Thức ăn chăn nuôi bao giờ giảm giá?

NÔNG NGHIỆP Việt nAM
11:16 - 27/06/2021
Thức ăn chăn nuôi bao giờ giảm giá?
Thức ăn chăn nuôi bao giờ giảm giá?
Giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh từ đầu năm 2021 đến nay, giá thịt gia súc, gia cầm giảm do ảnh hưởng dịch COVID-19, khiến người chăn nuôi tái đàn cầm chừng.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh

Tính từ cuối năm 2020 đến nay, giá các loại thức ăn chăn nuôi liên tục tăng 5-6 lần, với mức tăng 200-300 đồng/kg/lần; tổng mức tăng chung 10-15%, tương đương 1.000-1.500 đồng/kg tùy từng loại.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến các hộ chăn nuôi gia cầm lao đao. (Nguồn: Internet)

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến các hộ chăn nuôi gia cầm lao đao. (Nguồn: Internet)

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), trong quý II/2021 giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chưa có chiều hướng giảm ngay, dự kiến, giảm dần và ổn định từ tháng 07/2021.

Với thức ăn chăn nuôi thành phẩm giá sẽ còn tăng, tối thiểu là 5-10% (500-1.000 đồng/kg) tùy loại, để đạt mức tăng chung là 20% thì có thể dừng. Trong khi đó, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn thịt và gà thịt ở giai đoạn vỗ béo có thể ở mức trên 11.000-11.300 đồng/kg và đây là mức giá đã được thiết lập vào năm 2014.

Ông Dương phân tích: "Trong sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, giá nguyên liệu thông thường chiếm khoảng 80-85%. Như thế, tính riêng chi phí nguyên liệu thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn bình quân là 8.894 đồng/kg; thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà 9.757-10.050 đồng/kg, cùng chi phí vận hành sản xuất, kinh doanh, bao bì, lương khoảng 2.500-3.000 đồng/kg, dẫn đến giá thành bán ra thị trường thức ăn cho lợn là 11.000 đồng/kg, thức ăn cho gà 12.100-12.500 đồng/kg".

Còn theo ông Nguyễn Hưng Thỉnh, chủ trang trại chăn nuôi ở xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ, TP.Hà Nội), hiện tại, giá cám tăng 50.000-60.000 đồng/bao, giá ngô tăng 3.600-4.000 đồng/kg. Như vậy, với tổng đàn khoảng 200 con lợn thịt, mỗi tháng trang trại phải chi thêm 15-20 triệu đồng tiền thức ăn chăn nuôi, chưa kể tiền con giống và thuốc.

Về nguyên nhân giá thức ăn chăn nuôi tăng trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, giá các loại nguyên liệu như: Đậu tương, khô dầu, ngô,... đều tăng do chi phí sản xuất lên cao.

Cùng với đó, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mùa màng, các quỹ đầu tư lớn chuyển hướng sang đầu cơ nông sản, Trung Quốc tăng mua ngũ cốc phục vụ sản xuất, chăn nuôi trong nước... Mặt khác, hiện mức chi phí vận chuyển trung bình tăng 200-300% so với thời điểm dịch COVID-19 chưa diễn ra.

Một số nguyên liệu nhập khẩu cần xem xét giảm thuế

Trước tình hình hiện nay, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chưa có dấu hiệu chững lại đang ảnh hưởng tới công tác tái đàn gia súc, gia cầm.

Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho rằng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi cần chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước có thể thay thế nguồn nhập khẩu để chế biến thức ăn chăn nuôi (cám gạo, khô dầu, cám điều, hạt điều, bã sắn,...).

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến các hộ chăn nuôi lợn hạn chế tái đàn. (Nguồn: Internet)

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến các hộ chăn nuôi lợn hạn chế tái đàn. (Nguồn: Internet)

Chủ động nguồn nguyên liệu và giảm chi phí nhập khẩu nguyên liệu bằng các chính sách thương mại và nâng cao năng lực hệ thống logistics trong hoạt động xuất, nhập khẩu, kinh doanh nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Để giảm giá thức ăn chăn nuôi, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu giảm thuế nhập khẩu cũng như giảm chi phí vận chuyển, lưu kho bãi cho các doanh nghiệp... để giảm giá thành sản xuất, bảo đảm nguồn cung, ổn định sản xuất trong nước. Có như vậy, giá bán đến các hộ chăn nuôi mới bảo đảm ở mức hợp lý - ông Nguyễn Đình Tường, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) cho hay.

Để giảm giá thành thức ăn chăn nuôi, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ rà soát lại một số cơ chế chính sách đang bất cập trong sản xuất thức ăn chăn nuôi để trình Chính phủ giảm thuế một số nguyên liệu nhập khẩu như: Lúa mì, ngô,...

Ngoài ra, các địa phương cần tăng diện tích đất thâm canh các loại cỏ, ngô sinh khối làm thức ăn cho gia súc, dự kiến đến năm 2025 sẽ đạt 150.000-200.000ha.

Áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật, chính sách hỗ trợ hoạt động thu gom, chế biến nâng cao giá trị và bảo quản nguồn phụ phẩm trong sản xuất nông, công nghiệp làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như rơm, cỏ xanh, bã dứa, thân cây ngô, vỏ quả điều, bã sắn, xương và mỡ cá tra, đầu và vỏ tôm... nhằm dần thay thế một số nguyên liệu nhập khẩu làm thức ăn chăn nuôi và góp phần giảm giá thành trong thời gian tới./.

Đọc tiếp