Việt Nam tham gia AFTA: Cơ hội hay thách thức?

Hợp Tác asean
08:00 - 30/09/2021
Việt Nam tham gia AFTA: Cơ hội hay thách thức?
0:00 / 0:00
0:00
Tham gia Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) là bước đi quan trọng của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, qua đó đem lại những cơ hội và thách thức lớn cho nước ta.

AFTA là một hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương giữa các nước trong khối ASEAN, được ký kết vào năm 1992. Ban đầu, có 6 nước tham gia AFTA là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Sau đó, các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam tham gia AFTA khi được kết nạp vào ASEAN. Việt Nam bắt đầu tham gia hiệp định này vào năm 1995.

Mục đích của AFTA là nâng cao năng lực cạnh tranh của ASEAN với tư cách là một cơ sở sản xuất trên thế giới, đồng thời tăng cường tính hấp dẫn đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo Hiệp định về thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT), sáu quốc gia gia nhập ASEAN trước sẽ xóa bỏ khoảng 98% tổng số dòng thuế của mình đối với các quốc gia thành viên khác vào năm 2006. Các sản phẩm được xem xét giảm thuế quan được nêu trong bốn danh mục, đó là:

- Danh mục các sản phẩm giảm thuế ngay;

- Danh mục các sản phẩm tạm thời chưa giảm thuế;

- Danh mục các sản phẩm nông sản chưa chế biến nhạy cảm;

- Danh mục các sản phẩm loại trừ hoàn toàn.

Ngoài việc cắt giảm thuế, các thành viên ASEAN tham gia AFTA còn có mục đích loại bỏ các chính sách hạn chế số lượng như đối với tất cả các loại hàng hóa trong chương trình CEPT.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Cơ hội cho Việt Nam khi tham gia AFTA

Tham gia AFTA giúp đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước và tác động trực tiếp đến xuất khẩu và đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Hiệp định thúc đẩy quá trình chuyển đổi Việt Nam sang một cơ chế kinh doanh cởi mở và tự do hơn. Đồng thời, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế cùng với các nước ASEAN khác.

Ngoài ra, hiệp định tạo nên sự thu hút vốn đầu tư, mở rộng thâm nhập thị trường rộng lớn của các nước ASEAN với khoảng 500 triệu dân. Tạo sức ép cho các doanh nghiệp nâng cao chất lượng và giá cả phù hợp. Giúp quá trình chuyển dịch cơ cấu có sự thay đổi. Phát triển các ngành dịch vụ thu hẹp các ngành nông nghiệp truyền thống.

Những thách thức không nhỏ

Xuất phát điểm của nền kinh tế Việt Nam thấp hơn so với các nước thành viên khác. Khi hạ thấp hàng rào thuế quan và phi quan thuế theo AFTA, Việt Nam ngay lập tức sẽ xảy ra một cuộc cạnh tranh gay gắt. Sức cạnh tranh của các mặt hàng về chất lượng và giá cả chưa tốt do vậy các sản phẩm nhập khẩu sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh lớn đối với các sản phẩm trong nước. Các doanh nghiệp nghèo vốn, kỹ thuật thấp, chất lượng yếu và không có khả năng cạnh tranh về giá cả sẽ không có được nhiều lợi thế.

AFTA cũng đặt ra thách thức cho Việt Nam khi mà hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, rườm rà không hiệu quả trong hoạt động, tình trạng về quan liêu. Nhiều quy định pháp luật chưa phù hợp với hiệp định được ký kết. Đặc biệt là các cơ quan quản lý còn chưa quan tâm đúng mức đến việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn giúp cho doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh về cơ chế, vốn, thị trường.

Qua đó, Việt Nam cần điều chỉnh hệ thống luật pháp và các cơ chế chính sách, xử lý một cách thích hợp tính cân đối giữa bảo hộ và khuyến khích cạnh tranh lành mạnh.

AFTA được coi là hiệp định được triển khai rất thành công giữa các nước đang phát triển, đưa ASEAN trở thành một trong những khu vực phát triển kinh tế năng động nhất trên thế giới. Kể từ khi tham gia vào AFTA, Việt Nam đã có những sự tăng trưởng về mặt kinh tế đáng kể. Nước ta nhận được rất nhiều ưu thế để tăng trưởng thương mại, kinh tế.

Để tận dụng hết các cơ hội hiệp định đem lại, Việt Nam cần quan tâm đẩy mạnh trên tất cả mọi lĩnh vực, bao gồm: cả những biện pháp để tạo ra sự ổn định kinh tế vĩ mô, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và luật lệ, nâng cấp cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực./.

Đọc tiếp