VESS dự báo GDP Việt Nam 2021 tăng trưởng cao nhất 1,8%

KINH TẾ Việt nAM
16:30 - 18/10/2021
VESS dự báo GDP Việt Nam 2021 tăng trưởng cao nhất 1,8%
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) nhận định, ở kịch bản tích cực nhất, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng GDP 1,8% cho cả năm 2021.

Sáng 18/10, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) đã tổ chức buổi trao đổi VESS TALK chuyên đề đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam trong 9 tháng đầu năm, nhận định rủi ro và dự báo kinh tế vĩ mô cho những tháng cuối năm và cả năm 2022.

Trong buổi trao đổi, các chuyên gia từ VESS bao gồm TS.Nguyễn Đức Thành - Giám đốc VESS; PGS.TS.Phạm Thế Anh - Trưởng bộ môn Kinh tế Vĩ mô trường Đại học Kinh tế Quốc dân; Kinh tế trưởng VESS; TS. Phạm Sỹ Thành - Chuyên gia kinh tế; Cộng tác viên Nghiên cứu VESS và ThS.Nguyễn Khắc Giang - Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Chính trị học, trường Đại học Victoria Wellington (New Zealand) thống nhất đưa ra 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021. Kịch bản sáng hơn nhận định Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng GDP 1,8% cho cả năm 2021.

Kết quả tăng trưởng 9 tháng đầu năm chưa phản ánh hết khó khăn của nền kinh tế

Theo các chuyên gia từ VESS, sự bùng phát dịch lặp lại trong năm 2021 đã gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế Việt Nam: Chuỗi cung ứng đứt gãy, thị trường lao động xáo trộn và doanh nghiệp nội địa gặp thách thức lớn. Các biện pháp bắt buộc phải kiểm soát dịch bệnh kéo dài đã làm xói mòn sức đề kháng của doanh nghiệp, đặc biệt tại khu vực trung tâm kinh tế Đông Nam Bộ.

Ngoài các yếu tố trong nước, các diễn biến kinh tế và địa chính trị trên toàn cầu cũng làm tăng rủi ro các yếu tố đầu vào của doanh nghiệp như vấn đề giá nguyên liệu tăng vọt, chi phí hoạt động tăng cao (bao gồm chi phí phòng chống dịch).

Về phía Chính phủ, nguồn ngân sách Nhà nước cho chống dịch cũng gặp nhiều khó khăn.

Trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP Việt Nam đạt bình quân 1,42%, riêng GDP quý III giảm 6,17%, mức giảm sâu nhất từng được ghi nhận. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế từ VESS nhận định kết quả tăng trưởng này vẫn chưa phản ánh hết khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt là với lĩnh vực phi chính thức.

Theo VESS, triển vọng kinh tế trong phần còn lại của năm và cả năm 2022 chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố then chốt là tốc độ và quy mô tiêm chủng vắc xin. Ngoài ra, hai yếu tố khác cũng góp phần quan trọng vào thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế là hiệu quả phòng chống dịch bệnh cũng như tác động của các gói hỗ trợ với nền kinh tế.

Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin tại Việt Nam tính đến hết tháng 9/2021 vẫn thấp hơn tỷ lệ tiêm chủng bình quân toàn cầu (Ảnh: VESS)

Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin tại Việt Nam tính đến hết tháng 9/2021 vẫn thấp hơn tỷ lệ tiêm chủng bình quân toàn cầu (Ảnh: VESS)

2 kịch bản tăng trưởng

Từ hiện trạng nền kinh tế, VESS xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2021.

Trong đó, kịch bản sáng được xây dựng trên kỳ vọng cả nước thống nhất các biện pháp thích ứng với dịch bệnh, thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch vừa thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế để chuỗi sản xuất và lưu thông hàng hóa không đứt gãy. Điều kiện cần để kịch bản này diễn ra là tình trạng phong tỏa không lặp lại, các trung tâm kinh tế hoàn thành kế hoạch tiêm chủng trong nửa đầu quý IV và các hoạt động sản xuất, tiêu dùng phục hồi tích cực.

Với kịch bản đó, tăng trưởng GDP cả nước trong năm 2021 có thể đạt 1,8%, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng mạnh 4,0%, khu vực nông lâm và thủy sản tiếp tục duy trì mức tăng trưởng vững chắc 2,5% và khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng 0%.

Theo tính toán của các nhà kinh tế VESS, kịch bản tiêu cực hơn được xây dựng trong tình huống dịch bệnh tái bùng phát ở một số địa phương dẫn tới tình trạng phong tỏa và hạn chế đi lại tiếp tục diễn ra gây sức ép lên chuỗi sản xuất và lưu thông hàng hóa. Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng không được cải thiện, sự phân tán và vấn đề thiếu hụt lao động trở nên trầm trọng hơn, chi phí sản xuất tăng cao làm xói mòn lợi nhuận doanh nghiệp.

Trong kịch bản tiêu cực này, VESS dự báo mức tăng trưởng chỉ 0,2% trong cả năm 2021. Trong đó, khu vực nông lâm thủy sản tăng trưởng 1,4% và trở thành động lực chính của nền kinh tế, trong khu khu vực công nghiệp và xây dựng chỉ tăng trưởng 1%; khu vực dịch vụ tăng trưởng -0,7%.

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021 do VESS xây dựng (Ảnh: VESS)

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021 do VESS xây dựng (Ảnh: VESS)

Để đà phục hồi diễn ra đúng hướng, VESS khuyến nghị Chính phủ ưu tiên đẩy nhanh quy mô và tốc độ tiêm chủng tại các địa phương nhằm khai thông việc di chuyển cho người dân, khôi phục chuỗi sản xuất và lưu thông hàng hóa toàn vẹn.

Về chính sách tài khóa, cần thực hiện các gói tài khóa đúng mục đích, tập trung vào củng cố cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, hỗ trợ người lao động mất việc (đặc biệt tại khu vực phi chính thức), xây dựng chính sách hợp lý trong việc tiếp nhận người lao động trở lại địa phương.

Về chính sách tiền tệ, cần thích ứng để đồng hành cùng chính sách tài khóa, đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế nhưng đi kèm với kiểm soát rủi ro lạm phát ở mức vừa phải (kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh mức 10%).

TS.Nguyễn Đức Thành nhận định không nên thắt chặt chính sách tiền tệ nhưng cũng không nên nới lỏng quá mức, bởi cung tiền tăng mạnh vượt quá khả năng hấp thụ của nền kinh tế chắc chắn sẽ đẩy lạm phát lên cao, buộc Ngân hàng Nhà nước sớm tăng lãi suất, gây đau đớn cho nền kinh tế trong dài hạn.

Về chính sách điều hành kinh tế chung, VESS khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách kiên định với nguyên tắc kinh tế thị trường. Chẳng hạn, việc huy động nguồn lực xã hội cần thống nhất thực hiện thông qua các công cụ lãi suất và cơ chế sẵn có trên thị trường tài chính, mà đối tượng điều hành duy nhất là đồng Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.