Thúc đẩy các trung tâm đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Hồng

ĐBSH KINH TẾ
18:17 - 12/07/2022
Hội thảo “Phát triển văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"
Hội thảo “Phát triển văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"
0:00 / 0:00
0:00
Với vai trò là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước, Đồng bằng sông Hồng phải đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ các trung tâm đổi mới sáng tạo, khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng.

Ngày 12/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo “Phát triển văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, vùng Đồng bằng sông Hồng là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, có địa hình tương đối bằng phẳng với hệ thống sông ngòi dày đặc, gồm có 11 tỉnh, thành phố, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Diện tích toàn vùng hơn 21.278 km2 chiếm 6,42% diện tích cả nước, dân số khoảng 22,92 triệu người chiếm khoảng 22% dân số cả nước.

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Vùng Đồng bằng sông Hồng là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của cả nước; là trung tâm khoa học công nghệ; là trung tâm đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực; là vùng đất lịch sử lâu đời, nơi khai sinh các vương triều Đại Việt với nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, nhiều cảnh quan thiên nhiên và hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, nhiều lễ hội đặc sắc và nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống.

Sau gần 17 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW và 11 năm thực hiện Kết luận 13-KL/TW của Bộ Chính trị, vùng Đồng bằng sông Hồng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ.

Tuy nhiên, phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng còn nhiều tồn tại, hạn chế; nhiều vấn đề mới phát sinh và được đặt ra đối với phát triển vùng trong bối cảnh, tình hình mới của đất nước. Văn hóa chưa quan tâm đầy đủ, đúng mức,chưa thực sự trở thành nguồn lực nội sinh cho phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cũng cho rằng, kết quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian qua chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng.

Tiềm lực khoa học công nghệ của các tỉnh, thành phố còn yếu, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu; nhân lực khoa học công nghệ trình độ chưa cao; chưa đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu về chuyển giao kỹ thuật tiến bộ; đầu tư cho khoa học công nghệ còn hạn chế. Thị trường khoa học công nghệ trong vùng phát triển chậm.

Tương tự, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cũng nhận xét vùng Đồng bằng sông Hồng chưa thật sự phát triển bền vững - chuyển dịch cơ cấu kinh tế toàn vùng chưa có bước đột phá, phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu còn rộng, tri thức, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh thấp.

Cùng với đó, thị trường lao động phát triển chưa toàn diện, chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn còn rất hạn chế, tỷ lệ việc làm phi chính thức còn cao; tồn tại nhiều vấn đề xã hội cần giải quyết như độ bao phủ của bảo hiểm xã hội còn thấp; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu - nghèo về mức sống, tỷ lệ hộ nghèo ở một số địa bàn còn cao. Các vấn đề này tiếp tục sẽ là những khó khăn, thách thức trong giai đoạn phát triển mới của Vùng.

Ông Võ Chí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, Nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh văn hóa, công nghệ, tài chính và môi trường là 4 trụ cột tạo nên sự phát triển. Văn hóa được coi là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Do đó, xây dựng được một nền kinh tế văn hóa phát huy tiềm lực, thế mạnh về văn hóa và công nghệ của vùng Đồng bằng sông Hồng là hết sức quan trọng.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp, ông Trần Tuấn Anh nêu ra yêu cầu: Vùng Đồng bằng sông Hồng phải đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số. Thúc đẩy mạnh mẽ các trung tâm đổi mới sáng tạo. Tập trung xây dựng các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn”.

Thay mặt Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận và đánh giá cao tham luận, trao đổi, thảo luận của Lãnh đạo các bộ, ngành; lãnh đạo các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng; các chuyên gia, nhà khoa học.

Để hoàn thiện Đề án tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW, Ban Chỉ đạo giao Thường trực Tổ Biên tập chắt lọc kết quả Hội thảo để lựa chọn, tổng hợp bảo đảm phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ tổng kết và tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư các chủ trương, định hướng nhằm phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng thời gian tới.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.