Tổng thư ký VBMA: Tâm lý nhà đầu tư trái phiếu vẫn đang rất yếu

TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP
18:43 - 17/03/2023
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Về phía cung, nhu cầu của các tổ chức phát hành vẫn có nhưng năng lực và chất lượng hạn chế. Trong khi đó ở phía cầu, tâm lý nhà đầu tư vẫn đang rất yếu sau các diễn biến thị trường thời gian vừa qua.

Nhận định trên được ông Đỗ Ngọc Quỳnh – Tổng thư ký Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) đưa ra tại Toạ đàm"Giải pháp khơi thông thị trường vốn" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 17/3.

Đánh giá về Nghị định 08 sửa đổi, bổ sung một số quy định về phát hành trái phiếu vừa được ban hành, ông Quỳnh cho biết có 5 điểm mới cơ bản, chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là giúp các doanh nghiệp tái cơ cấu các khoản nợ, thể hiện qua 2 khía cạnh.

Một là cho phép doanh nghiệp hoán đổi thanh toán sang tài sản khác (bất động sản, cổ phiếu, nghĩa vụ khác…) Thực tiễn thị trường ngay trước khi ra Nghị định 08, các doanh nghiệp đã thực hiện hình thức này theo Luật Dân sự, tuy nhiên Nghị định 08 ra đời chính thức tạo khung pháp lý cho họ. Hai là cho phép doanh nghiệp đàm phán, kéo dài kỳ hạn trả nợ trái phiếu, tối đa không quá 2 năm, nếu được nhà đầu tư chấp nhận.

Còn nhóm sửa đổi còn lại chủ yếu là kéo dài thời gian thực hiện các quy định tại Nghị định 65. Đó là hoãn thực hiện các tiêu chuẩn nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, hoãn bắt buộc xếp hạng tín nhiệm, hoãn thực hiện rút ngắn thời gian phát hành trái phiếu từ 90 ngày xuống 30 ngày. Các quy định này chỉ là tạm hoãn thực hiện, còn tinh thần chung là vẫn kiên định phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, bền vững.

“Theo tôi, với 2 nhóm chính sách như vậy thì trước mắt chỉ hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc nợ và giúp doanh nghiệp nâng tầm mình lên để đáp ứng các yêu cầu chính sách mới, chuyên nghiệp hơn, minh bạch hơn, chứ không phải tạo cơ chế khác biệt hơn để doanh nghiệp dễ dàng phát hành trái phiếu”, ông Quỳnh nêu ý kiến.

Còn việc phát hành trái phiếu mới trong thời gian tới, ông Quỳnh cho rằng vẫn khó khăn, do tâm lý nhà đầu tư trên thị trường đang rất yếu, Nguyên nhân thực trạng này là bởi nhiều lý do, từ các vấn đề bất khả kháng khách quan của bối cảnh quốc tế và trong nước đến các vi phạm pháp lý của một bộ phận doanh nghiệp.

Các tổ chức phát hành, nhu cầu có nhưng năng lực và chất lượng phát hành hạn chế. Để hướng tới phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân như thời gian vừa qua thì tôi nghĩ rằng sẽ tiếp tục giai đoạn khó khăn, đòi hỏi doanh nghiệp phải có thời gian để thích nghi, nâng tầm mình lên. Đầu cung và đầu cầu phải gặp nhau. Muốn vậy, đầu cung phải minh bạch, chuyên nghiệp hơn. Còn đầu cầu phải lấy lại niềm tin và sẵn sàng tham gia đầu tư.Ông Đỗ Ngọc Quỳnh

Để "khơi thông" thị trường trái phiếu, ông Quỳnh cho rằng định hướng chính sách là hướng tới sự minh bạch, nhưng phải đảm bảo tính thị trường. Tức là bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có quyền phát hành trái phiếu nhưng phải có thông tin rõ ràng, cho nhà đầu tư lựa chọn.

Theo Tổng thư ký VBMA, thanh khoản thị trường đến từ niềm tin, niềm tin đến từ sự minh bạch của tất cả các thành phần tham gia thị trường. Sự minh bạch đến từ sự chủ động của tổ chức phát hành, từ nền tảng thị trường trên yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước (xếp hạng tín nhiệm, kiểm toán).

Khi có thông tin minh bạch thì yếu tố quan trọng tiếp theo là sự hiểu biết, kiến thức của các chủ thể tham gia thị trường. Nhiều tổ chức phát hành đầy đủ thông tin nhưng nhà đầu tư không hiểu, vì vậy việc giáo dục, nâng cao hiểu biết cho nhà đầu tư là rất quan trọng.

Tiếp theo là thể chế và hệ thống giám sát, phải đảm bảo tất cả các thành phần tham gia thị trường được công bằng. Và cuối cùng, theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, quan trọng nhất là hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Chất lượng của tổ chức phát hành có tốt thì thị trường bền vững.

Chia sẻ thêm quan điểm xếp hạng tín nhiệm, Tổng thư ký VBMA cho biết, ngay trong quá trình tham gia Nghị định 08 ông đã cho rằng không nên hoãn quy định này, vì thời gian vừa qua, vấn đề nổi cộm là nhà đầu tư mất niềm tin vì thiếu tính minh bạch. Trong khi đó, xếp hạng tín nhiệm sẽ góp phần giải quyết vấn đề niềm tin.

Theo ông Quỳnh, phát hành trái phiếu có 2 phương thức cơ bản, công chúng và riêng lẻ. Trong riêng lẻ lại chia thành 2 phương thức, một là bán cho tổ chức chuyên nghiệp và hai là bán cho cá nhân chuyên nghiệp. Nếu nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp thì mới đòi hỏi xếp hạng tín nhiệm, vì các tổ chức thường đã có kinh nghiệm và chuyên môn.

“Nghị định 65 cũng như tinh thần Nghị định 08 đều không có quy định yêu cầu doanh nghiệp phải tốt hơn, mà chủ yếu là minh bạch hơn. Tức là doanh nghiệp không bắt buộc phải xếp hạng A, hạng B; tất cả đều được quyền phát hành nhưng phải công bố thông tin rõ ràng, có xếp hạng tín nhiệm, xác lập kiểm toán…”, ông Quỳnh cho biết.

"Minh bạch, thị trường, chuyên nghiệp"

TS Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV lưu ý 2 vấn đề cần cân nhắc về trái phiếu doanh nghiệp, là tài sản đảm bảo và xếp hạng tín nhiệm. Theo ông, nếu yêu cầu phải có tài sản đảm bảm như vay tín dụng thì rất khó cho doanh nghiệp, vì vậy phải phân nhóm trái phiếu. Trái phiếu chất lượng cao và trái phiếu rủi ro cao, tùy thuộc vào khẩu vị của nhà đầu tư.

Xếp hạng tín nhiệm cũng phải phân nhóm. Tổ chức tín dụng phát hành chủ yếu để tăng vốn cấp 2, tuân thủ những điều kiện khắt khe của Ngân hàng Nhà nước, vậy tại sao phải xếp hạng tín nhiệm? “Chúng ta phải tìm điểm tốt để thị trường phát triển, tránh hành chính hóa”, ông Lực nói.

Vị chuyên gia cho biết, cấu trúc vốn của nền kinh tế năm 2021 là kênh tín dụng khoảng 47%, cổ phiếu 3,2%, trái phiếu doanh nghiệp 21,5%, đầu tư công 13,5%, giải ngân FDI 14,8%. Tuy nhiên, cấu trúc này bị thay đổi mạnh trong năm 2022, khi tín dụng chiếm 50,4%, cổ phiếu chỉ 1,4%, trái phiếu 12,8%, đầu tư công 17,4%, FDI 18,5%.

Thị trường vốn (cổ phiếu và trái phiếu) chỉ được 14,2% trong lượng vốn toàn kinh tế, đây là con số quá thấp bởi thông thường nguồn vốn này phải chiếm 25-30% mới phù hợp. Cấu trúc vốn đang lệch lạc, bất hợp lý, cho thấy thị trường vốn đang ách tắc.

Để phát triển thị trường vốn, vị chuyên gia đưa ra 6 chữ tâm đắc “minh bạch, thị trường, chuyên nghiệp”. Để đạt được các tiêu chí này, TS Cấn Văn Lực cho rằng nên phân ra 2 nhóm giải pháp: Trước mắt và lâu dài.

Trước mắt, ông cho rằng phải sớm giải quyết các vụ việc vi phạm, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư và các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng; giải quyết tốt trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm nay và năm tới, nặng nhất là trái phiếu bất động sản; thực hiện tốt Nghị định 08; khơi thông kênh phát hành ra công chúng…

Về lâu dài thì theo ông Lực, vấn đề quan trọng nhất là thể chế. Luật Chứng khoán, Luật tổ chứng tín dụng và các bộ luật liên quan đều phải xem xét sửa đổi đồng bộ. Bên cạnh đó là thông tin dữ liệu; quan tâm quản lý rủi ro hệ thống giữa chứng khoán, ngân hàng và bất động sản; cơ chế xử lý khủng hoảng; nâng cao năng lực của cơ quan quản lý thị trường; nâng hạng thị trường…

Tin liên quan

Đọc tiếp