Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn loại Nga khỏi G20

G20 NGA
10:08 - 25/03/2022
Tổng thống Mỹ Joe Biden trả lời họp báo sau hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels, Bỉ hôm 24/3. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Joe Biden trả lời họp báo sau hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels, Bỉ hôm 24/3. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 24/3 tuyên bố, Nga nên bị loại khỏi Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và chủ đề này đã được ông nêu ra trong cuộc họp với lãnh đạo các nước đồng minh châu Âu tại Brussels, Bỉ.

"Câu trả lời của tôi là có, nhưng điều đó còn phụ thuộc vào G20", Tổng thống Biden phát biểu với báo giới khi được hỏi liệu Nga có nên bị loại khỏi nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới hay không.

Ông Biden cũng cho biết, nếu như Indonesia, quốc gia đăng cai tổ chức Hội nghị G20 năm nay, hoặc các quốc gia thành viên khác không đồng ý loại bỏ Nga, thì Ukraine nên được phép tham dự các hội nghị của nhóm với vai trò quan sát viên.

Hội nghị G20 tại Jakarta, Indonesia, ngày 18/2/2022. Ảnh: Reuters
Hội nghị G20 tại Jakarta, Indonesia, ngày 18/2/2022. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Indonesia hôm 24/3 nhấn mạnh quan điểm, với vai trò Chủ tịch luân phiên, Indonesia sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 một cách trung lập và khách quan.

Theo Reuters, nước chủ nhà khẳng định Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2022 được tổ chức nhằm tập trung vào ưu tiên phục hồi kinh tế toàn cầu. Nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, vẫn đang gặp khó khăn về kinh tế và khó đạt được các mục tiêu như mong đợi.

Thái độ trung lập của Indonesia được đưa ra sau khi bà Lyudmila Vobieva, Đại sứ Nga tại Indonesia xác nhận, Tổng thống Nga Vladimir Putin dự định sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này theo lời mời của Indonesia, nếu tình hình trở nên tốt hơn, bao gồm cả dịch Covid-19.

Trả lời báo giới về khả năng Mỹ và các đồng minh trục xuất Nga khỏi G20, nữ đại sứ Nga nói rằng diễn đàn này là để thảo luận về các vấn đề kinh tế, không phải là một cuộc khủng hoảng như Ukraine. "Tất nhiên việc trục xuất Nga khỏi loại diễn đàn này sẽ không giúp những vấn đề kinh tế này được giải quyết. Ngược lại, nếu không có Nga thì rất khó làm được điều đó”, bà nhấn mạnh.

Trung Quốc hôm 24/3 cho rằng, Nga là “thành viên quan trọng của G20”. “Không thành viên nào của G20 có quyền loại bỏ quốc gia thành viên khác. G20 nên thực hiện chủ nghĩa đa phương thực sự, tăng cường đoàn kết và hợp tác”, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin nói trong cuộc họp báo.

G20 là một diễn đàn liên chính phủ thành lập năm 1999 có sự tham gia của 19 quốc gia và Liên minh châu Âu với mục đích thảo luận, trao đổi về các vấn đề có ảnh hưởng lớn đối với thế giới.

Indonesia nắm giữ vai trò Chủ tịch G20 vào tháng 12/2021 và sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 11/2022. Trên cương vị Chủ tịch G20, Indonesia sẽ tập trung vào 3 ưu tiên chiến lược là: sức khỏe toàn cầu, chuyển đổi kinh tế kỹ thuật số và chuyển đổi năng lượng bền vững.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.