Trung Quốc chuẩn bị phóng tàu Thần Châu 16 vào không gian

Không gian TRUNG QUỐC
14:47 - 29/05/2023
3 thành viên phi hành đoàn Thần Châu 16 (từ trái qua bao gồm Gu Haichao, Jing Haipeng, Zhu Yangzhu). Ảnh: China Daily
3 thành viên phi hành đoàn Thần Châu 16 (từ trái qua bao gồm Gu Haichao, Jing Haipeng, Zhu Yangzhu). Ảnh: China Daily
0:00 / 0:00
0:00
Theo Cơ quan vũ trụ Trung Quốc, tàu vũ trụ Thần Châu 16 sẽ được quốc gia này phóng vào sáng ngày 30/5 để chở 3 phi hành gia tới trạm Thiên Cung, đánh dấu chuyến bay đầu tiên của thế hệ phi hành gia thứ 3 của Trung Quốc.

Theo China Daily trích dẫn ông Lin Xiqiang, phó giám đốc Cơ quan vũ trụ phụ trách các tàu có người lái của Trung Quốc, các thành viên phi hành đoàn tham gia bao gồm chỉ huy sứ mệnh, Thiếu tướng Jing Haipeng, Đại tá Zhu Yangzhu và Giáo sư Gui Haichao.

Trong một cuộc họp báo sáng 29/5 tại Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở tây bắc Trung Quốc, ông Lin cho biết phi hành đoàn tàu vũ trụ Thần Châu 16 sẽ được đẩy lên bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 2F vào lúc 9h31 sáng 30/5 theo giờ địa phương. Để chuẩn bị cho quá trình này, tên lửa Trường Chinh 2F sẽ bắt đầu được nạp nhiên liệu đẩy tại tháp dịch vụ từ sáng 29/5.

Sau khi tàu Thần Châu 16 thành công tiến vào quỹ đạo, ông Lin cho biết phi hành đoàn sẽ tiếp quản trạm vũ trụ Thiên Cung từ các đồng nghiệp thuộc sứ mệnh Thần Châu 15 bao gồm bao gồm chỉ huy sứ mệnh - Thiếu tướng Fei Junlong, Thượng tá Deng Qingming và Thượng tá Zhang Lu.

Phi hành đoàn Thần Châu 16 sẽ ở bên trong trạm vũ trụ Thiên Cung trong khoảng 5 tháng và dự kiến sẽ quay trở lại Trái đất vào tháng 11. Theo ông Lin, các phi hành gia này sẽ thực hiện một số chuyến đi bộ ngoài không và lắp đặt thiết bị bên ngoài trạm vũ trụ cũng như các công tác bảo trì công trình khổng lồ này.

Ngoài các chuyến đi bộ ngoài không gian, nhiệm vụ chính của 3 phi hành gia còn bao gồm hỗ trợ trong quá trình cập bến và khởi hành của kính viễn vọng trong không gian và các tàu vũ trụ như tàu chở hàng, tiến hành các thí nghiệm khoa học, đồng thời tổ chức các bài giảng khoa học.

Tính đến thời điểm hiện tại, tất cả các phi hành gia Trung Quốc đã từng thực hiện các chuyến bay vũ trụ đều là thành viên của Quân đội Giải phóng Nhân dân. Họ là 2 thế hệ phi hành gia đầu tiên được tuyển chọn từ những phi công giàu kinh nghiệm của lực lượng không quân.

Tới thế hệ phi hành gia thứ 3, lĩnh vực tuyển dụng được mở rộng sang các ngành nghề bao gồm nghiên cứu và kỹ sư. Có 17 nam và một nữ thuộc thế hệ này, bao gồm 7 phi công tàu vũ trụ, 7 kỹ sư hàng không vũ trụ và 4 người cuối cùng là chuyên gia về trọng tải khoa học.

Hai thành viên của phi hành đoàn Thần Châu 16 bao gồm ông Zhu - kỹ sư hàng không vũ trụ và ông Gui - chuyên gia về trọng tải khoa học của sứ mệnh, là những phi hành gia thế hệ thứ 3 đầu tiên của Trung Quốc tham gia vào các chuyến bay vũ trụ. Trong khi đó, cả 3 thành viên phi hành đoàn Thần Châu 16 đều có bằng tiến sĩ.

Là chỉ huy của sứ mệnh, ông Jing Haipeng, 56 tuổi, là thành viên sáng lập Đội Phi hành gia của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Ông từng nhận được nhiều giải thưởng, trong đó bao gồm danh hiệu danh dự "Phi hành gia anh hùng" trao bởi Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Hội đồng Nhà nước và Quân ủy Trung ương cũng như nhiều huân chương khác. Ông Jing hiện đang là phi hành gia dày dặn kinh nghiệm nhất của quốc gia này.

Trong khi đó, ông Zhu Yangzhu, 36 tuổi, là thành viên mới của Đội Phi hành gia của Quân đội Giải phóng Nhân dân. Ông đóng vai trò kỹ sư tàu vũ trụ trong sứ mệnh Thần Châu 16.

Thành viên cuối cùng là ông Gui Haichao, 36 tuổi, là công dân đầu tiên tại Trung Quốc tham gia một chuyến bay vào vũ trụ. Ông Gui hiện là giáo sư kiêm giám sát viên tiến sĩ tại Đại học Bắc Hàng, hay Đại học Hàng không và Vũ trụ Bắc Kinh.

Đọc tiếp