Tổng thống Putin điện đàm với lãnh đạo Nam Phi về thượng đỉnh BRICS

NGA BRICS
08:42 - 16/07/2023
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Nam Phi Cyril Ramaphosa, năm 2019. Ảnh: Getty Images
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Nam Phi Cyril Ramaphosa, năm 2019. Ảnh: Getty Images
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 15/7 có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nam Phi Cyril Ramaphosa về các vấn đề song phương và quốc tế, bao gồm thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, sáng kiến hòa bình tại và Ukraine và Hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 8. 

TASS đưa tin, Điện Kremlin cho biết cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo được tổ chức theo đề nghị từ phía Nam Phi.

Tại cuộc điện đàm, Tổng thống Putin và Tổng thống Ramaphosa thảo luận về thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen - do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian - sẽ hết hạn vào ngày 17/7. Ông Putin cho rằng vẫn còn tồn tại những trở ngại đối với việc xuất khẩu thực phẩm và phân bón khoáng sản của Nga theo thỏa thuận này.

Hồi đầu tuần này, ông Putin nói với các phóng viên rằng Moscow có thể đình chỉ việc tham gia thỏa thuận cho đến khi việc xuất khẩu nông sản của nước này không bị cản trở.

Hai lãnh đạo đã nhất trí thảo luận thêm về sáng kiến ​​hòa bình châu Phi cho cuộc xung đột ở Ukraine, bao gồm cả tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi dự kiến ​​vào cuối tháng 7 ở St. Petersburg.

Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nam Phi cũng thông báo cho ông Putin về công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh BRICS dự kiến ​​ở Johannesburg từ ngày 22-24/8, nhưng không đưa ra chi tiết về nội dung trao đổi của hai lãnh đạo.

Nam Phi đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan kể từ khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) hồi tháng 3 ban hành trát bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ủy viên Tổng thống về Quyền Trẻ em tại Nga Lvova-Belova, với cáo buộc có liên quan đến việc "trục xuất bất hợp pháp" trẻ em Ukraine từ các khu vực của Ukraine sang Nga.

Theo Quy chế Rome, 123 thành viên của ICC, bao gồm Nam Phi, cần bắt giữ Tổng thống Nga và giao nộp ông đến Den Haag để xét xử nếu ông đặt chân lên lãnh thổ của các nước này. Nam Phi đã ký kết Quy chế Rome vào năm 2002 nên có nghĩa vụ thi hành các lệnh bắt giữ của ICC dưới tư cách một thành viên.

Tuy nhiên, Nga kịch liệt phản đối quyết định của ICC đối với nhà lãnh đạo Putin. Moscow tuyên bố không là thành viên của ICC và không công nhận quyền thực thi pháp lý của tòa án này, cũng như coi tất cả các tuyên bố chính thức của cơ quan trên là không có giá trị và không có hiệu lực về mặt pháp lý.

Bộ Ngoại giao Nam Phi hồi cuối tháng 5 thông báo đã cấp quyền miễn trừ ngoại giao cho tất cả lãnh đạo tham dự thượng đỉnh BRICS vào tháng 8. Động thái này đồng nghĩa rằng Tổng thống Nga Putin có thể tới Johannesburg mà không lo ngại bị bắt giữ.

Tuy nhiên, Điện Kremlin tuần này cho biết ông Putin vẫn chưa quyết định việc tham dự BRICS theo cách thức nào.

Trong khi đó, Phó tổng thống Nam Phi Paul Mashatile hôm 14/7 cho biết: "Chúng tôi hiểu rằng chúng tôi bị ràng buộc bởi Quy chế Rome về ICC, nhưng chúng tôi không thể mời ai đó và sau đó lại bắt giữ họ". Ông cho biết các cuộc thảo luận giữa Nga và Nam Phi về vấn đề này vẫn đang diễn ra.

Đọc tiếp