ĐBSCL: Tạo liên kết chuỗi giá trị, hình thành các vùng sản xuất lớn

NÔNG NGHIỆP Việt nAM
16:05 - 27/10/2021
Canh tác nông nghiệp tại ĐBSCL.
Canh tác nông nghiệp tại ĐBSCL.
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 26/10, các nhà hoạch định chính sách ngành nông nghiệp đã ngồi lại với lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL để tổng kết kinh nghiệm và bàn về hướng phát triển tới đây của vùng kinh tế nông nghiệp đặc biệt quan trọng này. 

Ngày 26/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Hội nghị nhằm tổng kết các nhiệm vụ của ngành nông nghiệp trong thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 20/10/2003 của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 28-KL/TW ngày 14/8/2012 của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL thời kỳ 2011 - 2020.

Định hướng phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL theo Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị, là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm nhanh tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ cả trong GDP và cơ cấu lao động.

Mục tiêu phát triển trong tương lai của ĐBSCL

Mục tiêu đề ra của vùng ĐBSCL đến năm 2030 là tốc độ tăng GDP nông nghiệp đạt trên 3%/năm, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng ít nhất 2 lần so năm 2018. Đến năm 2045, tốc độ tăng GDP nông nghiệp duy trì trên 3%/năm, thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn tăng ít nhất 2,5 lần so năm 2030.

Theo Bộ NN&PTNT, để đạt được mục tiêu đó, thời gian tới, vùng ĐBSCL được định hướng phát triển nông nghiệp theo 3 vùng: vùng thượng đồng bằng, vùng giữa và vùng ven biển, trên cơ sở có xem xét đến các hệ sinh thái nông nghiệp trong từng tiểu vùng.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố ĐBSCL cũng trình bày các kiến nghị về xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, các đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn của vùng.

Đặc biệt, các đại biểu đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất về cơ chế, chính sách và các chương trình, dự án cụ thể cần triển khai cho phát triển nông nghiệp và nông thôn tại địa phương và trong không gian liên kết vùng…

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, Bộ NN&PTNT sẽ tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương và các địa phương chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Nam nhấn mạnh, đồng thời phải thực hiện tốt việc liên kết theo chuỗi giá trị để hình thành các vùng sản xuất lớn, xây dựng hạ tầng logistics, quan tâm phát triển các ngành nghề dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp…

Nghị quyết 21 đã thúc đẩy những thành tựu nổi bật cho ĐBSCL

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, quán triệt Nghị quyết 21, nông nghiệp vùng ĐBSCL đã phát triển vượt bậc và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong giai đoạn 2004 - 2020, nông nghiệp ĐBSCL đóng góp trung bình 33,54% GDP nông nghiệp cả nước và 30% GDP chung của vùng.

Tốc độ tăng trưởng bình quân GDP nông nghiệp ĐBSCL giai đoạn 2004 - 2020 đạt 4,6% cao hơn tốc độ tăng trưởng của cả nước (3,76%). Năm 2020, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của vùng chiếm 45,08% cả nước với tốc độ tăng bình quân 4,17%/năm ở cả 3 lĩnh vực.

ĐBSCL luôn đứng đầu cả nước về sản lượng gạo, tôm nước lợ, cá tra và trái cây, với 24,51 triệu tấn gạo (chiếm 56% tổng sản lượng của cả nước), 671,7 nghìn tấn tôm (83,51%), 1,41 triệu tấn cá tra (98%) và 4,3 triệu tấn trái cây (60%).

Đồng thời phải thực hiện tốt việc liên kết theo chuỗi giá trị để hình thành các vùng sản xuất lớn, xây dựng hạ tầng logistics, quan tâm phát triển các ngành nghề dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Trần Thành Nam

Bên cạnh đó, đối với chương trình nông thôn mới, đến hết năm 2020, vùng ĐBSCL đã có 60,8% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) (tăng 45,9% so với năm 2015). Trong đó 2 địa phương đã có 100% xã đạt chuẩn, 31 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Vùng ĐBSCL có 13/13 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Đề án/Kế hoạch triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp tỉnh, 100% các tỉnh đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Tính đến tháng 8/2021, vùng ĐBSCL đã có 796 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên, đứng thứ 3 cả nước…

Mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng công tác quản lý, phân bổ, khai thác, sử dụng nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Vùng ĐBSCL đang dần mất đi những lợi thế phát triển, quá trình phát triển đang chậm lại so với nhiều vùng khác.

Trong bối cảnh ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển như biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn..., hàng loạt hội nghị về phát triển kinh tế vùng ĐBSCL đã được các cơ quan Chính phủ, các tổ chức quốc tế phối hợp tổ chức trong suốt những năm vừa qua nhằm hoạch định một lộ trình vững chắc hơn cho vùng kinh tế quan trọng này.

Thứ trưởng Bộ NN PT&NT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng Bộ NN PT&NT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự và sự phối hợp hiệu quả, nhịp nhàng của 13 tỉnh ĐBSCL trong việc thực hiện chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ của ngành NN&PTNT theo yêu cầu đề ra của Nghị quyết 21-NQ/TW, đồng thời đặt ra những mục tiêu cần phải phấn đấu thực hiện trong thời gian tới để đảm bảo sự phát triển bền vững của một trong những vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm nhất của đất nước.

Tin liên quan

Đọc tiếp