Vì sao Năng lượng REE muốn rót thêm vốn vào Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh?

REE CHỨNG KHOÁN
18:13 - 13/09/2022
CTCP Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh tiền thân là Nhà máy Thuỷ điện Vĩnh Sơn trực thuộc Công ty Điện Lực III.
CTCP Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh tiền thân là Nhà máy Thuỷ điện Vĩnh Sơn trực thuộc Công ty Điện Lực III.
0:00 / 0:00
0:00
Công ty TNHH Năng lượng REE đăng ký mua 4 triệu cổ phiếu VSH của Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh trong giai đoạn 19/9 - 17/10. Giá của cổ phiếu này đang giao dịch ở vùng đỉnh sau chuỗi tăng mạnh từ tháng 5/2022.

Về mối quan hệ, Công ty TNHH Năng lượng REE là đơn vị có liên quan đến Thành viên HĐQT Nguyễn Quang Quyền của Vĩnh Sơn - Sông Hinh. Nếu mua thành công 4 triệu cổ phiếu VSH, Năng lượng REE sẽ nâng sở hữu tại Vĩnh Sơn - Sông Hinh từ hơn 119 triệu cổ phiếu (50,45%) lên thành hơn 123 triệu cổ phiếu (51,15%).

Năng lượng REE mới được thành lập ngày 30/9/2020, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất điện. Tính tới 30/6/2022, CTCP Cơ Điện Lạnh (mã REE) đang sở hữu 100% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Năng lượng REE.

Từ cuối tháng 3/2022 đến nay, VSH nhận được dòng tiền mua mạnh giúp giá cổ phiếu nhanh chóng vươn lên vùng đỉnh gần 47.000 đồng (phiên 20/6). Sau giai đoạn điều chỉnh, mã này lại tăng mạnh từ phiên giao dịch đầu tháng 9 đến nay, kết phiên 13/9 ở mức giá 44.900 đồng. Chiếu theo mức giá này thì Năng lượng REE phải bỏ ra gần 180 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ mua vào trên.

Cổ phiếu VSH đi lên trong bối cảnh kết quả kinh doanh của Vĩnh Sơn - Sông Hinh khởi sắc trong nửa đầu năm 2022. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, VSH ghi nhận doanh thu đạt 1.470 tỷ đồng, tăng 113% so với cùng kỳ 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 661 tỷ đồng, tăng 179%. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 58% lên 66%. Năm nay, Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 2.030 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 525 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã hoàn thành được 126% kế hoạch lợi nhuận năm.

Thông tin từ VSH, tình hình thủy văn các tháng cuối năm 2021 thuận lợi, mưa nhiều ở khu vực miền Trung, tổng sản lượng điện sản xuất của công ty trong 6 tháng đầu năm 2022 cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, sản lượng điện sản xuất tăng và giá bán điện bình quân trên thị trường phát điện cạnh tranh của 3 nhà máy cũng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp thủy điện nhiều thuận lợi

Trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào như khí và than để sản xuất điện tăng cao không có lợi cho nhiệt điện thì doanh nghiệp thủy điện đang chiếm phần lợi thế nhờ chi phí đầu vào rẻ, tình hình thủy văn thuận lợi, cùng đó là nhu cầu tiêu thụ và giá bán điện tăng cao.

Báo cáo triển vọng ngành điện mới đây của Chứng khoán SSI cho biết, nhu cầu điện năng trên toàn quốc tháng 8/2022 ghi nhận mức tăng trưởng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái và trong 8 tháng năm 2022 tăng 6,5%.

Tăng trưởng nhu cầu điện năng trong tháng 8 phản ánh mức cơ sở so sánh thấp trong nửa cuối năm 2021. Đồng thời, mức tăng này cũng nhờ sự dẫn dắt bởi mức tăng trưởng 9,4% so với cùng kỳ của chỉ số sản xuất công nghiệp trong 8 tháng năm 2022. SSI dự báo, nhu cầu điện trên toàn quốc năm 2022 có thể tăng 8% so với cùng kỳ.

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Quốc tế về Xã hội và Khí hậu (IRI) và Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng La Nina có thể kéo dài đến hết năm 2022 nên thủy điện có thể sẽ được huy động tối đa sản lượng.

Các hồ chứa thủy lợi vừa và lớn tại các tỉnh ở Trung Bộ và Nam Bộ dung tích bình quân đạt từ 50-80% dung tích thiết kế. Thêm vào đó, từ tháng 9 đến hết năm 2022, tổng lượng mưa tại các khu vực Trung Bộ, Nam Bộ sẽ cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 20-50% (xác suất hơn 60%). Như vậy, các doanh nghiệp thủy điện tại khu vực này sẽ được hưởng lợi trong thời gian tới.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes báo lãi giảm 92% trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi giảm 92% trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.