Trung Quốc dừng nhập khẩu, tiêu thụ thanh long rơi vào cảnh 'nước sôi lửa bỏng'

Thanh long Việt nAM
22:56 - 31/12/2021
Cả nước có đến 300.000 tấn thanh long chưa thể tiêu thụ
Cả nước có đến 300.000 tấn thanh long chưa thể tiêu thụ
0:00 / 0:00
0:00
Ngay khi phía Trung Quốc thông báo dừng nhập khẩu sản phẩm thanh long từ Việt Nam trong vòng 4 tuần, cả nước đang còn tới khoảng 300.000 tấn thanh long chưa thể tiêu thụ. 

Đây là vấn đề được nêu ra tại diễn đàn “Kết nối sản xuất - chế biến nông sản và thúc đẩy tiêu thụ thị trường nội địa”, ngày 31/12. “Tình hình hiện tại đối với tiêu thụ sản phẩm thanh long của Long An đang là thời điểm nước sôi lửa bỏng”, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, nhận định.

Theo bà Khanh, người dân trồng thanh long tại Long An rất trông mong vào thời điểm trái vụ như hiện nay vì quả thanh long có giá cao nhất. Trước khi có thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long, hầu hết các thương lái cam kết mua thanh long của người dân với giá 22.000/kg, đủ để người dân thu về lợi nhuận cho chi phí sản xuất cả năm.

Nhưng ngay khi có thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long trong vòng 4 tuần, đến hết ngày 26/1/2022, đồng loạt các kho thanh long trên địa bàn tỉnh Long An đã tạm dừng thu nhận hàng. Do đó, ngày 27 - 28/12 vừa qua, các thương lái đã biểu tình, yêu cầu các kho phải bồi thường cho lượng thanh long đã được thu mua từ phía người dân.

Ảnh tác giả

“Hiện nay địa phương có khoảng 10.000 ha diện tích trồng thanh long với sản lượng khoảng 20.000 tấn. Đó là áp lực rất lớn đối với tỉnh. Qua rà soát, Long An hiện có 117 kho thanh long trên địa bàn tỉnh, trong đó có 100 kho đông lạnh với tổng công suất khoảng 5.400 tấn. Tuy nhiên lượng tồn hiện nay đã gần 3.000 tấn, chỉ còn sức chứa 2.400 tấn. Trong khi đó, hiện nay còn tồn khoảng 200 xe thanh long của Long An trên cửa khẩu phía bắc”.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An

Theo đó, bà Đinh Thị Phương Khanh đưa ra những kiến nghị để gỡ khó cho thanh long Long An trong thời gian tới bằng việc đề nghị Chính phủ và các bộ ban ngành trung ương tiếp tục đàm phán với bên Trung Quốc để nối lại giao thương, thông quan.

Ngoài ra, bà Khanh đề nghị các địa phương tạo điều kiện để các xe quay đầu có thể bán xả hàng giảm lỗ xuống mức thấp nhất, kết nối với những tỉnh hỗ trợ tiêu thụ thanh long tại thị trường nội địa.

“Giải pháp lâu dài vẫn là phải có đầy đủ thông tin cụ thể, kịp thời bên Trung Quốc yêu cầu, phương thức chống dịch của nước bạn ra làm sao, yêu cầu hàng hóa phải đáp ứng được tiêu chí gì”, đại diện Sở NN&PTNT Long An nhấn mạnh.

Việc tiêu thụ cấp bách không chỉ diễn ra với Long An mà Bình Thuận cũng chịu chung tình trạng này, ông Phan Văn Tuấn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận cho biết, sau khi rà soát, sản lượng thanh long của tỉnh đến đến tháng 2/2022 là 120.000 tấn, tương đương 30% diện tích hiện có của tỉnh, tức 10.000ha. Dự kiến thanh long sẽ cho thu hoạch vào 3 đợt trong tháng 01/2022, bắt đầu từ ngày 05/01.

Theo ông Tuấn, hiện tỉnh Bình Thuận có 111 cơ sở thu mua, trữ lượng tổng kho lạnh là 16.000 tấn. Trong đó có 13 cơ sở chế biến, quy mô nhỏ và vừa, còn đơn giản. Con số này so với tổng sản lượng của tỉnh là “không đáng bao nhiêu”.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Bình Thuận nhận xét nếu hiện tại đưa thanh long vào chế biến thì các doanh nghiệp “không làm được”, trong khi trữ lượng kho lạnh “chưa bằng số lẻ” của sản lượng.

“Giá thanh long Bình Thuận hiện tại chỉ 7.000 - 8.000đ/kg với thanh long loại I, hàng loại II, loại III không có ai mua, tỉnh còn tồn 400 - 500 xe thanh long cả tháng nay. Sở đang khuyến khích tiêu thụ nội địa, rà soát kho lạnh. Tình hình là khá cấp bách bởi nông dân cần tiền sắm Tết".

Ông Phan Văn Tuấn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận

Tại diễn đàn, ông Tuấn cũng kêu gọi doanh nghiệp trong nước hỗ trợ tỉnh này và các tỉnh bạn, các cơ quan liên quan của tỉnh sẽ hỗ trợ ngược lại doanh nghiệp về cung cấp thông tin, tạo điều kiện hạ tầng...

Về vấn đề gỡ khó cho việc tiêu thụ thanh long, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhìn nhận, Lạng Sơn và Quảng Ninh là hai địa phương ùn tắc nông sản nhiều nhất, trong đó đặc biệt là mặt hàng thanh long. Tổng sản lượng thanh long cả nước cần tiêu thụ hiện lên đến 300.000 tấn.

Nhận định một trong những lý do dẫn đến tình trạng thanh long “nước sôi lửa bỏng”, Thứ trưởng Nam chỉ rõ: “Các doanh nghiệp thường hay ‘bỏ quên’ thị trường nội địa. Chính Long An cũng đã bỏ qua thị trường nội địa. Thực tế là có hiện tượng một số doanh nghiệp đặt mua 5-7 tấn nhưng bị ‘lơ’ vì số lượng ít, chỉ lo xuất khẩu mà bỏ qua thị trường nội địa đến lúc khó khăn lại đổ thừa trách nhiệm là không được”.

“Hiện thanh long rất khó xuất khẩu, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị để sớm tháo gỡ. Đề nghị các doanh nghiệp cần có trách nhiệm, nắm được thông tin từ phía nước bạn để xúc tiến tiêu thụ. Một phương án có thể tính đến là kết nối với các đơn vị chế biến trong nước càng sớm càng tốt”, Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.

Một phương án có thể tính đến là kết nối với các đơn vị chế biến trong nước càng sớm càng tốt
Một phương án có thể tính đến là kết nối với các đơn vị chế biến trong nước càng sớm càng tốt

Là một trong những đơn vị có nhiều nhà máy sản xuất, chế biến ở khắp cả nước, với công suất thiết kế 100.000 tấn, tương đương 300.000 tấn nguyên liệu/năm, bà Nguyễn Phương Hồng, Giám đốc kế hoạch chuỗi cung ứng tập đoàn Nafoods Group cho biết, thời gian từ giờ đến Tết, Nafoods có thể hỗ trợ tiêu thụ cho chanh leo và thanh long. Các sản phẩm tại cửa khẩu phía Bắc sẽ chuyển về Nghệ An, còn phía Nam sẽ đưa về Long An, tổng sản lượng có thể tiêu thụ khoảng 1.000 tấn.

Tuy nhiên, bà Hồng cũng bày tỏ quan ngại khi những sản phẩm nông sản ở cửa khẩu có khả năng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. “Vì vậy, những nông sản này khó xuất theo dạng quả tươi sang Mỹ, châu Âu. Nếu sản phẩm không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, khả năng mở rộng thị trường cũng như tiêu thụ nội địa sẽ cao hơn”, bà Hồng chia sẻ.

Cùng với đó, ông Paul Lê, đại diện Central Retail cho rằng, trước tiên cần phân loại các sản phẩm đang bị ùn tắc tại cửa khẩu cũng như nhà vườn và khẳng định Central Retail sẽ hỗ trợ tiêu thụ các nông sản đạt chuẩn, trong đó tập trung vào thanh long, dưa hấu để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng mùa tết.

Ông Paul Lê khẳng định có thể hỗ trợ các nông sản đạt chuẩn của Việt Nam đến với hệ thống bán lẻ nước ngoài, không chỉ dừng lại ở Thái Lan mà còn ở thị trường phương Tây như Pháp, Đức, Mỹ… vốn rất yêu thích nông sản nhiệt đới.

Nhận định thanh long Việt Nam sẽ ngày càng khó khăn khi xuất khẩu sang Trung Quốc của Thứ trưởng Trần Thành Nam cũng đã được Bộ Công Thương cảnh báo trước đó vào tháng 07/2021.

Số liệu của Bộ Công Thương cung cấp cho thấy diện tích thanh long Trung Quốc tăng mạnh trong những năm qua và đã tương đương diện tích ở Việt Nam, khoảng 35.555ha. Quảng Tây là địa phương có diện tích trồng lớn nhất với khoảng 10.666 ha, kế đó là các địa phương như Quảng Đông, Quý Châu, Hải Nam, Vân Nam, Phúc Kiến... Diện tích trồng và sản lượng thanh long của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong một vài năm tới. Điều này sẽ gây tác động tới việc thanh long Việt Nam xuất khẩu sang nước này.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.