn các doanh nghiệp FDI tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam về 5 yếu tố: Nguồn vốn, thể chế, công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực.

Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp FDI, nhà đầu tư nước ngoài đồng hành cùng Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững với tinh thần "ba tiên phong".

Một là, tiên phong trong nhận thức, tư duy và hành động, đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm về tăng trưởng xanh.

Hai là, tiên phong trong chuyển giao công nghệ, thúc đẩy nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo phục vụ tăng trưởng xanh.

Ba là, tiên phong trong triển khai thực hiện các dự án tăng trưởng xanh cụ thể, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và bổ sung các động lực tăng trưởng mới.

Cùng với đó, Thủ tướng mong muốn các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam theo tinh thần "ba đẩy mạnh".

Một là, đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, tham vấn chính sách cho Việt Nam, trong đó, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như chuyển đổi xanh, phát triển số.

Hai là, đẩy mạnh hỗ trợ tài chính, hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam, tập trung vào các dự án có tính lan tỏa, đột phá, xoay chuyển tình thế, tìm kiếm và kết nối với các đối tác phù hợp, chú trọng huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính xanh.

Ba là, đẩy mạnh hợp tác về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho Việt Nam, nhất là lực lượng lao động chất lượng cao phục vụ các ngành kinh tế trụ cột, các lĩnh vực quan trọng, mới nổi.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam cam kết "ba bảo đảm", đẩy mạnh "ba đột phá" và thực hiện "ba tăng cường".

"Ba bảo đảm" gồm: Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp nói chung và FDI nói riêng; Bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định chính sách để các nhà đầu tư yên tâm; Bảo đảm ổn định năng lượng theo hướng chuyển đổi xanh, phát triển hệ sinh thái chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số.

Thủ tướng khẳng định không để thiếu điện với nhiều giải pháp khác nhau, trong đó có việc triển khai khuyến khích cơ chế mua bán điện trực tiếp.

Đồng thời, Việt Nam đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược gồm: Đột phá về thể chế phục vụ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; Đột phá về hạ tầng kinh tế, xã hội, y tế, giao thông, giáo dục, hạ tầng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; Đột phá về nhân lực.

Việt Nam thực hiện "ba tăng cường" gồm: Tăng cường lòng tin giữa doanh nghiệp với Chính phủ và các cấp chính quyền; Tăng cường tính công khai, minh bạch, bình đẳng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hướng vào chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, hợp tác công tư.

Chính phủ Việt Nam cam kết luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất, cân - đong - đo - đếm được.

Đọc tiếp