Thuỵ Điển tuyên bố đại dịch Covid-19 đã kết thúc

COVID-19 Thuỵ Điển
10:41 - 10/02/2022
Mọi người chụp ảnh bên ngoài một hộp đêm ở Malmoe, Thuỵ Điển, sau khi quốc gia này dỡ bỏ các hạn chế của Covid-19. Ảnh: AFP
Mọi người chụp ảnh bên ngoài một hộp đêm ở Malmoe, Thuỵ Điển, sau khi quốc gia này dỡ bỏ các hạn chế của Covid-19. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 9/2, Thuỵ Điển tuyên bố dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phòng dịch và dừng xét nghiệm Covid-19, dù sức ép lên hệ thống y tế vẫn rất lớn và các nhà khoa học kêu gọi cần kiên nhẫn hơn trong cuộc chiến chống đại dịch.

Trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành, Chính phủ Thuỵ Điển chọn cách không phong toả bắt buộc mà kêu gọi người dân tự nguyện. Tuần trước, nước này công bố sẽ dỡ bỏ hết những biện pháp hạn chế còn lại, đồng nghĩa với tuyên bố đại dịch đã chấm dứt ở nước này, trong bối cảnh vaccine và biến chủng Omicron có triệu chứng nhẹ giúp giảm bớt số ca bệnh nặng và tử vong.

“Như những gì chúng ta biết về đại dịch này, tôi xin nói rằng nó đã kết thúc”, Bộ trưởng Y tế Lena Hallengren phát biểu trên tờ Dagens Nyheter.

Bộ trưởng Y tế Thuỵ Điển Lena Hallengren. Ảnh: Reuters.

Bộ trưởng Y tế Thuỵ Điển Lena Hallengren. Ảnh: Reuters.

Bà cho biết dù số ca mắc biến chủng Omicron vẫn nhiều, Covid-19 không còn được xem là gây nguy hiểm cho cộng đồng ở mức độ nguy hiểm cấp đại dịch toàn cầu.

Kể từ ngày 9/2, các quán bar và nhà hàng ở Thuỵ Điển sẽ tiếp tục được mở cửa sau 11h đêm, không hạn chế về số lượng khách. Những sự kiện lớn không còn giới hạn người tham dự và không yêu cầu thẻ xanh vaccine. Hành khách di chuyển trên phương tiện công cộng cũng không bắt buộc đeo khẩu trang.

Thuỵ Điển cũng dỡ bỏ hạn chế đi lại với công dân thuộc các nước thành viên EU. Trong thông báo chung của Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp Thuỵ Điển, công dân EU không cần phải xuất trình hộ chiếu vaccine của khối để nhập cảnh vào Thuỵ Điển. Người chưa tiêm vaccine hoặc đang mắc Covid-19 vẫn có thể đi đến nước này.

Tuy nhiên, các bệnh viện ở Thuỵ Điển vẫn chịu áp lực lớn, với khoảng 2.200 bệnh nhân cần chăm sóc trong bệnh viện. Con số này tương tự như trong làn sóng thứ ba vào mùa xuân năm ngoái. Do hoạt động xét nghiệm miễn phí đã được giảm dần rồi dừng hẳn từ ngày 9/2 nên không ai biết chính xác có bao nhiêu ca mắc mới.

“Chúng ta cần kiên nhẫn thêm một chút nữa, chờ đợi thêm ít nhất vài tuần. Dịch bệnh vẫn là mối nguy lớn đối với xã hội”, ông Fredrik Elgh, giáo sư virus học tại ĐH Umea và là một trong những người chỉ trích chính sách không phong toả của Thuỵ Điển gay gắt nhất, nói với Reuters.

Cơ quan y tế Thuỵ Điển trong tuần này nói rằng việc xét nghiệm quy mô lớn quá tốn kém so với lợi ích mang lại. Thuỵ Điển chi khoảng 500 triệu Crown (54,8 triệu USD) mỗi tuần cho việc xét nghiệm trong 5 tuần đầu năm nay, và hơn 24 tỷ Crown (2,6 tỷ USD) để xét nghiệm kể từ đầu đại dịch.

Cùng ngày, Thuỵ Điển ghi nhận 114 ca tử vong vì Covid-19, nâng tổng số người chết vì đại dịch ở quốc gia này lên 16.182 người. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 bình quân đầu người ở Thuỵ Điển cao hơn nhiều so với các nước láng giềng Bắc Âu, nhưng thấp hơn so với hầu hết các quốc gia khác ở châu Âu.

Ngoài Thuỵ Điển, nhiều quốc gia châu Âu cũng rục rịch bình thường hóa trở lại. Đan Mạch đã dỡ bỏ tất cả hạn chế Covid-19, dù số ca mắc vẫn liên tục tăng. Chính phủ nước này tuyên bố từ ngày 1/2, họ không còn coi Covid-19 là “căn bệnh nghiêm trọng". Covid-19 có mặt ở khắp nơi, nhưng tất cả hạn chế được dỡ bỏ, kể cả yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín và phương tiện công cộng.

Tiến trình mở cửa trở lại tại nhiều nước đối mặt với thách thức mới, đi kèm nguy cơ dịch leo thang nghiêm trọng với sự xuất hiện và lây lan nhanh của biến thể Omicron và các biến thể phụ của Omicron. Biến thể mới đang khiến đồ thị dịch Covid-19 đảo chiều, số ca mắc mới và tử vong tăng trở lại ở nhiều nơi trên thế giới. Dù vậy, sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động và thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này.

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 10/2 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã lên tới 403.511.696 ca, trong đó có 5.788.071 người tử vong.

Châu Âu tiếp tục trở thành khu vực ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 nhất thế giới (136.524.099 ca), tiếp theo là châu Á (104.747.952 ca), tiếp đến là Bắc Mỹ (91.630.534 ca) và Nam Mỹ (50.633.157 ca). Châu Phi (11.203.287 ca) và châu Đại Dương (2.955.598 ca) là 2 khu vực có số ca mắc ít nhất.

Tin liên quan

Đọc tiếp