Việt Nam cần 6,8% GDP mỗi năm để dung hòa phát triển kinh tế với khí hậu

Việt nAM Khí hậu
18:22 - 14/07/2022
Lễ công bố Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và Phát triển (CCDR), ngày 14/7. Ảnh: Phương Thảo
Lễ công bố Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và Phát triển (CCDR), ngày 14/7. Ảnh: Phương Thảo
0:00 / 0:00
0:00
Theo World Bank, để thích ứng biến đổi khí hậu, Việt Nam cần 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022 – 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm, trong đó khu vực tư nhân là 184 tỷ USD (3,4% GDP); khu vực công là 130 tỷ USD (2,4% GDP) và bên ngoài là 54 tỷ USD (1% GDP).

Thiệt hại do tác động khí hậu có thể lên tới 523 tỷ USD vào năm 2050

Việt Nam đang ​ngày càng chứng kiến nhiều tác động của biến đổi khí hậu lên sự phát triển của đất nước, với 100 triệu người dân Việt Nam nằm trong nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước sự tàn phá của biến đổi khí hậu. Bối cảnh này dẫn đến việc cần phải tìm ra các giải pháp ứng phó toàn diện.

Đây là nội dung của Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và Phát triển (CCDR) do Ngân hàng Thế giới (World Bank), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa phương, công bố ngày 14/7.

Theo báo cáo CCDR, Việt Nam thiệt hại khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP, do các tác động của khí hậu. Các mô hình cho thấy tổng chi phí kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra có thể lên tới 523 tỷ USD vào năm 2050.

Khi nền kinh tế đang phát triển nhanh của Việt Nam tiến dần đến vị thế là nước có thu nhập cao, Việt Nam cũng cần phải giảm cường độ carbon. Đóng góp của Việt Nam vào tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu tương đối nhỏ, chỉ ở mức 0,8%. Tính theo bình quân đầu người, lượng phát thải của Việt Nam chưa bằng một nửa lượng phát thải bình quân đầu người của các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Nguồn: Báo cáo CCDR

Nguồn: Báo cáo CCDR

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam đã tăng lượng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người lên gấp 4 lần trong giai đoạn 2000 - 2015, từ 390 USD lên 2.000 USD thì lượng khí thải carbon dioxide (CO2) cũng tăng gần gấp bốn lần, từ 0,79 tấn carbon dioxide (CO2) tương đương vào năm 2000 lên 3,81 tấn CO2 vào năm 2018, và lượng khí thải đang tăng với tốc độ nhanh nhất trên thế giới.

Ô nhiễm liên quan đến khí thải này ảnh hưởng đến sức khỏe và giảm năng suất, kéo theo tình trạng cạn kiệt tài nguyên và các tác động của biến đổi khí hậu đã làm tổn hại đến thương mại và đầu tư.

Đưa ra đánh giá về giải pháp giúp Việt Nam giảm thiểu những rủi ro của biến đổi khí hậu, bà Manuela V. Ferro , Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương cho rằng, Việt Nam phải dành nguồn lực lớn để bảo vệ TP HCM – đô thị lớn nhất cả nước và đường bờ biển trũng thấp, và vùng Đồng bằng sông Cửu Long khỏi tác động của biến đổi khí hậu.

Ảnh tác giả

“Việt Nam cũng là quốc gia đóng góp ngày càng nhiều vào phát thải khí nhà kính. Việc thực hiện các cam kết quốc tế đầy tham vọng của Việt Nam sẽ đòi hỏi phải có hành động trong những lĩnh vực phát thải chính như năng lượng, giao thông, nông nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo, và sử dụng định giá carbon để thúc đẩy đầu tư”.

Bà Manuela V. Ferro , Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương

Để giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển, đồng thời thực hiện các cam kết về khí hậu, báo cáo CCDR đề xuất nhiều giải pháp trên hai góc độ quan trọng, đó là nâng cao khả năng chống chịu với các tác động của khí hậu và theo đuổi chiến lược tăng trưởng hướng nền kinh tế giảm dần các nguồn năng lượng thâm dụng carbon.

Hai lộ trình này sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về khí hậu đồng thời tăng GDP bình quân đầu người hơn 5%/năm - tỷ lệ trung bình cần thiết để trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

“Nếu không có các biện pháp thích ứng toàn diện, tác động của biến đổi khí hậu có thể khiến thêm từ 400.000 đến 1 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực vào năm 2030. Đồng thời, Việt Nam cần đẩy mạnh các chương trình khuyến khích khu vực tư nhân áp dụng những công nghệ sạch hơn và tạo thuận lợi cho dịch chuyển lao động”, báo cáo nêu rõ.

Chi phí khử carbon đến phần lớn từ ngành năng lượng

Để thực hiện đầy đủ các giải pháp tổng thể, báo cáo CCDR tính toán tổng nhu cầu tài chính tăng thêm của Việt Nam để xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon có thể lên tới 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022 – 2040, tương đương xấp xỉ 6,8% GDP mỗi năm.

Riêng lộ trình xây dựng khả năng chống chịu sẽ chiếm khoảng 2/3 số tiền này vì cần huy động lượng vốn đáng kể để bảo vệ tài sản và cơ sở hạ tầng cũng như những người dân dễ bị tổn thương.

Nguồn: Báo cáo CCDR

Nguồn: Báo cáo CCDR

Chi phí của lộ trình khử carbon sẽ chủ yếu phát sinh từ ngành năng lượng - chi phí đầu tư vào năng lượng tái tạo và quản lý quá trình chuyển dịch ra khỏi năng lượng than có thể tiêu tốn khoảng 64 tỷ USD từ năm 2022 đến năm 2040.

Tất cả các số liệu đều được tính theo giá trị hiện tại ròng với tỷ lệ chiết khấu là 6%. Việc bù đắp thiếu hụt kinh phí liên quan đến thực hiện lộ trình xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon sẽ đòi hỏi có sự phân bổ lại tiết kiệm từ khu vực tư nhân trong nước sang các dự án liên quan đến khí hậu, tăng tiết kiệm từ khu vực công và huy động hỗ trợ tài chính từ bên ngoài.

Nỗ lực mạnh mẽ có thể giúp huy động nguồn vốn tư nhân tương đương khoảng 3,4% GDP mỗi năm. Điều này có thể đạt được bằng cách huy động tín dụng xanh từ các ngân hàng, phát triển công cụ dựa trên thị trường như cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh, cũng như áp dụng các công cụ giảm thiểu rủi ro.

Tài chính xanh ở Việt nam đang trong giai đoạn sơ khai, và chính sách công có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các ngân hàng vượt qua những nút thắt bên trong và bên ngoài thông qua các cải cách quy định và ưu đãi cho cả bên cung cấp tín dụng và bên đi vay.

“Khoảng 2,4% GDP mỗi năm có thể được tài trợ bởi doanh thu tăng thêm từ thuế carbon (1,4 – 1,5% GDP mỗi năm) và đi vay trên thị trường trong nước. Nguồn vốn nước ngoài có thể đến từ các nhà đầu tư tổ chức hoặc các nhà tài trợ đa phương và song phương, bên cạnh việc khai thác đầu tư trực tiếp nước ngoài và nguồn kiều hối. Việc thiết lập một quỹ khí hậu nhằm huy động các nhà tài trợ công và tư quốc tế tiềm năng để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết COP26 có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý đầu tư”, báo cáo CCDR chỉ ra.

Để khu vực kinh tế tư nhân đóng góp sâu rộng vào các giải pháp dung hòa phát triển kinh tế và khí hậu, Phó Chủ tịch Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của IFC là ông Alfonso Garcia Mora cho rằng, với mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao và phát thải ròng bằng “0” trong 30 năm tới sẽ đòi hỏi Việt Nam phải huy động một lượng lớn vốn tư nhân.

Ảnh tác giả

“Để điều này trở thành hiện thực, điều quan trọng là Việt Nam phải thiết kế và thực hiện các chính sách và cải cách đúng đắn. Xanh hóa lĩnh vực tài chính, thúc đẩy các dự án tăng trưởng xanh trên nhiều lĩnh vực và ban hành quy trình thủ tục minh bạch và dễ dàng cho các dự án năng lượng là một ưu tiên rõ ràng”.

Ông Alfonso Garcia Mora, Phó Chủ tịch Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của IFC

Còn theo ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Halcom cho biết, giới tư nhân của Việt Nam cần có nhận thức chung về các thách thức, thiệt hại cho chính doanh nghiệp nếu không đi theo hướng xanh hóa nền kinh tế. Thông tin đa chiều ngày càng nhiều đối với doanh nghiệp, nên cần có những kênh thông tin cụ thể để họ thay đổi nhận thức, thoát khỏi sức ì.

“Bên cạnh đó, Chính phủ cần có những cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp ở tầm vĩ mô về chuyển đổi công nghệ, kỹ thuật, cách đón nhận đồng vốn và sử dụng đồng vốn hiệu quả thông qua việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế”, ông Huân nhận định.

Báo cáo quốc gia về Khí hậu và Phát triển (CCDR) của Nhóm Ngân hàng Thế giới là các báo cáo đánh giá quan trọng, mới tích hợp các mối quan tâm về biến đổi khí hậu và phát triển. CCDR xác định các lộ trình chính để giảm phát thải khí nhà kính và tính dễ bị tổn thương do khí hậu, bao gồm các chi phí và thách thức cũng như lợi ích và cơ hội của các lộ trình này. Đồng thời đề xuất những hành động cụ thể và mang tính ưu tiên để hỗ trợ quá trình chuyển dịch sang carbon thấp và thích ứng.

Tin liên quan

Đọc tiếp