Hướng đi 'kinh tế trải nghiệm' cho nông nghiệp Trung du miền núi Bắc Bộ

NÔNG NGHIỆP Yên Bái
09:44 - 29/08/2022
Trải nghiệm sản phẩm nông nghiệp tại cơ sở chè Suối Giàng (Yên Bái).
Trải nghiệm sản phẩm nông nghiệp tại cơ sở chè Suối Giàng (Yên Bái).
0:00 / 0:00
0:00
Từ tiềm năng của Trung du miền núi Bắc Bộ, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng Vùng cần định hướng phát triển nông nghiệp tập trung vào yếu tố trải nghiệm và con người, dựa vào sức mạnh nội lực của cộng đồng.

Tại Hội nghị Triển khai Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11 về Phương hướng Phát triển Kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, ngày 27/8 vừa qua, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đã có những định hướng mới cho nền nông nghiệp của vùng.

Theo Bộ trưởng Hoan, nếu chỉ đặt nặng các chỉ tiêu về năng suất, sản lượng, quy mô, diện tích canh tác, thì tăng trưởng, phát triển nông nghiệp của các tỉnh Trung du, miền núi Bắc Bộ khó lòng sánh với các địa phương khác.

Ngược lại, nếu biết cách khai thác, chăm chút giới thiệu nét đặc sắc, độc đáo từ văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số, từ tài nguyên bản địa, cảnh sắc thiên nhiên, biết cách khéo léo kể chuyện, nâng niu, thổi hồn cho từng sản phẩm; hay đơn giản là biết cách in tên khách hàng lên từng hộp trà một cách trân trọng thì nhiều giá trị mới, đa tầng, bền vững có thể được khởi tạo, lan toả khắp vùng cao.

“Đây là quan điểm tiếp cận Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ: Phát triển nông nghiệp vùng trung du và miền núi Bắc Bộ theo hướng hàng hoá, sản xuất an toàn, sạch, hữu cơ, xanh, đặc sản”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Từ quan điểm tiếp cận đó, tư lệnh ngành nông nghiệp gợi mở định hướng, Lào Cai phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế trải nghiệm - tập trung vào yếu tố “trải nghiệm”“con người”.

Theo góc nhìn mở này, nguồn lực, lợi thế của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ không thiếu hụt, hay bị giới hạn. “Nguồn lực phát triển ở tất cả các địa phương, đầu tiên và quan trọng nhất, là cộng đồng địa phương. Khi cộng đồng địa phương được hỗ trợ nâng cao năng lực, được trao quyền, nguồn lực, sức mạnh, sức sống mới ở từng địa phương sẽ hình thành và phát triển”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích.

Phát triển cộng đồng dựa vào nội lực

Về phương thức thực hiện định hướng mới này, Bộ trưởng NN&PTNT cho rằng, tư duy phân công, giao việc theo từng cấp, từ trên xuống dưới, dễ dẫn đến tâm lý trông chờ, ỷ lại. Cấp cơ sở chờ cấp trên, người dân chờ nhà nước, cộng đồng chờ xã hội. Trong khi đó, nhiều quốc gia đã có cách tiếp cận khác.

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan

“Những hỗ trợ từ bên ngoài, đôi khi thiếu sát thực và mang tính thời điểm, do đó, cộng đồng được khuyến khích phát huy tinh thần chủ động, tự lực, dựa trên điều kiện và nguồn lực hiện có. Đó là cách tiếp cận: phát triển cộng đồng dựa vào nội lực”.

Cách tiếp cận này sẽ tạo dựng cơ sở vững chắc để từng bước cân nhắc, xem xét thực hiện phù hợp các giải pháp về “đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên”, nhất là khi các vấn đề về bảo vệ, gìn giữ tài nguyên rừng, về cải thiện, nâng cao sinh kế cho người dân. Kinh tế lâm nghiệp bền vững cũng luôn là quan tâm hàng đầu của các địa phương trong khu vực.

Về phía cộng đồng, người nông dân, dân tộc thiểu số, Bộ trưởng nêu khó khăn, nếu đặt nặng chỉ tiêu tăng trưởng và thu ngân sách, thì không ít địa phương vẫn là tỉnh khó khăn, thiếu thốn nhiều mặt, có trình độ phát triển thấp. “Còn nếu nghĩ khác đi, chọn khác đi, tại sao không xác định hướng đi: làm sao để người dân hài lòng và hạnh phúc?”, Bộ trưởng Hoan đặt câu hỏi.

Áp dụng góc nhìn này cho lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng NN&PTNT đã đưa ra câu trả lời là những gợi mở cho Vùng. Theo đó, tư lệnh ngành cho rằng Vùng cũng cần xác định rõ triết lý phát triển nông nghiệp cho riêng mình, phù hợp và phát huy tối đa từng điều kiện đặc thù, từng giá trị đặc sắc..

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm vườn chè cổ thụ Suối Giàng tại Yên Bái.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm vườn chè cổ thụ Suối Giàng tại Yên Bái.

“Tại sao không nghĩ đến nông sản hạnh phúc khi được vận chuyển qua cung đường hạnh phúc đi qua Hà Giang, nơi sỏi đá cũng nở hoa, gắn liền với câu chuyện tự hào, xúc động về huyền thoại thanh niên xung phong mở đường, lưu mãi tuổi xuân? Tại sao không nghĩ đến nông sản hạnh phúc, những ruộng bậc thang hạnh phúc khắp miền Tây Bắc, được vun trồng, chăm sóc từ chính đôi tay, bằng cả tấm lòng và trái tim của những người dân hài lòng và hạnh phúc, Bộ trưởng gợi mở.

Nhận định về tầm nhìn phía trước, theo Bộ trưởng Hoan, để Vùng trung du và đồi núi phía Bắc phát triển, chắc chắn rồi sẽ có thêm những sân bay, đường cao tốc, những khu công nghiệp hiện đại.

“Nhưng tôi đã nhìn thấy thấp thoáng những vùng kinh tế nông – lâm – du lịch đặc sản, những khu bảo tồn sinh cảnh, những vùng nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp dược liệu, dược phẩm, những thung lũng đầy hoa, những điểm du lịch cộng đồng trải đều khắp vùng. Những tiềm năng được kích hoạt từ cách tiếp cận mới của đội ngũ lãnh đạo và người dân trong Vùng, rồi chắc chắn sẽ có nhiều địa danh, điểm đến tự tin hiện diện trên bản đồ du lịch thế giới”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thể hiện niềm tin tưởng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (thứ 2 từ phải qua) đánh giá cao việc phát triển dược liệu của huyện vùng cao Bắc Hà.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (thứ 2 từ phải qua) đánh giá cao việc phát triển dược liệu của huyện vùng cao Bắc Hà.

Trong chuyến công tác tại Lào Cai (ngày 27-28/8), Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan đã khảo sát mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp tại huyện Bắc Hà (Lào Cai).

Tại đây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao việc huyện vùng cao Bắc Hà còn nhiều khó khăn nhưng có diện tích sản xuất cây dược liệu hàng hóa lớn, với nhiều loài cây có giá trị kinh tế cao như atiso, đương quy, cát cánh, tam thất… góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Cùng với vấn đề liên kết tiêu thụ nông sản trong đó có cây dược liệu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý tới đây, tỉnh, huyện cần định hướng cho bà con sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến những thị trường khó tính.

Bộ trưởng cũng đến thăm Trại nghiên cứu và sản xuất rau, quả Bắc Hà (Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Lào Cai). Qua việc khảo sát, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao giá trị và tiềm năng của cây dược liệu, cây ăn quả, tiềm năng phát triển du lịch gắn với các sản phẩm nông nghiệp của huyện vùng cao Bắc Hà.

Bộ trưởng đề nghị tỉnh Lào Cai có định hướng để hình thành các liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, tăng khả năng cạnh tranh các mặt hàng nông sản.

Xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, chú trọng phát triển nông sản đặc hữu địa phương; đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm gắn với các sản phẩm nông nghiệp của Bắc Hà, có giải pháp quảng bá, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch nông nghiệp.

Tin liên quan

Đọc tiếp