Thủ tướng yêu cầu Hải Dương tập trung cho quy hoạch để thu hút đầu tư

KT-XH Hải Dương
16:34 - 16/03/2023
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 16/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị năm 2022, định hướng phát triển giai đoạn tiếp theo.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc.

Báo cáo tại buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng cho biết, dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng năm 2022 kinh tế - xã hội Hải Dương vẫn đạt những kết quả nổi bật, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 9,14% xếp 8/11 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Quy mô nền kinh tế năm 2022 là 169.179 tỷ đồng (xếp thứ 11/63 toàn quốc).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 14,2%, xuất khẩu đạt 11,45 tỷ USD. Thu ngân sách Nhà nước đạt gần 21.000 tỷ đồng tăng 36%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 52,1 nghìn tỷ đồng.

Sau khi ổn định tổ chức, tỉnh đã tổ chức đối thoại, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là về thủ tục hành chính và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì ổn định sản xuất kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án; triển khai đầu tư các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng, kết nối liên tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ lập, trình phê duyệt quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành; hoàn thành phê duyệt quy hoạch 10/12 đơn vị hành chính cấp huyện; phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 5 năm 2021 - 2025.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 20.098 tỷ đồng, tăng 36% so với dự toán giao. Chương trình xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Ngày 16/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 358/QĐ-TTg công nhận tỉnh Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn tiếp tục trong vị trí tốp đầu cả nước; học sinh giỏi quốc gia có tiến bộ vượt bậc, đứng thứ 3 toàn quốc.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cũng đã đề xuất kiến nghị đến Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ một số nội dung liên quan đến việc đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình nút giao lập thể giữa Quốc lộ 5, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và Quốc lộ 17B tại xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành.

Sớm đầu tư Dự án cải tạo, mở rộng tuyến đường Quốc lộ 37 đoạn từ Quốc lộ 18 qua Côn Sơn - Kiếp Bạc, kết nối tỉnh Bắc Giang qua Cầu Đồng Việt; xem xét, cho phép thu hồi chủ trương giao Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư Tài chính Việt Nam (VIDIFI) là chủ đầu tư xây dựng kết cầu hạ tầng Khu công nghiệp Hoàng Diệu, Khu công nghiệp Hưng Đạo và giao cho UBND tỉnh Hải Dương lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật; cho phép tỉnh Hải Dương triển khai đầu tư xây dựng Khu hành chính tập trung của tỉnh...

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với báo cáo và các ý kiến phát biểu; ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, góp phần vào thành tựu chung của cả nước.

Về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hải Dương tập trung đầu tư cho công tác quy hoạch để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư, tạo cả lực đẩy và lực kéo cho phát triển.

Đa dạng hóa các nguồn lực, tăng cường hợp tác công - tư, lấy nguồn lực Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, kích hoạt các nguồn vốn xã hội; quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn đầu tư hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Tăng cường đối thoại, nắm bắt kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đồng hành với doanh nghiệp, coi sự phát triển của doanh nghiệp là sự phát triển của tỉnh.

Tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng (cơ khí, chế tạo máy, thiết bị, thiết bị điện, điện tử, hoá chất, phụ trợ…) theo hướng nâng cao nội địa hóa, thiết kế sản phẩm. Phát triển nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị. Phát triển du lịch gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa, điều kiện tự nhiên, sản phẩm, dịch vụ đặc thù.

Bên cạnh đó, bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa, lịch sử, giá trị truyền thống, biến di sản tài sản, thành nguồn lực phát triển. Nghiên cứu, quy hoạch, thu hút nguồn lực đầu tư vào Khu di tích lịch sử Côn Sơn - Kiếp Bạc, phối hợp với các bộ, địa phương liên quan hoàn thiện hồ sơ đề cử công nhận Quần thể di tích "Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc" là di sản thế giới, hình thành chuỗi di sản và phát huy tốt nhất giá trị các di sản này.

Quan tâm bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện tốt chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo; chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, các công trình phúc lợi, thiết chế văn hóa khu công nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ cũng nhất trí về chủ trương đầu tư xây dựng công trình nút giao lập thể giữa Quốc lộ 5, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và Quốc lộ 17B tại xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành để giải quyết tình trạng tắc nghẽn và hạn chế tai nạn giao thông rất phức tạp tại khu vực, tạo ra kết nối đồng bộ, liên vùng hệ thống đường giao thông trọng điểm, huyết mạch khu vực đồng bằng Bắc Bộ, gồm đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Quốc lộ 5, Quốc lộ 18 và các tuyến đường đã được quy hoạch…

Tin liên quan

Đọc tiếp