Toàn cầu đối mặt 'cơn bão hậu cần' vì Trung Quốc phong tỏa chống dịch

COVID-19 TRUNG QUỐC
14:26 - 14/04/2022
0:00 / 0:00
0:00
Trong vài tuần gần đây, Trung Quốc đã phong tỏa hơn 20 thành phố, chiếm khoảng 40% GDP đất nước. Giới quan sát cảnh báo điều này có thể tạo ra "cơn bão hậu cần" như hồi năm 2020 và 2021 đối với cả thế giới.

CNBC dẫn lời ông Richard Martin, Giám đốc điều hành tại IMA Asia, cho biết các chuyến hàng quốc tế đang bị mắc kẹt ở Trung Quốc do những lệnh phong tỏa mới. Điều này có thể trở thành "vấn đề lớn" đối với nền kinh tế toàn cầu.

"Nhiều sản phẩm mà chúng ta sử dụng trên khắp thế giới được sản xuất, hoặc có thành phần từ Trung Quốc. Chúng ta sắp lại chứng kiến cơn bão hậu cần có thể cuốn đi mọi thứ như vào năm 2020 và 2021. Trung Quốc chiếm 20% nhu cầu toàn cầu, nhưng vai trò của họ trong chuỗi cung ứng còn lớn hơn thế nhiều", ông Martin cảnh báo.

Một cảnh sát giao thông chuẩn bị kiểm tra một chiếc xe tải tại trạm dịch vụ của đường cao tốc vành đai Thượng Hải ngày 11/4. Thượng Hải là một trong những thành phố ảnh hưởng nặng nhất trong đợt bùng phát dịch của Trung Quốc trong năm nay. Ảnh: CNBC
Một cảnh sát giao thông chuẩn bị kiểm tra một chiếc xe tải tại trạm dịch vụ của đường cao tốc vành đai Thượng Hải ngày 11/4. Thượng Hải là một trong những thành phố ảnh hưởng nặng nhất trong đợt bùng phát dịch của Trung Quốc trong năm nay. Ảnh: CNBC

Kể từ những tháng đầu của đại dịch, nền kinh tế toàn cầu đã phải vật lộn với những thách thức trong chuỗi cung ứng. Nguyên nhân bao gồm nhiều yếu tố như dịch vụ hậu cần phải cố gắng theo kịp với khối lượng thương mại, sự gia tăng các ca mắc Covid-19 ở châu Á đe dọa làm gián đoạn dòng chảy của các mặt hàng.

Cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine vào cuối tháng 2 càng làm tình hình cung ứng trên thế giới trở nên tồi tệ.

"Triển vọng về kinh tế toàn cầu ngày càng mờ nhạt dần. Châu Âu đang đối mặt với xung đột tầm gần, Mỹ tiếp tục có kế hoạch nâng lãi suất dù sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Còn Trung Quốc thì đang tự làm giảm tốc tăng trưởng kinh tế", ông Martin phân tích.

Cuộc khủng hoảng cung ứng có nguy cơ "tái lại"

Trong vài tuần qua, Trung Quốc đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng nhất kể từ thời kỳ đầu của đại dịch vào năm 2020. Ông Rob Subbarama, nhà kinh tế trưởng nghiên cứu thị trường châu Á thuộc Nomura, nhận xét: "Kinh tế Trung Quốc hiện rất dễ tổn thương".

"Chúng tôi đã khảo sát và nhận thấy các khu vực bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ có thể chiếm tới 40% GDP Trung Quốc", ông đề cập đến cuộc khảo sát của Nomura về mức độ phong tỏa của nước này.

Không chỉ trung tâm Thượng Hải, rất nhiều khu vực sản xuất và cung ứng trên khắp Trung Quốc đều đang phong tỏa để chống dịch. Ảnh: AP

Không chỉ trung tâm Thượng Hải, rất nhiều khu vực sản xuất và cung ứng trên khắp Trung Quốc đều đang phong tỏa để chống dịch. Ảnh: AP

Thành phố Thượng Hải, nơi có cảng container lớn nhất thế giới, là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi chính quyền địa phương thực hiện biện pháp phong tỏa. Mặc dù cảng Thượng Hải được thông báo vẫn hoạt động nhưng dữ liệu trong ngành cho thấy tuần trước số lượng tàu chờ để lấy hoặc dỡ hàng đã tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại. Sau 2 tuần áp dụng các hạn chế đi lại, thành phố này chỉ vừa mới được nới lỏng.

Tỉnh Cát Lâm ở phía bắc Trung Quốc, nơi có nhiều nhà máy sản xuất ô tô, cũng bị ảnh hưởng trước các biện pháp phong tỏa, mặc dù số ca mắc mới có dấu hiệu giảm dần.

Việc phong tỏa thành phố và đóng cửa các nhà máy sản xuất để chống dịch có thể gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng trên các mặt hàng điện tử và ô tô. "Vấn đề mà Trung Quốc đối mặt đó là, không chỉ có Thượng Hải mà còn Quảng Châu, Cát Lâm và rất nhiều nhà máy sản xuất trên toàn quốc", ông Martin nhận định.

"Với mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng do đợt bùng phát dịch hiện nay ở Trung Quốc, chuỗi cung ứng điện tử và ô tô toàn cầu sẽ trải qua sự gián đoạn đáng kể khi các nhà cung cấp phải ngừng hoạt động trong vòng 7 - 10 ngày", bà Julie Gerdeman, CEO của công ty Everstream nói với CNN.

Trong khi đó, theo ông Subbarama, sự gián đoạn nguồn cung đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh chóng. "Chúng tôi dự đoán doanh số bán lẻ của Trung Quốc có thể sẽ giảm mạnh hơn trong tháng 3. Nền kinh tế nước này đang suy yếu và cần nhiều chính sách kích thích hơn nữa", ông cho biết.

Kể từ khi bắt đầu đại dịch, Trung Quốc đã áp dụng chiến lược Zero-Covid ngay khi phát hiện các ca mắc. Tuy nhiên, ngay cả khi phần còn lại của thế giới đều chuyển sang giai đoạn "sống chung với Covid", mở cửa biên giới và đi du lịch, thì đất nước này vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược chống dịch này.

Ông Martin nhận định, với những biện pháp mạnh tay hiện tại, Trung Quốc có thể đối phó với làn sóng Omicron mới. "Nhưng Bắc Kinh sẽ phải trả giá bằng suy thoái kinh tế", ông cảnh báo.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.