Trung Quốc duy trì chính sách 'xoá đói giảm nghèo' trong đại dịch Covid-19

COVID-19 TRUNG QUỐC
09:15 - 08/04/2022
Cư dân Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, xếp hàng để xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Reuters
Cư dân Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, xếp hàng để xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00

Các biện pháp phong toả chống dịch Covid-19 tại Trung Quốc trong đầu năm 2022 đang đặt ra những thách thức đối với công tác xoá đói giảm nghèo - vốn được coi là yếu tố quan trọng để đi đến mục tiêu 'thịnh vượng chung' của nước này

.

Các nhà chức trách ở các tỉnh phía đông bắc của Trung Quốc mới đây ban hành hướng dẫn để giúp người dân có thu nhập thấp (bao gồm nông dân và chủ doanh nghiệp nhỏ) - khỏi tái nghèo, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang bùng phát ở nước này khiến sinh kế của người dân ở các khu vực phong tỏa gặp rủi ro đáng kể.

Rủi ro “tái nghèo” vì sinh kế bấp bênh giữa mùa dịch

SCMP đưa tin, lãnh đạo tỉnh Liêu Ninh và tỉnh Cát Lâm, tâm chấn của làn sóng dịch do biến chủng Omicron tại Trung Quốc, hôm 6/4 tuyên bố sẽ hỗ trợ những người dân đang đứng trên bờ vực của nghèo đói.

Việc tăng cường kiểm soát dịch bệnh tại quốc gia tỷ dân đã hạn chế khả năng di chuyển của người dân, thắt chặt cung cầu của thị trường, ngừng các lĩnh vực dịch vụ và sản xuất; giảm thu nhập của doanh nghiệp nhỏ và có nguy cơ gây ra tình trạng trì hoãn việc cày cấy vụ xuân trên các cánh đồng ở vùng nông nghiệp phía đông bắc.

Vào tháng 2/2021, Trung Quốc đã công bố nước này đã đưa gần 800 triệu người thoát khỏi đói nghèo trong 4 thập kỷ qua. Thành tích này chiếm 75% sự tiến bộ của thế giới trong những năm qua. Chiến dịch xóa đói giảm nghèo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – từng được đánh giá là “chưa từng có trong lịch sử nhân loại” - cũng đang bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế “Zero Covid”.

Lệnh phong tỏa nhiều tỉnh thành khiến nông dân Trung Quốc không thể chăm sóc ruộng đồng, làm dấy lên lo ngại về vụ thu hoạch sắp tới. Ảnh: Xinhua

Lệnh phong tỏa nhiều tỉnh thành khiến nông dân Trung Quốc không thể chăm sóc ruộng đồng, làm dấy lên lo ngại về vụ thu hoạch sắp tới. Ảnh: Xinhua

Theo báo cáo hàng năm của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, các nhà lãnh đạo nước này đang tìm cách bảo vệ thành quả xóa đói giảm nghèo trước cơn bão Covid-19. Trong đó, lãnh đạo các địa phương tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp cho người nông dân, tạo điều kiện cho người lao động tìm được việc làm và học tập các kỹ năng mới, kích thích nhu cầu tuyển dụng để ngăn chặn tình trạng thất nghiệp và đưa ra các gói hỗ trợ tài chính trực tiếp.

“Đây là một trách nhiệm lớn lao để đảm bảo rằng các hộ gia đình nghèo khó trước đây không tái nghèo do đại dịch. Sự phức tạp và khó khăn của công tác phòng chống đại dịch ở tỉnh chúng tôi đã ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nông nghiệp, di cư lao động và khâu bán sản phẩm địa phương”, tờ Liaoning Daily trích dẫn tuyên bố của Cơ quan Phục hồi Nông thôn tỉnh Liêu Ninh.

Chính quyền tỉnh Cát Lâm cho biết, họ sẽ cung cấp các khoản vay nhỏ, khoản trợ cấp phương tiện đi lại cho công nhân nhập cư lên tới 1.600 NDT (250 USD) và trợ cấp cho các công ty địa phương thuê lao động có thu nhập thấp. Ngoài ra, tỉnh này cũng lên phương án hợp lý hóa quy trình tiêu thụ sản phẩm của nông dân địa phương.

Các nhà chức trách thành phố Trường Xuân, thủ phủ của tỉnh Cát Lâm, cũng cho biết 45.000 hộ gia đình thu nhập thấp và khoảng 9.000 cư dân nghèo tại đây sẽ được hỗ trợ 200 NDT (31,50 USD), bên cạnh các gói hỗ trợ gồm thực phẩm và một số vật tư y tế.

Cát Lâm đang là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong làn sóng Omicron hiện nay, với số lượng các ca mắc mới tăng vọt trong gần một tháng qua. Tỉnh này đã báo cáo hơn 60.000 ca mắc kể từ giữa tháng 3, chiếm hơn 1/3 tổng số ca mắc mới của cả nước.

Các lệnh phòng toả Covid-19 tại Trung Quốc không chỉ gây ra tình trạng gián đoạn sản xuất, ách tắc trong khâu vận chuyển và cung ứng, mà ngay cả các hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của nước này cũng sụt giảm mạnh nhất trong cùng kỳ hai năm qua. Theo Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Caixin được công bố hôm 6/4, các lĩnh vực dịch vụ có sự tiếp xúc và tương tác nhiều người như vận tải, khách sạn và ăn uống chịu tổn thất lớn nhất.

Giữ vững mục tiêu “thịnh vượng chung”

Trong bối cảnh bất ổn gia tăng cả trong nước và quốc tế, chính quyền Bắc Kinh đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ cao về tái nghèo và cam kết đưa ra các biện pháp ngăn chặn.

Người dân Trung Quốc nhận hàng hoá qua những rào chắn hạn chế tiếp xúc. Ảnh: SCMP

Người dân Trung Quốc nhận hàng hoá qua những rào chắn hạn chế tiếp xúc. Ảnh: SCMP

Tuy nhiên, nhà kinh tế Zhuang Bo tại công ty đầu tư Loomis, Sayles & Company nhận định rằng, chỉ riêng đại dịch thì không có khả năng làm lùi tiến độ xóa đói giảm nghèo mà Trung Quốc đã đạt được trong vài thập kỷ qua, vì nước này sẽ tiếp tục ưu tiên “thịnh vượng chung”.

Xóa đói giảm nghèo là được coi mục tiêu dài hạn của Trung Quốc kể từ năm 1949. Quốc gia này đã đầu tư gần 1.600 tỷ NDT (251,6 triệu USD) cho công cuộc xóa đói giảm nghèo kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình bắt đầu nhiệm kỳ vào cuối năm 2012, theo Tân Hoa xã.

Trong năm ngoái, Bắc Kinh tuyên bố chiến thắng trong nhiệm vụ xóa bỏ đói nghèo cùng cực và chuyển sang giải quyết bất bình đẳng xã hội và kinh tế, với mục tiêu đạt được sự “thịnh vượng chung” vào năm 2050.

Theo Bloomberg, trong ngày 6/4, Trung Quốc ghi nhận 20.472 ca mắc Covid-19 trong ngày, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này cách đây hơn 2 năm.

Số ca mắc Covid-19 liên tục lập kỷ lục ở Trung Quốc một phần là do số ca mắc tăng vọt ở Thượng Hải. Thành phố này đã ghi nhận 311 ca có triệu chứng (tăng từ 268 ca một ngày trước đó) và 16.766 ca không triệu chứng (tăng từ 13.086 ca một ngày trước đó).

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết tỉnh Cát Lâm cũng báo cáo nhiều ca mắc: 973 ca có triệu chứng và 1.798 ca không triệu chứng. Cả Thượng Hải và Cát Lâm đều đang bị phong tỏa nghiêm ngặt.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.