Thủy sản tăng trưởng chậm nhất trong sản xuất nông nghiệp tháng 8

NÔNG NGHIỆP THỦY SẢN
14:30 - 29/08/2022
Thủy sản có dấu hiệu hụt hơi trong quý II/2022.
Thủy sản có dấu hiệu hụt hơi trong quý II/2022.
0:00 / 0:00
0:00
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022 cho thấy, tình hình sản xuất các ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp vẫn được ổn định, riêng thủy sản có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại do nhiều gặp nhiều khó khăn.

Diện tích lúa phía Nam tăng trưởng do ĐBSCL không bị xâm nhập mặn

Số liệu được Tổng cục Thống kê (GS0) công bố ngày 29/8 cho thấy, sản xuất nông nghiệp trong tháng 8 tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa mùa và thu hoạch lúa, hoa màu vụ hè thu đồng thời xuống giống lúa vụ thu đông.

Cụ thể, về lúa mùa, tính đến ngày 15/8, cả nước gieo cấy được 1.411,3 nghìn ha lúa mùa, bằng 100,6% cùng kỳ năm trước. Trong đó, các địa phương phía Bắc đạt 1.023 nghìn ha, bằng 98,6% cùng kỳ năm trước. Các địa phương phía Nam đạt 388 nghìn ha, bằng 106,2% chủ yếu do vùng Đồng bằng sông Cửu Long không bị ảnh hưởng xâm nhập mặn như năm trước.

Trong khi đó, lúa Hè Thu có diện tích gieo cấy ước đạt 1.917nghìn ha, giảm 1,9% so với vụ Hè Thu năm trước, chủ yếu do chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả, năng suất thấp sang trồng cây ăn quả, trồng cỏ hoặc nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Còn về lúa thu đông, đến trung tuần tháng 8/2022, vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống được 374 nghìn ha lúa thu đông, bằng 96,7% cùng kỳ năm trước, do các địa phương chủ động gieo trồng chậm hơn nhằm tránh sâu bệnh, đảm bảo nguồn nước tưới.

Cùng với việc gieo cấy lúa, các địa phương trên cả nước đang tiến hành gieo trồng cây hoa màu. Diện tích gieo trồng các loại cây hoa màu hầu hết đều giảm so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là đậu tương và khoai lang do giá bán không ổn định hoặc gặp khó khăn trong tiêu thụ, hiệu quả kinh tế thấp nên người dân chuyển sang trồng các loại cây ăn trái và cây rau đậu.

Chăn nuôi bước vào thời kỳ tái đàn

Cũng theo GSO, chăn nuôi tháng 8/2022 phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt. Giá thịt lợn hơi trong tháng dao động trong khoảng 62.000 - 71.000 đồng/kg, không biến động nhiều so với tháng trước.

Hiện tại, người chăn nuôi bắt đầu tập trung tái đàn, tạo nguồn cung ứng thịt ra thị trường những tháng cuối năm và các kỳ lễ tết sắp tới. Để ổn định thị trường sản xuất và tiêu thụ thịt lợn trong nước, cần thực hiện quyết liệt và đồng thời nhiều biện pháp, chính sách chống đầu cơ, thao túng giá, đảm bảo quyền lợi của người chăn nuôi và người tiêu dùng.

Tính đến ngày 22/8, cả nước không còn dịch lở mồm long móng; dịch cúm gia cầm còn ở Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh. Dịch viêm da nổi cục còn ở Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk và dịch tả lợn châu Phi còn ở 15 địa phương chưa qua 21 ngày.

Khai thác gỗ được triển khai tích cực

Hoạt động sản xuất lâm nghiệp diễn ra tương đối thuận lợi, khai thác gỗ được triển khai tích cực. Tính chung 8 tháng năm 2022, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 156,9 nghìn ha, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước.

Thống kê của GSO cho biết, một số địa phương có sản lượng gỗ khai thác cao trong tháng so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ngãi đạt 234,7 nghìn m3, tăng 7,3%; Nghệ An đạt 125,9 nghìn m3, tăng 9%; Quảng Trị đạt 89,7 nghìn m3, tăng 14%.

Số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 58,8 triệu cây, tăng 4,7%; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 11.921,7 nghìn m3, tăng 5,8%; sản lượng củi ước đạt 12,6 triệu ste, tăng 0,4%.

Diện tích rừng bị thiệt hại là 792,3 ha, giảm 59,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Diện tích rừng bị cháy là 28,9 ha, giảm 97,4%; diện tích rừng bị phá là 763,4 ha, giảm 8,3%.

Nuôi trồng thủy sản có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại

Cũng theo GSO, khai thác thủy sản biển gặp nhiều khó khăn do thời tiết ngư trường không thuận lợi cho đánh bắt xa bờ.

Sản lượng thủy sản tháng 8/2022 ước đạt 794,5 nghìn tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá đạt 567,6 nghìn tấn, tăng 2,2%; tôm đạt 118,2 nghìn tấn, tăng 6,3%; thủy sản khác đạt 108,7 nghìn tấn, tăng 1,8%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước đạt 441,6 nghìn tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: cá đạt 286,3 nghìn tấn, tăng 5,6%; tôm đạt 105,7 nghìn tấn, tăng 7,2%.

Trong khi đó, sản lượng thủy sản khai thác tháng 8/2022 chỉ đạt 352,9 nghìn tấn, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước do giá nhiên liệu trong tháng tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm trước, cùng với tình hình thời tiết ngư trường không thuận lợi ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới nên ngư dân hạn chế ra khơi hoặc cho tàu nằm bờ.

Sản lượng cá đạt 281,3 nghìn tấn, giảm 1,1%; tôm đạt 12,5 nghìn tấn, giảm 0,8%; thủy sản khác đạt 59,1 nghìn tấn, giảm 0,8%. Riêng sản lượng thủy sản khai thác biển tháng 8/2022 ước đạt 333,1 nghìn tấn, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước.

Giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng so với tháng trước. Sản lượng cá tra ước đạt 122,7 nghìn tấn, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra có dấu hiệu tăng chậm lại do biến động trên thị trường thế giới.

Tôm nuôi đang vào thời kỳ thu hoạch, giá tôm nuôi cao và duy trì ở mức ổn định người nuôi có lãi. Việc ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sản lượng tôm thẻ chân trắng ước đạt 73,7 nghìn tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú ước đạt 28,1 nghìn tấn, tăng 2,6%.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.