Tìm đa dạng sinh kế cho Đồng bằng Sông Cửu Long trước những thảm hoạ tự nhiên

NÔNG NGHIỆP ĐBSCL
12:27 - 03/11/2021
Tìm đa dạng sinh kế cho Đồng bằng Sông Cửu Long trước những thảm hoạ tự nhiên
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành và 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL sáng 3/11 đã cùng bàn về một kế hoạch tạo động lực tăng trưởng mới và phát triển thích ứng cho vùng kinh tế đặc biệt quan trọng này  trước những đe doạ trực tiếp của biến đổi khí hậu

Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, người nông dân tại ĐBSCL đang phải đối mặt với tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Suy thoái môi trường đe dọa cuộc sống và sinh kế của hàng triệu người dân nơi đây. Cần sớm có những quy hoạch thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho vùng.

Theo thống kê của Bộ NN PTNT, mỗi năm Đồng bằng Sông Cửu Long mất khoảng 500 ha đất, đe dọa trực tiếp đến diện tích canh tác nông – ngư nghiệp toàn vùng.

Một bản quy hoạch đồ sộ để cứu ĐBSCL khỏi những thảm hoạ thiên nhiên

Sáng 03/11, Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2021 - 2025 đã tổ chức hội nghị trực tuyến dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 - đồ án quy hoạch đầu tiên trong số 6 quy hoạch vùng của cả nước.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp hoàn thiện quy hoạch vùng ĐBSCL - Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp hoàn thiện quy hoạch vùng ĐBSCL - Ảnh: VGP

Phát biểu trước các thành viên Hội đồng là lãnh đạo một số bộ, cơ quan và 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhận định, quy hoạch vùng ĐBSCL có ý nghĩa rất quan trọng. Cả nước có 6 vùng kinh tế xã hội thì quy hoạch vùng ĐBSCL là quy hoạch vùng đầu tiên. Đây là vùng có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển, có động lực tăng trưởng lớn.

Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên cho vùng để khai thác tối đa tiềm năng phát triển. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tập trung cao cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL trong nhiệm kỳ này.

Thời gian qua, ĐBSCL, vùng ven biển thuộc hạ lưu sông Mekong, chiếm khoảng 20% dân số, 12% diện tích cả nước, đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội, đóng góp 15,4% GDP của cả nước. Nơi đây đã hình thành nhiều khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và du lịch tập trung, với quy mô ngày một lớn. ĐBSCL đã trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam.

Tuy nhiên, có thể nói chưa bao giờ ĐBSCL lại đứng trước nhiều thách thức như hiện nay, đó là các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đặc biệt là chính quá trình hoạch định và triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của vùng ĐBSCL còn nhiều bất cập. Điều đó đã và đang gây sức ép ngày càng lớn lên hệ thống hạ tầng, các đô thị và không gian sống của người dân trong vùng ĐBSCL, làm gia tăng nguy cơ thảm họa thiên nhiên trong hiện tại và tương lai.

Nhận thấy rõ những thách thức về biến đổi khí hậu, nước biển dâng và quá trình hoạch định triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của vùng ĐBSCL còn nhiều bất cập, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP năm 2017 về phát triển bền vững vùng ĐSBCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Quy hoạch vùng ĐBSCL đề cập đến nhiều lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, bao gồm vùng sản xuất, hạ tầng giao thông, hệ thống ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống xâm nhập mặn, hệ thống tưới tiêu… Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, địa phương thảo luận, đóng góp ý kiến hoàn thiện Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trước khi tổ chức Hội đồng thẩm định theo quy định.

2 tỉ USD, 3 trụ cột và 1 quy hoạch tạo động lực tăng trưởng mới

Nhiệm vụ tiên quyết được đặt ra là xây dựng quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo phương pháp tích hợp, đa ngành.

Phó Thủ tướng cho biết, ngoài khoản vay 2 tỷ USD, Chính phủ dự kiến cũng giao các cơ quan của Chính phủ huy động nguồn lực tăng thêm cho vùng ĐBSCL để thực hiện các công trình trọng điểm, liên vùng, có sức lan tỏa cao, đặc biệt là một số tuyến giao thông, để thực hiện được quy hoạch vùng ĐBSCL đã đề ra và nhằm mục tiêu tạo động lực tăng trưởng mới cho vùng.

Từ hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện quy hoạch để sớm trình phê duyệt, tạo cơ sở để triển khai các dự án trong vùng.

Ảnh tác giả

Phát triển theo nguyên lý thuận thiên có kiểm soát, coi tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi và lấy con người làm trung tâm, tận dụng những điều kiện tự nhiên phong phú để phát triển đa dạng nhưng hạn chế can thiệp thô bạo vào hệ thống tự nhiên.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành

Theo dự thảo Quy hoạch, phát triển vùng ĐBSCL dựa trên 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường, trong đó, môi trường và xã hội là nền tảng.

Phát triển kết cấu hạ tầng được coi là chiến lược quan trọng nhất của quy hoạch vùng để hướng tới những mục tiêu phát triển nói trên. Đặc biệt quan trọng là các hạ tầng giao thông, năng lượng, cấp nước sạch và kết cấu hạ tầng phục vụ việc chuyển đổi mô hình phát triển của vùng.

Theo dự thảo, giai đoạn 2021-2030 phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt mức trung bình cả nước khoảng 7%/năm. Đến năm 2030, tỉ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GDP khoảng 20%; công nghiệp, xây dựng đạt khoảng 32%; dịch vụ là 46%. Kinh tế nông nghiệp tập trung phát triển theo hướng kinh tế sinh học toàn diện với ba trọng tâm: Thủy sản - cây ăn quả - lúa.

Đa dạng sinh kế là ‘chìa khóa’ thích ứng

Một trong những phương án để ĐBSCL có thể thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn đó là cần tính đến đa dạng sinh kế. Đối với nông dân và cộng đồng có sinh kế phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên nơi đây, đa dạng sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ là chìa khóa để tồn tại.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), từ năm 2016, thông qua Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL, WB đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đưa ra nhiều quyết sách vĩ mô quan trọng đồng thời có những chương trình cụ thể, giúp hơn 1 triệu nông dân địa phương chuyển đổi sang những hình thức sản xuất thích ứng với khí hậu và sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả.

Cây chết vì khô hạn tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Ảnh: WB, TonyNg/Shutterstock
Cây chết vì khô hạn tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Ảnh: WB, TonyNg/Shutterstock

Dự án của WB đưa ra khuyến cáo, cần tận dụng mạng lưới các nhà khoa học rộng khắp cùng với nông dân phát triển các mô hình sản xuất giúp giải quyết những thách thức về sinh thái nông nghiệp và kinh tế xã hội đặc thù từng vùng, đồng thời nhân rộng các mô hình này.

Bên cạnh đó, giúp nông dân chuyển sang các loại cây trồng hoặc giống vật nuôi khác trong mùa lũ, vừa giảm sự phụ thuộc vào trồng lúa, vừa tạo thu nhập cao hơn.

Tại khu vực Bán đảo Cà Mau, nông dân được khuyến khích thử nghiệm các mô hình sinh kế dựa vào những gì tự nhiên vốn có để khai thác giá trị, để cân bằng giữa giữa duy trì sinh kế và bảo vệ môi trường.

Hiện bán đảo đã bị xói lở bờ biển nghiêm trọng và sụt lún đất do trong nhiều năm nông dân phá rừng ngập mặn để nuôi tôm, khai thác quá mức nước ngầm và gây ô nhiễm nước mặt.

Để nông dân duy trì những thực hành tốt này ngay cả khi dự án kết thúc, WB cũng đầu tư thiết lập cơ sở hạ tầng tạo nền tảng cho quá trình nhân rộng một cách bền vững, đồng thời tăng cường hợp tác, điều phối vùng để quản lý nguồn tài nguyên nước và đất.

Phần lớn số vốn trong tổng mức đầu tư 387 triệu USD của dự án được sử dụng để xây mới và nâng cấp các công trình thủy lợi và hạ tầng kỹ thuật đã xuống cấp. Ở vùng thượng nguồn, dự án đã cải tạo 61 km bờ bao và xây dựng 15 cống qua đê để nâng cao hiệu quả quản lý lũ, đặc biệt là thu lợi từ lũ.

Tin liên quan

Đọc tiếp