UBTVQH: Còn nhiều khó khăn và cần có giải pháp đột phá để ứng phó

KINH TẾ Việt nAM
13:36 - 11/10/2022
UBTVQH: Còn nhiều khó khăn và cần có giải pháp đột phá để ứng phó
0:00 / 0:00
0:00
Trong năm 2023, dự báo có nhiều khó khăn, thách thức rất lớn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần phân tích cụ thể và có giải pháp đột phá để ứng phó.

Nhấn mạnh kinh nghiệm trong việc thực hiện mục tiêu kép

Phát biểu tại Phiên họp 16 Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 sáng ngày 11/10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao báo cáo của Chính phủ về thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Về kinh nghiệm rút ra, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo bổ sung, nhấn mạnh thêm kinh nghiệm trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa giữ vững ổn định kinh tế, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế ngay sau khi cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, phối hợp nhuần nhuyễn để đạt được cả hai mục tiêu trong điều kiện khó khăn.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đây là một kinh nghiệm quý giá cần phân tích kỹ. Bài học chống dịch này cần được áp dụng trong điều hành kinh tế, ứng phó các tình huống khẩn cấp.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo cần phân tích rõ nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân của những kết quả, thành tựu đạt được trong thời gian qua.

Cụ thể, cần làm rõ nét nguyên nhân của những kết quả vừa qua là từ sự lãnh đạo sâu sát, sáng suốt của Đảng từ Trung ương đến địa phương, sự tham gia, đồng hành của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công việc xây dựng thể chế, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại Hội nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại Hội nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng Báo cáo cần nhấn mạnh đến sự năng động, linh hoạt của các địa phương trong ứng phó các tình huống khẩn cấp, đảm bảo an ninh trật tự xã hội.

Ngoài ra, ông Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị bổ sung các bài học kinh nghiệm về đẩy mạnh phân cấp phân quyền, nêu cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Trong phương hướng phục hồi, phát triển nền kinh tế cần tập trung vào quy hoạch, tháo gỡ đầu tư công để đẩy mạnh tăng trưởng.

Không thể chủ quan lơ là, phải kiên định ổn định kinh tế vĩ mô

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng sẽ tiếp tục nghiên cứu tiếp thu hoàn chỉnh, rà soát lại số liệu và tiếp thu các ý kiến của UBTVQH để hoàn thiện, báo cáo Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong quy luật, cơ hội luôn đi liền với thách thức, nắm chắc được quy luật này, chúng ta sẽ có quyết sách chính xác, kịp thời hơn để có thể vượt qua thách thức, nắm lấy cơ hội. Bộ trưởng cho biết sẽ bổ sung vào bài học kinh nghiệm cho rõ hơn về vấn đề này và thực tế đã làm được như vậy.

Nhận định về năm 2023 còn nhiều khó khăn tình hình quốc tế và trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng không thể chủ quan lơ là, phải kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tận dụng các dư địa còn lại để nhanh chóng phục hồi và phát triển, trong các giải pháp phải tập trung cả vấn đề ngắn hạn lồng ghép với vấn đề dài hạn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định không thể chủ quan lơ là, phải kiên định ổn định kinh tế vĩ mô.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định không thể chủ quan lơ là, phải kiên định ổn định kinh tế vĩ mô.

Đề cập về vấn đề đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, năm 2022 là năm đầu thực hiện kế hoạch và còn nhiều thủ tục chưa xong, bên cạnh đó giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao cũng là áp lực khiến giải ngân đầu tư công thấp hơn…

Tuy nhiên, Chính phủ rất quyết liệt với nhiều biện pháp, Quốc hội cũng tháo gỡ nhiều vấn đề, nhất là vừa qua Quốc hội đã ban hành một luật sửa 9 luật, có các cơ chế đặc thù, các thủ tục cơ bản đã hoàn thành và chuẩn bị khởi công các dự án đầu tư quan trọng quốc gia, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, những tháng cuối năm 2022 và sang năm 2023 tình hình giải ngân sẽ được cải thiện mạnh mẽ hơn với sự ủng hộ của Quốc hội, sự quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương… Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặc biệt quan tâm vấn đề này để các Chương trình này thực sự hiệu quả, đóng góp cho tăng trưởng để phục hồi nhanh nền kinh tế.

Phân tích cụ thể bối cảnh kinh tế, có giải pháp đột phá để ứng phó

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình và đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, bên cạnh kết quả đạt được, còn một số hạn chế, bất cập như: Tồn tại cố hữu trong nội tại của nền kinh tế chậm được cải thiện như quy mô nền kinh tế nhỏ, năng lực, tính tự chủ, khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa cao, doanh nghiệp chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, công nghệ sản xuất thấp phụ thuộc vào nhập khẩu đầu vào, một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ có hiệu quả; nguy cơ thiếu nhân lực tại các cơ sở y tế công lập do tình trạng xin thôi việc, nghỉ việc…

Trong năm 2023, dự báo có nhiều khó khăn, thách thức rất lớn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần phân tích cụ thể và có giải pháp đột phá để ứng phó.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế xã hội như Chính phủ đã trình. Tuy nhiên đề nghị thuyết minh rõ hơn căn cứ xác định chỉ số CPI, chỉ tiêu bác sĩ, giường bệnh/số dân, chỉ tiêu bảo hiểm xã hội chưa đạt. Đồng thời tiếp tục tập trung thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm, lưu ý ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần phân tích cụ thể và có giải pháp đột phá để ứng phó với khó khăn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần phân tích cụ thể và có giải pháp đột phá để ứng phó với khó khăn.

Về kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023; kế hoạch tài chính 3 năm 2023-2025, Ủy ban Thường Vụ Quốc hội cơ bản thống nhất và đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách.

Việc thực hiện dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2022 ước vượt cao so với dự toán. Bội chi nợ công trong ngưỡng Quốc hội cho phép đã góp phần vào phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, nhiều bất cập, hạn chế trong quản lý điều hành ngân sách còn chậm được khắc phục…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cơ bản thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định tỷ lệ điều tiết các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về dự toán, phân bổ ngân sách trung ương và kế hoạch đầu tư công năm 2023 như Chính phủ trình.

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.