VASEP đề nghị bỏ quy định kiểm dịch để gỡ khó cho doanh nghiệp

Kiểm dịch Việt nAM
07:00 - 22/12/2021
VASEP đề nghị bỏ quy định kiểm dịch để gỡ khó cho doanh nghiệp
0:00 / 0:00
0:00
Lần thứ 3 trong năm 2021, VASEP kiến nghị Chính phủ bỏ quy định kiểm dịch thủy sản đông lạnh dùng làm thực phẩm, do có sự mâu thuẫn giữa các luật, gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực phẩm.

VASEP vừa có văn bản gửi lên Chính phủ và Thủ tướng báo cáo về vướng mắc lớn nhất của cộng đồng thủy sản hiện nay, đó là hoạt động kiểm tra hàng thủy sản nhập khẩu dùng làm thực phẩm lại bị áp vào danh mục kiểm dịch.

Theo VASEP, trong suốt 6 năm qua, những bất cập này vẫn tồn tại và chưa được rà soát, sửa đổi theo quyết định cụ thể về nội dung này tại các Nghị quyết 19 (năm 2016, 2017, 2018, 2019) và Nghị quyết 02 (năm 2020, 2021) của Chính phủ về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như Nghị định 85/2019 quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Sau khi tổng hợp ý kiến từ doanh nghiệp và nghiên cứu chuyên môn của chuyên gia, VASEP nhận thấy hoạt động kiểm tra nhà nước đối với hàng thủy sản nhập khẩu được thực hiện theo quy định tại các Thông tư về kiểm dịch của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, gồm Thông tư 26/2016, Thông tư 36/2018 và Thông tư 11/2021 là chưa đúng bản chất của hoạt động kiểm tra này với nhóm sản phẩm thuỷ sản chế biến dùng làm thực phẩm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Do đó, VASEP kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng xem xét, chỉ đạo bỏ quy định phải kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản chế biến đông lạnh nhập khẩu dùng làm thực phẩm để sản xuất, xuất khẩu hoặc gia công hàng xuất khẩu, không tiêu thụ trong nước.

Cũng như kiến nghị bỏ quy định kiểm dịch đối với các sản phẩm thủy sản chế biến nhập khẩu tiêu thụ nội địa, bởi những sản phẩm này được đánh giá không có nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản vào Việt Nam (các thuỷ sản chế biến dưới dạng đông lạnh, hàng khô… dùng làm thực phẩm cho người).

Bên cạnh đó, VASEP cũng đề nghị các quy định về kiểm dịch cần được tối ưu đối với thuỷ sản sống, tươi, ướp lạnh là đối tượng chủ yếu lây lan dịch bệnh thủy sản trên nguyên tắc vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh vừa đảm bảo yêu cầu hội nhập quốc tế trong cán cân thương mại với các nước. Trên cơ sở đánh giá nguy cơ đối với từng dòng hàng và lịch sử tuân thủ của các doanh nghiệp để không kiểm “dàn hàng ngang” 100%.

Ngoài ra, trong văn bản kiến nghị lần này, ngành thủy sản còn kiến nghị sớm hoàn tất việc số hóa thủ tục kiểm dịch nhập khẩu để đưa các thủ tục này lên Cổng Thông tin một cửa Quốc gia, không bắt buộc doanh nghiệp phải nộp hồ sơ giấy.

Cuối cùng, các doanh nghiệp thủy sản kiến nghị sửa đổi 3 Thông tư nêu trên (26/2016, 36/2018 và 11/2021) của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn ngay trong quý I/2022 để phân định rõ hoạt động kiểm tra nhập khẩu phù hợp với các danh mục sản phẩm khác nhau.

Đây là lần thứ 3 trong năm VASEP kiến nghị liên quan đến nội dung này. Hai lần trước đó là tháng 3 và tháng 5. Ở những lần góp ý trước đó, VASEP đều nhất quán cho rằng việc kiểm tra an toàn thực phẩm với sản phẩm chế biến từ động vật và sản phẩm động vật thủy sản sử dụng cho người tiêu dùng theo Nghị định 15/2020 hướng dẫn một số điều Luật An toàn thực phẩm là đúng bản chất, cơ sở khoa học, pháp lý và theo thông lệ quốc tế.

Theo các Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sản phẩm chế biến từ động vật, sản phẩm động vật hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” thuỷ sản dưới dạng: đông lạnh, hàng khô, nấu chín, ăn liền…; chủ yếu là chế biến đông lạnh vẫn đang tiếp tục thuộc danh mục phải kiểm dịch.

Điều này khiến quy mô, số lượng lô hàng phải kiểm dịch là rất lớn khi gần như 100% các container hàng phải kiểm tra trước khi thông quan.

Tuy nhiên, do hoạt động quản lý sản phẩm chế biến từ động vật, sản phẩm động vật thủy sản cho người tiêu dùng thuộc danh mục "kiểm dịch nhập khẩu", nên sản phẩm còn bị kiểm dịch thú y theo Thông tư 36/2018, 26/2016 và 18/2018 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, với quy trình và thủ tục bị phức tạp hơn rất nhiều. Nhiều sản phẩm đáng ra được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm thì vẫn bị kiểm tra theo quy định về kiểm dịch thú y.

Theo VASEP, việc chưa phân biệt được chỉ tiêu về dịch bệnh và an toàn thực phẩm khi sản phẩm là thực phẩm dùng cho người, thậm chí bị đánh tráo khái niệm, khiến quy mô hàng hoá và đối tượng chịu điều chỉnh quá mức cần thiết.

Bởi vấn đề chính là do kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật (trên cạn, dưới nước) nhập khẩu để kiểm soát sự lây lan dịch bệnh cho vật nuôi và môi trường vật nuôi, chứ không phải là kiểm soát tác nhân gây ra bệnh cho con người. Trong khi đó, sản phẩm nhập khẩu được đề cập ở đây là thực phẩm dành cho người tiêu dùng chứ không phải dùng để nuôi trồng nên không thể đưa vào trong danh sách kiểm dịch.

Về kỹ thuật, Việt Nam đang thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu, từ đông lạnh cho đến chế biến sâu, chứ không phải kiểm dịch. Các hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm đưa ra chỉ tiêu an toàn thực phẩm như vi khuẩn gây hại như E.coli hay Salmonella. Nếu kiểm dịch thì phải kiểm tra các tác nhân (virus) gây bệnh trên con tôm, con cá…

Theo thông lệ quốc tế, hầu như không có quốc gia nào kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu, từ đông lạnh cho đến chế biến sâu. Ngay như EU, thị trường đang kiểm dịch chặt chẽ nhất và cả Trung Quốc cũng chỉ yêu cầu chứng nhận an toàn dịch bệnh áp dụng đối với loài cá và giáp xác còn sống. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có doanh nghiệp nào xuất khẩu thủy sản còn sống sang thị trường này.

Có một số trường hợp đặc biệt như Australia và Hàn Quốc thực hiện thêm phần kiểm dịch với nhóm sản phẩm này để đảm bảo an toàn dịch bệnh theo luật và đánh giá rủi ro riêng. Tuy nhiên, các nước này có thông báo theo quy trình cho Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và chỉ áp dụng với sản phẩm tươi đông lạnh chưa nấu chín. Và họ đều có đánh giá khoa học cũng như công khai bản chất của quy trình là kiểm dịch, khác với việc kiểm tra an toàn thực phẩm thủy sản mà Cục Thú y đang áp dụng.

Hiện có trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ đang nhập khẩu sản phẩm thủy sản của Việt Nam (hơn 85% là chế biến đông lạnh, số còn lại là: đồ hộp, hàng khô…) để dùng làm thực phẩm cho người đều chỉ áp dụng kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các lô hàng sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam và các nước xuất vào, và gọi rõ là kiểm tra ATTP nhập khẩu với nhóm sản phẩm này. Còn quy định của Việt Nam thì gọi là “kiểm dịch”.

Trong khi các lô hàng sản phẩm thủy sản xuất khẩu (của Việt Nam và nhiều nước) được cấp giấy “chứng nhận ATTP (Health Certificate)” chứ không phải là “chứng nhận an toàn dịch bệnh (Veterinary Certificate)”.

Tin liên quan

Đọc tiếp