Việt Nam kiên định đường lối mở cửa, tập trung xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ

KINH TẾ Việt nAM
22:17 - 05/06/2022
Việt Nam kiên định đường lối mở cửa, tập trung xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ
0:00 / 0:00
0:00
Chiều 5/6 tại TP HCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự phiên toàn thể - tọa đàm cấp cao của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 với chủ đề "Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới".

Tại Diễn đàn, các đại biểu, chuyên gia trong nước và quốc tế tập trung thảo luận, làm rõ nội hàm về nền kinh tế độc lập, tự chủ của Việt Nam trong bối cảnh và điều kiện mới hiện nay, nhất là yêu cầu về tự chủ khoa học, công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; các tiêu chí đánh giá mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Cùng với đó, làm rõ thực trạng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam trong thời gian qua; những kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của một số nước về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam.

Các đại biểu cũng đề xuất, kiến nghị hoàn thiện hoặc ban hành các chủ trương, chính sách, biện pháp mới để củng cố và phát huy sức mạnh nội lực của nền kinh tế, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài. Đồng thời, đề xuất cách tiếp cận và các chính sách, giải pháp để bảo đảm giải quyết tốt mối quan hệ giữa xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế trong thời gian tới.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Ảnh: VGP

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Ảnh: VGP

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá thế giới đang trải qua một giai đoạn đầy rủi ro, bất trắc, đang cấu trúc lại. Trong bối cảnh đó, những phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hoa Kỳ về nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập thực chất, hiệu quả đã cho thấy nhiều bài học lớn.

Trong đó, bài học đầu tiên là bài học về toàn cầu hóa, liên kết để tồn tại. Cùng với đó là bài học về "luật chơi", không thể "một mình một chợ" hay tự cô lập trong thế giới toàn cầu hóa. Tiếp theo là bài học "lợi thế đi sau", tích cực triển khai kinh tế số và công nghệ cao, chuyển đổi số. Ngoài ra còn bài học chuẩn bị năng lực đón đầu xu thế di chuyển các chuỗi sản xuất.

PGS.TS Trần Đình Thiên đánh giá chương trình phục hồi và phát triển mà Chính phủ đang triển khai không chỉ có ý nghĩa sau đại dịch mà còn trong thời điểm Việt Nam có thể tận dụng thời cơ để bứt lên.

Ảnh tác giả

Hoàn cảnh không bình thường thì tư duy và giải pháp phải khác thường. Khủng hoảng năng lượng, biến đổi khí hậu cũng là cơ hội để Việt Nam thực hiện cuộc chuyển đổi mạnh mẽ về phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng.

PGS.TS Trần Đình Thiên

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý (Đại học Fulbright) nhận định kinh tế Việt Nam đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức, bên cạnh rất nhiều cơ hội.

Ông đặc biệt nhấn mạnh việc Việt Nam đang giữ được trạng thái ổn định trong một thế giới biến động, như "một vịnh tránh bão trong cơn biển động".

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý (Đại học Fulbright). Ảnh: VGP

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý (Đại học Fulbright). Ảnh: VGP

Ông Yoshiki Takeuchi, Phó Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đánh giá nhờ các chính sách quản lý dịch bệnh rất linh hoạt, Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia trên thế giới đã duy trì được tăng trưởng dương năm 2020.

Nhắc tới những rủi ro của kinh tế Việt Nam do tác động từ tình hình thế giới và đánh giá Việt Nam đang thực hiện hiệu quả các khuyến nghị quản lý rủi ro của OECD, Phó Tổng Thư ký OECD đề cập một số vấn đề như cải cách doanh nghiệp Nhà nước, thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng chính sách… để Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng kiên cường và bền vững hơn nữa trong thời gian tới.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Ảnh: VGP

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Ảnh: VGP

Về tài chính, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định, Việt Nam đang có vị trí rất tốt, tương lai tươi sáng, với các chiến lược, mục tiêu, chính sách tốt và việc thực thi là vấn đề mấu chốt. Trong đó, Giám đốc ADB tại Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì nợ công ở mức quản lý được và chính sách tài khóa phù hợp để đề phòng các bất trắc có thể xảy ra.

Việt Nam lựa chọn xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế, trong nước, các chuyên gia, nhà khoa học đã tham dự và có phát biểu, đóng góp ý kiến thắng thắn, có căn cứ khoa học thực tiễn về các chủ đề thảo luận mang tính chất cơ bản, lâu dài vừa giải quyết những vấn đề chiến lược, vừa xử lý những vấn đề tình thế của diễn đàn.

Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh việc Việt Nam kiên định đường lối đổi mới, tập trung xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc kiên định đường lối đổi mới, tập trung xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc kiên định đường lối đổi mới, tập trung xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Ảnh: VGP

Theo đó, thủ tướng nêu lên các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, trước hết phải tạo môi trường hòa bình, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị -xã hội, ổn định môi trường pháp lý, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng.

Tiếp theo, cần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đồng bộ, hiện đại, hội nhập, phù hợp với cam kết quốc tế. Tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật phù hợp với thông lệ, cam kết quốc tế và điều kiện thực tiễn Việt Nam.

Ngoài ra, cần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế (thu chi, xuất nhập khẩu, lương thực thực phẩm, năng lượng và lao động). Phối hợp đồng bộ, hiệu quả, linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Định hướng "độc lập, tự chủ gắn với hội nhập" xuất phát từ tư tưởng xuyên suốt của Đảng ta về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Ảnh VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Định hướng "độc lập, tự chủ gắn với hội nhập" xuất phát từ tư tưởng xuyên suốt của Đảng ta về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Ảnh VGP

Bên cạnh đó, tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng một cách thực chất, hiệu quả hơn, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả 3 trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế là cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, tránh dàn trải, chia cắt, manh mún, kéo dài; cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là các tổ chức tín dụng; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Tập trung thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, giải pháp không thể thiếu là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Theo đó, phải rà soát, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách tạo môi trường và điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho việc huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực từ bên trong và bên ngoài cho phát triển.

Các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh VGP

Các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh VGP

Phát triển cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh, cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập. Hiện Việt Nam có trên 800.000 doanh nghiệp có tính linh hoạt, khả năng thích ứng cao và đang nỗ lực phục hồi, phát triển. Tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước; tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu.

Cuối cùng, cần phát triển nguồn nhân lực và quản trị quốc gia hiện đại. Thủ tướng lưu ý cần chú trọng phát triển nhân lực chất lượng cao có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế, chú trọng đào tạo kỹ năng, kiến thức pháp luật, hội nhập, nhất là nguồn nhân lực có đủ khả năng cạnh tranh và làm việc trong môi trường quốc tế...

Tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả hệ thống quản trị quốc gia; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Không lựa chọn nền kinh tế đóng mà luôn kiên định đường lối đổi mới, mở cửa

Kết luận bài phát biểu, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta trong tình hình mới.

Ảnh tác giả

"Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán: Một là, không lựa chọn nền kinh tế đóng mà luôn kiên định đường lối đổi mới, mở cửa, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Hai là, tạo môi trường pháp lý phù hợp, ổn định và điều kiện thuận lợi, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các doanh nghiệp, đối tác đầu tư, kinh doanh lâu dài, hiệu quả, bền vững trên nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" và tuân thủ pháp luật.

Ba là, Việt Nam mong muốn là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm và sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các thách thức có tính chất toàn cầu, toàn dân"

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Tin liên quan

Đọc tiếp