EU tăng tần suất kiểm tra mỳ ăn liền và thanh long Việt Nam

Kiểm tra eu
10:08 - 24/12/2021
Kể từ ngày 06/01/2022, mỳ ăn liền của Việt Nam sẽ chịu tần suất kiểm tra là 20% với dư lượng của Ethylene Oxide.
Kể từ ngày 06/01/2022, mỳ ăn liền của Việt Nam sẽ chịu tần suất kiểm tra là 20% với dư lượng của Ethylene Oxide.
0:00 / 0:00
0:00
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU mới đây cho biết, Uỷ ban châu Âu đã quyết định áp dụng tạm thời các biện pháp tăng cường tần suất kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật đối với mỳ ăn liền và rau quả nhập từ Việt Nam.

Cụ thể, ngày 17/12, Uỷ ban châu Âu đã đăng công báo Quy định (EU) 2021/2246, sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU. Theo đó, đối với Việt Nam, tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật với các loại rau thơm, quả và thực phẩm như sau: Rau mùi, húng quế, bạc hà, rau mùi tây, đậu bắp, hạt tiêu đều bị tăng tần suất kiểm tra lên 50%. Riêng thanh long và mỳ ăn liền tăng lên 20%.

Quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 20 kể từ ngày đăng công báo. Như vậy, dự kiến kể từ ngày 06/01/2022, mỳ ăn liền của Việt Nam sẽ chịu tần suất kiểm tra là 20% với dư lượng của Ethylene Oxide (tổng cộng của cả ethylene oxide và 2-chloro-ethanol, vì đều được đề cập là ethylene oxide).

Do mỳ ăn liền là sản phẩm tổng hợp, trong trường hợp sản phẩm có thêm trứng hoặc mỡ động vật, thì cần thêm chứng thư từ Cục Thú Y. Nếu thuần túy các sản phẩm từ thực vật thì cần liên hệ với Cục Bảo vệ thực vật để lấy chứng thư.

Quy định (EU) 2019/1793 nêu rõ, để phòng, tránh nguy cơ ô nhiễm bởi ethylene oxide, các lô hàng của những sản phẩm đó phải có một giấy chứng nhận nêu rõ tất cả các kết quả lấy mẫu và phân tích đều cho thấy sự tuân thủ Quy định (EC) số 396/2005 về mức dư lượng tối đa của ethylene oxide đối với các lô hàng thực phẩm và thức ăn chăn nuôi được liệt kê trong phụ lục II với tần suất nhận dạng và kiểm tra thực tế được đặt ở 20%. Kết quả của việc lấy mẫu và phân tích phải được đính kèm với giấy chứng nhận đó.

Ethylene oxide (EO), hay còn gọi là oxiran, là một hợp chất hữu cơ thường ở dạng khí không màu và được sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng ở nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau.

EO không phải là phụ gia thực phẩm hay chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nhưng có thể được sử dụng với mục đích kiểm soát côn trùng, vi sinh vật trong sản phẩm thực phẩm khô, đặc biệt cho gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế... nhằm diệt khuẩn Salmonella.

Trước đó vào cuối năm 2020, Bỉ đã thông báo trên hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU (RASFF) về việc dư lượng EO trong nhiều lô hạt vừng từ Ấn Độ vượt rất nhiều lần so với ngưỡng giới hạn cho phép là 0,05 mg/kg.

Xuất phát từ vụ việc này, nhiều quốc gia EU đã tăng cường kiểm tra dư lượng EO trong các sản phẩm thực phẩm. Theo dữ liệu của RASFF, hiện các quốc gia châu Âu đã phát đi hơn 690 cảnh báo liên quan đến EO. Các nước đưa ra nhiều cảnh báo nhất là Hà Lan 208, Đức 90, Bỉ 79, Tây Ban Nha 49, Pháp 30 và Italy 28.

Bộ Công Thương khuyến cáo, mức giới hạn dư lượng EO cho phép đối với cùng một mặt hàng thực phẩm có thể đáp ứng quy định của quốc gia, khu vực này nhưng lại vượt ngưỡng cho phép của quốc gia, khu vực khác. Do đó, doanh nghiệp cần nghiên cứu, thường xuyên cập nhật thông tin để kiểm soát tiêu chuẩn sản phẩm trước khi xuất khẩu.

Liên quan đến thanh long Việt Nam, quy định (EU) 2019/1793 cho thấy tần suất không tuân thủ các yêu cầu của EU liên quan đến ô nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu được phát hiện trong quá trình kiểm soát tăng cao. Do đó, mặt hàng này cũng bị tăng tần suất nhận dạng và kiểm tra vật lý trên các lô hàng đến 20%.

Tần suất không tuân thủ các yêu cầu của EU liên quan đến ô nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu của thanh long tăng cao.

Tần suất không tuân thủ các yêu cầu của EU liên quan đến ô nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu của thanh long tăng cao.

Để tránh các rủi ro về sức khỏe và môi trường, EU đã đặt ra mức dư lượng tối đa (MRLs) cho thuốc trừ sâu trong và trên các sản phẩm thực phẩm.

Trong cẩm nang “Xuất khẩu rau quả tươi sang Châu Âu - những yêu cầu cần biết” ngày 13/12, Bộ Công Thương đã đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp cần sử dụng Cơ sở dữ liệu về thuốc trừ sâu của Liên minh Châu Âu để tìm hiểu các MRL liên quan đến sản phẩm. Luôn kiểm tra xem các doanh nghiệp nhập khẩu EU có các yêu cầu bổ sung đối với MRL và việc sử dụng thuốc trừ sâu.

Các doanh nghiệp có thể áp dụng quản lý sâu bệnh xâm nhập (IPM) để giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật. IPM là chiến lược kiểm soát sâu bệnh nông nghiệp chiến lược và cũng là một phần của chứng nhận GLOBALG.A.P. Phương pháp IPM sử dụng kiểm soát tự nhiên như dùng các loài côn trùng tự nhiên để chống lại sâu bệnh. Theo đó doanh nghiệp càng sử dụng ít hóa chất, thì đồng nghĩa hoạt động tiếp thị sẽ càng tốt.

EU là thị trường lớn với hơn 500 triệu dân, và khoảng 750 triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Khối các nước châu Âu này chiếm 40% thương mại rau quả toàn cầu, trong đó, 5 thành viên nhập khẩu lớn nhất gồm Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha.

Trong thời gian qua, xuất khẩu rau quả Việt Nam sang EU có nhiều tiến triển tích cực, tăng trưởng bình quân hàng năm gần 20%. Tính riêng 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả, trái cây Việt Nam sang EU đạt 88,5 triệu USD. Các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam gồm xoài, chanh leo, nhãn, vải, măng cụt, mít, ổi, rau gia vị, khoai lang…

Tuy nhiên, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 130 triệu Euro rau, củ, quả sang thị trường này, chỉ chiếm 0,5% tổng kim ngạch nhập khẩu (35 tỷ Euro/năm). Xuất khẩu rau quả sang EU vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Tin liên quan

Đọc tiếp